Mở lối cho doanh nghiệp nhỏ 'hái ra tiền' từ các kênh phân phối

Vẫn có nhiều cơ hội, mở lối cho các doanh nghiệp nhỏ khai thác tốt và 'hái ra tiền' với các kênh phân phối, từ siêu thị, thương mại điện tử cho đến thị trường nông thôn... trong bối cảnh người mua có nhiều lựa chọn hơn về các nhãn hiệu.

Là chủ một doanh nghiệp (DN) nhỏ trong mảng chế biến các sản phẩm từ gạo lứt, nói về việc phát triển kênh phân phối trong thời gian tới, bà Nguyễn Hồng Diễm, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nông Phát Đạt (tỉnh An Giang), cho biết sẽ đẩy mạnh bán hàng qua các nền tảng mạng thương mại điện tử (TMĐT) như Tiktok shop, Lazada, Shopee. Bởi vì bây giờ xu hướng của người tiêu dùng là thường hay mua sắm hàng hóa trên những nền tảng này.

hội từ nhiều lựa chọn của người mua

Qua trao đổi với VnBusiness, bà Diễm bày tỏ điều mong muốn là được các cơ quan chức năng tạo cơ hội, hỗ trợ để làm sao có thể “chen chân” một cách hiệu quả hơn vào thị trường bán hàng trực tuyến (online). Hiện tại DN kết hợp với hợp tác xã (HTX) ở địa phương đang có 13 sản phẩm chế biến từ gạo lứt, để tăng doanh thu thì nhiệm vụ đặt ra là phải phát triển đa dạng các kênh phân phối nhằm thu hút nhiều người mua hơn.

Khi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn từ các nhãn hiệu, là cơ hội cho DN nhỏ khai thác tốt các kênh phân phối để thu hút người mua.

Cũng như công ty của bà Diễm, làm thế nào để “hái ra tiền” từ các kênh phân phối là điều trăn trở chung của nhiều DN nhỏ hiện nay. Chẳng hạn như trong mùa tiêu dùng cuối năm này và cao điểm mua sắm Tết 2025, nếu như có được kênh phân phối hiệu quả thì họ sẽ không phải bận tâm xoay sở tìm người mua.

Đứng ở góc độ là một chuyên gia nghiên cứu thị trường, nói về thách thức chung cho các DN trong phát triển kênh phân phối hiện nay, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc khối kinh doanh của Kantar Worldpanel Vietnam, cho rằng thị trường nội địa đang chứng kiến sự tăng trưởng rất lớn của kênh TMĐT, hay sự tăng trưởng của các chuỗi siêu thị dành riêng cho mẹ và bé, chuỗi siêu thị mini…

Do vậy, theo bà Nga, các DN nhỏ và vừa đang đối mặt với khó khăn trong việc lựa chọn kênh phân phối phù hợp, có tính tương tác cao với người mua khi mà người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua sắm ở nhiều nơi hơn, nhiều kênh hơn.

Riêng về mùa mua sắm Tết 2025, vị chuyên gia của Kantar Worldpanel Vietnam nhận định kênh siêu thị và đại siêu thị được ưa chuộng cho các dịp mua sắm Tết, bên cạnh đó kênh online đang thu hút nhiều người mua do tính tiện lợi và đa dạng chủng loại mặt hàng.

Điều này có thể giúp cho các DN nhỏ điều hướng trong hoạt động phân phối sao cho hợp lý trong mùa cao điểm mua sắm, như việc đưa hàng vào siêu thị và bán online. Hơn nữa, cơ hội còn đến với họ khi mức độ trung thành của người mua với những thương hiệu lớn đã không còn như trước kia. Bà Nga cũng thừa nhận điều này khi chỉ rõ các sản phẩm mới được tung ra liên tục mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn và danh mục sản phẩm phong phú hơn, dẫn đến sự giảm sút lòng trung thành với thương hiệu.

Xét về động thái để đẩy mạnh việc đưa hàng hóa của DN nhỏ và vừa vào kênh siêu thị trong mùa cao điểm mua sắm cuối năm, theo dự kiến vào trung tuần tháng 12/2024, Công ty TNHH Aeon Việt Nam sẽ có một chương trình kết nối tại Tp.HCM các DN nội địa có nhu cầu tìm hiểu đưa hàng vào chuỗi trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon. Các DN sẽ được nghe phổ biến quy chuẩn và yêu cầu sản phẩm cho chuỗi siêu thị Aeon. Họ cũng được hỗ trợ kết nối với bộ phận thu mua Aeon để đưa sản phẩm vào hệ thống và xuất khẩu ra thế giới.

