Mở lối đón 'sóng' đầu tư

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, tạo nền tảng phát triển KT-XH bền vững. Bởi vậy, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chiến lược nhằm tháo “rào cản”, nâng cao sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là “đòn bẩy” thu hút đầu tư; năm 2024, UBND tỉnh ban hành gần 100 văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về kiểm soát TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.952 TTHC hiệu lực đang áp dụng. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đạt 89,8%; toàn bộ hồ sơ kết quả giải quyết được số hóa và xử lý trên hệ thống (trừ văn bản mật). Điều này giúp giảm thiểu những “rào cản” truyền thống để rút ngắn thời gian xử lý TTHC, minh bạch hóa các quy trình, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi làm việc với cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời, hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng vặt.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh xử lý thủ tục hành chính nhanh chóng, hiệu quả.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh xử lý thủ tục hành chính nhanh chóng, hiệu quả.

Không những vậy, việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông đã rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày xuống còn 1 ngày. Riêng các tổ chức tín dụng duy trì giảm từ 20 - 40% cho doanh nghiệp về thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp; giảm thời gian giải quyết cho vay ngắn hạn từ tối đa 5 ngày xuống còn 4 ngày, cho vay trung hạn giảm từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. “Thời gian xử lý hồ sơ TTHC được rút ngắn tạo lợi thế lớn khi nhà đầu tư, doanh nghiệp cần thủ tục pháp lý nhanh chóng để vận hành kinh doanh. Điều này không chỉ giảm bớt phiền hà cho người dân mà còn tăng sự hài lòng và niềm tin từ các nhà đầu tư, giúp tỉnh xây dựng hình ảnh một môi trường quản lý nhà nước thân thiện, hiện đại”, Giám đốc Công ty Cổ phần Cam Ta Nguyễn Việt Cường chia sẻ.

Từ nhiều giải pháp quyết liệt của tỉnh trong việc tháo gỡ “rào cản” để doanh nghiệp phục hồi và phát triển; năm 2024, có 7 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn gần 249 tỷ đồng, 22 dự án thuộc lĩnh vực xăng dầu, thủy điện, kỹ thuật hạ tầng… được cấp điều chỉnh giấy phép đầu tư. Đặc biệt, toàn tỉnh có 300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng; 79 doanh nghiệp phục hồi, hoạt động trở lại. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.227 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký lên đến hơn 38 nghìn tỷ đồng. Đây là minh chứng quan trọng cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng cải thiện; không chỉ khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, nhất là trong cộng đồng người trẻ mà còn gia tăng nguồn lực đầu tư, tạo động lực phát triển KT-XH bền vững.

Liên danh Công ty TNHH 868 và Công ty TNHH 1 thành viên Đức Nam thi công dự án ổn định dân cư thôn Minh Thượng, xã Tân Lập (Bắc Quang).

Liên danh Công ty TNHH 868 và Công ty TNHH 1 thành viên Đức Nam thi công dự án ổn định dân cư thôn Minh Thượng, xã Tân Lập (Bắc Quang).

Để thúc đẩy giao thương và nâng cao sức cạnh tranh, tỉnh còn quan tâm cải thiện chất lượng hạ tầng và dịch vụ logistics. Điển hình cho thấy, công tác bảo trì hệ thống giao thông do tỉnh quản lý được thực hiện hiệu quả, bao gồm 6 tuyến quốc lộ, 13 tuyến đường tỉnh và các tuyến đường huyện với tổng chiều dài gần 948 km. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong quản lý, điều hành hoạt động tại các cửa khẩu, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và thu hút đầu tư. Nhờ những nỗ lực trên, năm 2024, tổng giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu của tỉnh đạt 453,78 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động kết nối, liên kết du lịch trong và ngoài nước, nhất là với Trung Quốc, giúp gia tăng sức hút du lịch, tăng tính cạnh tranh và tương tác kinh tế trong khu vực. Năm 2024, toàn tỉnh đón gần 3,3 triệu lượt du khách (tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có hơn 370.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt trên 8.100 tỷ đồng.

Cùng với các giải pháp trên, tỉnh ta còn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử nhằm xây dựng hệ thống giao dịch tài chính hiện đại, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, ít rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nổi bật như: Mô hình chợ 4.0 (thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt) được triển khai rộng khắp tại khu vực chợ trung tâm các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. 100% cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Năm 2024, có hơn 1 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD phục vụ làm thủ tục KCB BHYT. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, văn phòng phẩm, đơn giản hóa TTHC cho cả người bệnh và cán bộ y tế mà còn tạo môi trường hấp dẫn hơn đối với người lao động cũng như nhà đầu khi hạ tầng y tế tốt, tiếp cận dễ dàng.

Hiện nay, tỉnh ta tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là rà soát, đơn giản hóa TTHC; nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp… Qua đó, không chỉ hướng tới nâng cao đời sống Nhân dân mà còn đặt mục tiêu xây dựng hình ảnh Hà Giang hiện đại, thân thiện, bản sắc và giàu tiềm năng. Đây chính là nền tảng quan trọng để tỉnh vươn mình, khẳng định vị thế, trở thành điểm đến hấp dẫn, đón nhận “sóng” đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202412/mo-loi-don-song-dau-tu-001352e/
Zalo