'Mở lối' giúp thanh thiếu niên hư hỏng thành người có ích - Bài 3: Giáo dục hướng nghiệp, định hướng tương lai

Trong xu thế hội nhập, bối cảnh internet phổ biến rộng, nhà trường, gia đình, xã hội cần có sự phối hợp mật thiết để có những biện pháp giáo dục phù hợp, kịp thời trong quá trình thanh thiếu niên trưởng thành.

Hình thức phiên tòa giả định giống 100% so với một phiên tòa thực tế, mang lại sự trực quan, sinh động đối với thanh thiếu niên

Hình thức phiên tòa giả định giống 100% so với một phiên tòa thực tế, mang lại sự trực quan, sinh động đối với thanh thiếu niên

Chặn dòng bỏ học, mất phương hướng

Thực tế cho thấy, rất cần xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, có phương pháp với công tác thanh thiếu niên, để tạo chỗ dựa, cơ hội cho các em chậm tiến. Cách đây 3 tháng, câu lạc bộ “Hải Châu ngày mới” do UBND quận Hải Châu thành lập, tập hợp khoảng 110 thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật và người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ là đại diện lãnh đạo UBND quận, các ban, ngành, đoàn thể và 13 phường thuộc quận.

Nói về giải pháp chặn dòng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, ông Trương Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, nhận định, thời gian đầu, thông qua nhiều hoạt động đa dạng, câu lạc bộ tạo không gian vui tươi, gần gũi, ấm áp, hòa đồng kết hợp công tác tuyên truyền, trang bị kỹ năng phòng, chống tái nghiện, giúp thay đổi suy nghĩ, nâng cao nhận thức cho các bạn thanh thiếu niên. Không chỉ vậy, ban chủ nhiệm cử lực lượng tìm hiểu hoàn cảnh của các em để nắm bắt, từ đó giúp đỡ, dìu dắt, định hướng cho các em trong sinh hoạt, học tập.

 UBND quận Hải Châu tổ chức tham quan thực tế đặc biệt dành cho gần 80 thanh thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật, từng sử dụng ma túy đến trường Giáo dưỡng số 3 và Cơ sở xã hội Bàu Bàng

UBND quận Hải Châu tổ chức tham quan thực tế đặc biệt dành cho gần 80 thanh thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật, từng sử dụng ma túy đến trường Giáo dưỡng số 3 và Cơ sở xã hội Bàu Bàng

“Bên cạnh tổ chức giải thể thao giúp hòa nhập, chúng tôi liên hệ một số đơn vị doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, sửa chữa ô tô, xe máy…, kết nối, định hướng giúp các em có công việc nhất định. Từ việc làm đó, các em cảm nhận bản thân giúp đỡ được cho gia đình, có ích cho xã hội thì mới lan tỏa đến nhiều thanh thiếu niên khác”, ông Trương Thanh Dũng nói.

Quá trình cảm hóa, khó nhất là khâu tiếp xúc ban đầu, bởi các em vốn nhạy cảm. Nếu người hỗ trợ không khéo léo, các em không những không hợp tác mà còn chống đối. Bà Nguyễn Thị Sương, Hiệu trưởng THCS Nguyễn Hồng Ánh (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), cho rằng, ở lứa tuổi dưới 18 tuổi, các em cần sự giáo dục từ nhiều phía, trong đó môi trường giáo dục của nhà trường góp phần ngăn ngừa thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Tại trường, mô hình 7 trong 1 được xem là giải pháp để hướng dẫn, dìu dắt học sinh chưa ngoan.

“Đối với một học sinh chưa ngoan sẽ có 7 người cùng hỗ trợ em trong việc quản lý, giám sát, giáo dục. Trước đây, mô hình này đã triển khai nhưng mới ở mức độ 5 trong 1 trong trường gồm: ban cán sự lớp, giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách/đoàn thanh niên/công đoàn, ban giám hiệu... Mỗi tuần, các lực lượng hỗ trợ tư vấn, giám sát học sinh chưa ngoan học tập và rèn luyện. Khi kiểm tra, các lực lượng thể hiện sự khuyến khích, động viên để học sinh ấy tiếp tục nỗ lực. Hiện nay, với mô hình 7 trong 1 sẽ có thêm lực lượng của phụ huynh, công an và tổ chức chính trị tại thôn. Một số em có những biểu hiệu vi phạm ở trường, tuy nhiên một số em chỉ có biểu hiện vi phạm ngoài trường, vì vậy sự tham gia của gia đình, lực lượng xã hội giúp chúng ta phát hiện và ngăn ngừa từ sớm”, bà Nguyễn Thị Sương thông tin.

