'Mở khóa' dòng vốn đầu tư vào hồ Hòa Bình
Hồ Hòa Bình có khả năng vươn tầm trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia nhưng vẫn cần doanh nghiệp có đủ tầm 'mở khóa' cho dòng vốn đầu tư đang chực chờ.
Theo quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, vùng trung du và miền núi phía Bắc có 15 địa điểm tiềm năng được quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia, trong đó, hồ Hòa Bình là một trong số ít những khu du lịch trọng điểm gần Hà Nội nhất và được các nhà đầu tư chú ý đến nhiều nhất.
Để được lọt vào danh sách quy hoạch các khu du lịch trọng điểm quốc gia, một địa điểm phải thỏa mãn năm tiêu chí cơ bản, trong đó, tiêu chí đầu tiên và quan trọng là phải có tài nguyên du lịch đa dạng, đặc biệt hấp dẫn với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên hoặc giá trị văn hóa. Những tiêu chí còn lại bao gồm có kết nối hạ tầng giao thông và viễn thông quốc gia; có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống cũng như bảo vệ môi trường.
Xét trên các tiêu chí này, hồ Hòa Bình có nhiều thế mạnh. Với diện tích 52.200 ha trải dài qua các huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Mai Châu và thành phố Hòa Bình thuộc tỉnh Hòa Bình, hồ Hòa Bình có cảnh quan sơn thủy hữu tình, thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, được kết hợp bởi dãy núi xanh biếc, hàng chục đảo lớn, nhỏ nhấp nhô giữa làn nước trong xanh, được ví như một "Vịnh Hạ Long trên cạn”.
Nơi đây còn có nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh. Các điểm đến hấp dẫn như Đền bà Chúa Thác Bờ, động Thác Bờ, động Hoa Tiên, vịnh Ngòi Hoa, đảo Dừa, đảo Ngọc... cùng những bản làng của đồng bào dân tộc Mường, Dao yên bình, mang sắc thái văn hóa đặc trưng vùng hồ sông Đà. Tỉnh Hòa Bình có 41 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và 59 di tích cấp tỉnh cùng nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc.
Vị thế mới của hồ Hòa Bình
Giàu tiềm năng du lịch nên từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, với diện tích vùng lõi 1.200ha và nhu cầu buồng lưu trú đến năm 2030 khoảng 800 buồng. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, các nhà hoạch định chính sách đã nhận thấy bản quy hoạch cũ là “tấm áo chật” đối với một địa điểm có nhiều tiềm năng mà chưa được khai thác. Chính vì thế, mặc dù vẫn hướng đến trở thành khu du lịch quốc gia, nhưng quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đã được điều chỉnh với tầm vóc lớn hơn bản quy hoạch trước đây rất nhiều.
Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình với những mục tiêu tham vọng lớn hơn rất nhiều. Theo đó, hồ Hòa Bình sẽ được phát triển trở thành một khu du lịch trọng điểm mang tầm quốc gia với sáu phân khu lớn có tổng diện tích lên tới 52.200ha với tổng số phòng lưu trú lên đến 5.900 phòng, có thể đón đón 1,6 - 2 triệu lượt khách vào năm 2030 và 2,5 - 3 triệu lượt khách vào năm 2035.
Ngoài khu vực trung tâm thành phố Hòa Bình, sẽ có hai khu vực mới được phát triển theo hướng du lịch nghỉ dưỡng sinh thái là Hiền Lương – Thanh Bình – Vầy Nưa thuộc huyện Đà Bắc và Ngòi Hoa – Thung Nai – Suối Hoa thuộc huyện Cao Phong và Tân Lạc. Nếu như phân khu ở huyện Đà Bắc chỉ dự kiến xây dựng khoảng 1.100 phòng khách sạn thì phân khu Ngòi Hoa - Thung Nai – Suối Hoa sẽ trở thành khu trung tâm dịch vụ du lịch của khu du lịch hồ Hòa Bình, với diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.100ha, quy mô lưu trú khoảng 3.000 - 3.100 phòng.
Hệ thống hạ tầng giao thông quanh hồ Hòa Bình cũng như kết nối với các trục giao thông quốc gia huyết mạch cũng tiếp tục được nâng cấp và xây mới. Trong đó, dự án trọng điểm là cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu với tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng, mở ra không gian phát triển mới cho vùng miền núi trung du phía Bắc.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Hòa Bình đã đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm như cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Xuân Mai – Hòa Bình và đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội; đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến quốc lộ 6; dự án đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai (giai đoạn I); dự án kết nối giao thông và thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia…
Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình nối Đại lộ Thăng Long với thành phố Hòa Bình được đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hòa Bình. Tuyến đường tỉnh 435 từ thành phố Hòa Bình lên cảng Thung Nai thuộc huyện Cao Phong được mở rộng và nâng cấp; một số tuyến đường kết nối các điểm trong khu du lịch cùng hệ thống điện lưới, sóng viễn thông tại các khu, điểm du lịch được chú trọng đầu tư, mở ra cơ hội cho hồ Hòa Bình thu hút khách, đồng thời thu hút dòng vốn đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và các sản phẩm du lịch.
Đón dòng vốn đầu tư mới
Những doanh nghiệp nhanh nhạy đã không bỏ qua cơ hội đầu tư mới. Hiện nay, khu vực hồ Hòa Bình thu hút 16 dự án đầu tư về du lịch, dịch vụ với tổng nguồn vốn khoảng 3.300 tỷ đồng. Một số dự án có quy mô lớn đang triển khai như Khu du lịch thiên nhiên Robinson do Công ty CP Du lịch Hòa Bình làm chủ đầu tư; Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa do Công ty CP Đầu tư năng lượng - xây dựng - thương mại Hoàng Sơn làm chủ đầu tư; Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình do Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng làm chủ đầu tư... Bên cạnh đó, khu vực này đã có hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ cộng đồng, cùng hàng trăm phương tiện tàu, thuyền vận chuyển, hệ thống nhà hàng, điểm vui chơi.
Tuy nhiên, hầu hết dự án vẫn nằm trên giấy bởi để được phê duyệt đầu tư, dự án phải trải qua quy trình phê duyệt chặt chẽ liên quan đến việc phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu cũng như các tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ môi trường sinh thái. Có rất ít dự án đầu tư du lịch đã vượt qua được “vòng tuyển chọn” khắt khe, trong đó có dự án khu du lịch Shoshin Bình Thanh WorldHotels Spa & Resort tại xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Dự án này được xây dựng trên diện tích đất gần 13ha và được thiết kế với 225 căn biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố thương mại.
Hồ Hòa Bình đứng trước cơ hội vàng để trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam nhưng tầm vóc này chỉ có thể đạt được khi có sự đầu tư mạnh mẽ, chiến lược phát triển đồng bộ và sự đồng lòng từ cả chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Những chuyển động tích cực về việc cải thiện hạ tầng giao thôn đang kích thích các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai các dự án du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ, góp phần hiện thực hóa quy hoạch khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.