Hoặc như việc thúc đẩy đầu ra cho hàng hóa của DN nhỏ và vừa qua kênh TMĐT, đứng ở góc độ địa phương, bà Võ Phương Thủy, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh xu hướng mua sắm trên sàn TMĐT của người dân ngày càng gia tăng. Cho nên tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, triển khai giải pháp cụ thể hỗ trợ các DN, HTX phát triển việc bán hàng qua kênh TMĐT.

Chen chân không còn là chuyện khó

Tính đến nay, như chia sẻ của bà Thủy, tỷ lệ DN, HTX của tỉnh tham gia kinh doanh trên các sàn TMĐT đạt trên 90%. 100% các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh đều được kinh doanh trên kênh TMĐT, tỷ lệ người dân mua sắm trên kênh TMĐT là 48%.

Còn theo ông Nguyễn Văn Niệm, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre, kênh TMĐT đang mở ra cơ hội lớn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện trải nghiệm mua sắm và tối ưu hóa chi phí hoạt động cho các DN nhỏ và vừa ở địa phương. Và việc tìm hiểu về các phương thức kinh doanh trên các sàn TMĐT, các giải pháp kết hợp kinh doanh TMĐT từ nhiều nền tảng khác nhau là rất cần thiết cho DN.

Ngoài hai hướng đi nhắm vào kênh siêu thị và kênh TMĐT, bà Nguyễn Phương Nga cho biết nếu như lúc trước các DN nhỏ mới ra đời rất khó để chen chân vào kênh phân phối truyền thống (như cửa hàng tạp hóa) ở thị trường nông thôn thì hiện nay mọi chuyện đã khác.

“Nếu như trước kia, với những DN nội địa có quy mô lớn thường xem thị trường nông thôn là “sân nhà” vì khi đó các nhãn hiệu nhỏ mới ra đời “chui” vào kênh tạp hóa (phổ biến nhất ở vùng nông thôn) là không hề dễ, trong lúc các công ty lớn có đội ngũ sale (kinh doanh) rất rộng khắp. Nhưng thời gian gần đây thị trường nông thôn đã phân mảnh còn hơn cả thị trường thành thị”, bà Nga nói.

Theo vị chuyên gia thị trường này, việc phân mảnh ở thị trường nông thôn đến từ rào cản về sự sẵn có của sản phẩm đã giảm hơn thời điểm trước rất nhiều khi mà người tiêu dùng nông thôn dần quen với việc mua online hoặc mua ở những tạp hóa mới mở với đủ loại sản phẩm của nhãn hiệu nhỏ cho đến nhãn hiệu to.

Hơn nữa, như chia sẻ của bà Nga, mức độ hiểu biết của người tiêu dùng nông thôn về chất lượng sản phẩm không giống như thị trường thành thị, cho nên người ta dễ đổi nhãn hiệu. Chẳng hạn cùng là mặt hàng khăn giấy hay sữa, nếu nhãn hiệu nào có giá rẻ sẽ được ưu tiên lựa chọn. Hoặc là họ có xu hướng mua sắm theo lời kể lại của hàng xóm láng giềng hay người livestreams về một sản phẩm nào đó.

“Vì vậy thị trường nông thôn hiện nay đang cho thấy mức độ phân mảnh hóa đã tăng rất nhiều và thậm chí trong tương lai còn chia nhỏ còn hơn cả thị trường thành thị. Và không phải cứ người có thu nhập thấp là sẽ trung thành với một nhãn hiệu”, vị chuyên gia của Kantar Worldpanel Vietnam bộc bạch.

Từ đó cho thấy chen chân không còn là chuyện khó, vẫn có nhiều cơ hội cho các DN nhỏ và vừa “hái ra tiền” trong các kênh phân phối, từ kênh siêu thị, TMĐT cho đến kênh phân phối truyền thống ở thị trường nông thôn. Điều quan trọng là khi phát triển kênh phân phối đòi hỏi họ phải nắm bắt và đáp ứng đúng xu hướng mua sắm mới của người tiêu dùng. Nhất là nhu cầu về sự tiện lợi và đơn giản hóa của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, kể cả trong mùa mua sắm cuối năm và cao điểm mua sắm Tết 2025.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/mo-loi-cho-doanh-nghiep-nho-hai-ra-tien-tu-cac-kenh-phan-phoi-1103983.html
Zalo