 Ra mắt các thành viên Câu lạc bộ Hướng nghiệp Hòa Vang

Ra mắt các thành viên Câu lạc bộ Hướng nghiệp Hòa Vang

Đồng ý kiến, theo ông Tô Văn Hùng, Bí thư huyện ủy Hòa Vang, hiện địa phương có những mô hình giao cho tổ chức đoàn thể chính trị của huyện, xã gồm: hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh…, phân công theo dõi, giúp đỡ cho thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình lao động ba mẹ đi làm ăn xa. Không chỉ vậy, địa phương vận động sự tham gia, phát huy vai trò của tộc họ, thôn xóm cùng nhau giúp đỡ, không để các em vì điều kiện gia đình khó khăn mà bỏ học.

Điển hình như: “Tộc họ tiên tiến, thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc” ở xã Hòa Nhơn; “Thôn không có tệ nạn ma túy”, “Người đồng bào Cơ tu nói không với vi phạm pháp luật” ở xã Hòa Bắc… Nhìn nhận là địa bàn giáp ranh, phức tạp nên huyện Hòa Vang tích cực vận động người dân tham gia phong trào toàn dân giữ gìn an ninh trật tự, phát huy vai trò “tai mắt”, kịp thời theo dõi, phát hiện những vấn đề mất an toàn, an ninh.

Nhằm hạn chế số lượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật cần giải quyết vấn đề định hướng nghề nghiệp, để phần nào giúp các em nếu không vào được trường công lập cũng sẽ có hướng đi cho tương lai, hiện địa phương đã thành lập Câu lạc bộ Hướng nghiệp Hòa Vang. Câu lạc bộ nhằm hỗ trợ các em trong định vị bản thân và định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực cá nhân và nhu cầu lao động xã hội; ký kết với Đại học Duy Tân hỗ trợ chính sách đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật viên ngành vi mạch bán dẫn đối với học sinh là con em Hòa Vang.

Chung tay hỗ trợ thanh thiếu niên chậm tiến

Nói về công tác tuyên truyền giáo dục thanh thiếu niên nói chung và thanh thiếu niên chậm tiến, chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho rằng, công tác tuyên truyền giáo dục thanh thiếu niên nói chung và thanh thiếu niên chậm tiến, có nguy cơ vi phạm pháp luật và thanh niên vi phạm chưa đủ tuổi thành niên thực hiện xuyên suốt. Trong đó, mô hình “Thắp sáng niềm tin”, “Sống có trách nhiệm - Tâm sáng hướng thiện”, “Đến với những mảnh đời lầm lỡ” tại Cơ sở Xã hội Bàu Bàng, Trường Giáo dưỡng số 3 và tại địa bàn dân cư gắn với các bộ phận thanh thiếu niên chậm tiến, nghiện ma túy, sử dụng ma túy lần đầu.

Các mô hình được triển khai với các hình thức đa dạng, trên tinh thần tiếp xúc gần gũi, bầu bạn, sẻ chia cùng thanh thiếu niên chậm tiến trong chính cuộc sống sinh hoạt đời thường với mục tiêu cảm hóa, giáo dục các em. Bên cạnh đó, các cơ sở đoàn phiên tòa giả định, được xây dựng từ tình tiết của các vụ án có thật gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, giúp việc giáo dục pháp luật trở nên sinh động, khiến các em hiểu rõ và nhớ lâu việc chấp hành pháp luật. Không chỉ vậy, việc tạo thêm những sân chơi, mô hình hoạt động tập thể cho thanh thiếu niên cũng rất quan trọng, nhất là vào các dịp nghỉ hè để thu hút các em, tránh việc theo bạn bè xấu đi chơi, tham gia thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

 Lực lượng Cảnh sát 113 tuần tra kiểm soát ban đêm đã phát hiện 2 nam thanh niên chạy xe máy, sử dụng hung khí gây rối, đánh nhau ở giao lộ Ông Ích Khiêm - Hải Phòng

Lực lượng Cảnh sát 113 tuần tra kiểm soát ban đêm đã phát hiện 2 nam thanh niên chạy xe máy, sử dụng hung khí gây rối, đánh nhau ở giao lộ Ông Ích Khiêm - Hải Phòng

Nói về giải pháp ngăn chặn, chấn chỉnh nạn thanh thiếu niên hư hỏng vi phạm pháp luật, Đại tá Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho rằng, đơn vị đã tập trung, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ, quyết liệt, có hiệu quả tình trạng thanh thiếu niên sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm tụ tập, đánh nhau, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn Đà Nẵng. Điển hình như, huy động tối đa lực lượng trong và ngoài ngành, triển khai các lực lượng 911, 8394, 113, 6743, tuần tra mật phục của các đơn vị nghiệp vụ đảm bảo khép kín địa bàn 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm đường phố, xử lý nghiêm các loại đối tượng lưu manh, côn đồ, tàng trữ, sử dụng hung khí…

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung điều tra, xử lý triệt để, đủ sức răn đe các vụ án, vụ việc liên quan đến thanh thiếu niên. Một số vụ việc được tổ chức xét xử lưu động, công khai và triệu tập, yêu cầu 100% đối tượng thanh thiếu niên có biểu hiện, dấu hiệu tụ tập, sử dụng hung khí đánh nhau tham dự các phiên tòa để răn đe, phòng ngừa cá biệt; rà soát, lập danh sách, công khai cho địa phương, gia đình, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở để phối hợp quản lý 710 thanh thiếu niên hư hỏng, có nguy cơ tụ tập thành băng, nhóm. Yêu cầu 406 cơ sở cơ khí giao nộp, cam kết không nhận sản xuất, chế tạo vũ khí thô sơ, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, thành lập, duy trì 214 điểm tiếp nhận các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

 Gần 450 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật tham dự phiên tòa vào ngày 19-7

Gần 450 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật tham dự phiên tòa vào ngày 19-7

Đặc biệt, công an TP Đà Nẵng thực hiện nhiều mô hình theo dõi, quản lý hoạt động của các diện đối tượng có điều kiện, khả năng, nguy cơ thực hiện tội phạm ngay từ cơ sở như phần mềm “Quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng ngáo đá, loạn thần, đối tượng chấp hành án và tái hòa nhập tại cộng đồng”; Mô hình “Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân”; “Cảnh sát giao thông phụ trách địa bàn cấp phường/xã”; ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với tình trạng các nhóm thanh thiếu niên, người dưới 18 tuổi tụ tập, sử dụng hung khí chuẩn bị đánh nhau, gây rối trật tự công cộng...

Thanh thiếu niên là thế hệ tương lai gần của đất nước, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Giáo dục thanh thiếu niên là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Thanh thiếu niên hư hỏng, vi phạm pháp luật chắc chắn ngoài lỗi tự thân còn có trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Vì vậy, để kịp thời ngăn chặn nạn thanh thiếu niên hư hỏng, vi phạm pháp luật, gia đình, nhà trường và xã hội phải chung tay áp dụng nhiều giải pháp một cách đồng bộ để giúp các em tiến bộ, làm người có ích cho gia đình và xã hội.

Tại cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua, trả lời ý kiến các đại biểu trước nạn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ngày càng tăng, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Đà Nẵng, cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng 911, 8394 và công an phường/xã tổ chức tuần tra từ 0 giờ đến 4 giờ sáng. Qua đó, ngăn chặn, đấu tranh làm rõ 51 nhóm thanh thiếu niên có hành vi vi phạm pháp luật; khởi tố được 48 vụ, 446 đối tượng.

Trong đó, có khởi tố về giết người, cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Riêng lực lượng 911 chủ động phát hiện, chủ động ngăn chặn 14 nhóm, 52 đối tượng tụ tập có nguy cơ; giải tán 7 nhóm, 54 đối tượng có biểu hiện vi phạm trật tự an toàn giao thông, nghi vấn gây rối an ninh trật tự. Trong các nhóm này, lực lượng công an đã thu giữ 4.273 vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.

Qua rà soát, Công an TP Đà Nẵng xác định, có 771 thanh thiếu niên hư. Thực tế, có 700 em có hồ sơ quản lý và có tiếp cận, ngoài ra vẫn còn những em có biểu hiện là “nguồn dự trữ”. Hàng năm, TP Đà Nẵng có khoảng 2.000 học sinh không tiếp tục học THPT, tập trung ở huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn… Thiếu tướng Vũ Xuân Viên đề xuất, cần quy hoạch, nâng cấp, mở rộng lại trường dạy nghề. Bởi hiện nay, số lượng học sinh rớt lớp 10 THPT chưa đến một nửa đi học nghề.

Công an TP Đà Nẵng đề xuất ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU về đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với người chưa thành niên; huy động cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể các địa phương triển khai mô hình giáo dục giúp đỡ trẻ em, thiếu niên hư tại cộng đồng; tạo điều kiện học nghề; đẩy mạnh tuần tra khép kín; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân (qua 2 tháng thực hiện, Công an TP Đà Nẵng thu được 1.975 đơn vị vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ).

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mo-loi-giup-thanh-thieu-nien-hu-hong-thanh-nguoi-co-ich-bai-3-giao-duc-huong-nghiep-dinh-huong-tuong-lai-post774033.html
Zalo