Mở hướng phát triển cho làng nghề dệt chiếu cói

Tồn tại hơn 100 năm, làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân 1 (xã An Cư, huyện Tuy An) vẫn luôn gìn giữ những giá trị truyền thống và hướng tới sự phát triển bền vững. Không chỉ làm nghề, tạo nguồn thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương, nơi đây còn là điểm tham quan hấp dẫn của du khách khi đến với Phú Yên.

Du khách trải nghiệm các thao tác dệt chiếu thủ công tại làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân 1 (xã An Cư, huyện Tuy An). Ảnh: THÁI NGỌC

Du khách trải nghiệm các thao tác dệt chiếu thủ công tại làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân 1 (xã An Cư, huyện Tuy An). Ảnh: THÁI NGỌC

Gìn giữ nghề truyền thống

Với bề dày lịch sử và phát triển hơn trăm năm, làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân 1 vẫn giữ cho riêng mình nét độc đáo và sự say mê nghề truyền thống gắn bó qua nhiều thế hệ. Với diện tích trồng cói hơn 25ha, hiện làng nghề có 219 hộ đang gắn bó nghề làm chiếu, với gần 600 lao động trực tiếp tham gia dệt chiếu. Sản phẩm chiếu cói của làng nghề đa dạng về mẫu mã, màu sắc, kích thước và được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên.

Theo những người dân trong làng, dù dệt bằng phương pháp thủ công hay bằng máy thì chiếu cói Phú Tân được tạo nên từ những công đoạn khá công phu. Cói thu hoạch xong được chẻ ngay, phơi khô, nhuộm màu, loại bỏ phụ phẩm; rồi đến khâu chọn cói, cói phải được phân loại cho thật đều, theo từng sợi to nhỏ, dài ngắn khác nhau thì khi dệt chiếu mới bền đẹp. Tiếp theo, khi cho cói vào máy để dệt, người dệt phải thật tinh ý, sao cho các đường bẻ mép, bắt biên phải gọn gàng mới làm nên những chiếc chiếu bền, đẹp, chắc chắn…

Bà Phan Thị Sáu, một người có thâm niên làm chiếu ở thôn Phú Tân 1 cho biết: Khi còn nhỏ, tôi phụ chẻ cói, phơi cói, lớn lên chút thì ngồi luồn cói cho mẹ dập go, đến tuổi trưởng thành thì tự tay làm các công đoạn để ra thành phẩm đem đi bán… Nghề dệt chiếu đã ăn sâu trong tiềm thức, nếu để mất nghề thì tiếc lắm nên gia đình tôi vẫn cố gắng duy trì công việc dệt chiếu thủ công mỗi ngày.

Ngoài những sản phẩm chiếu được dệt thủ công, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề truyền thống, một số hộ gia đình đã đầu tư máy móc, cơ giới hóa một phần khâu sản xuất. Ở thôn Phú Tân 1 hiện có 5 hộ đầu tư 54 máy dệt chiếu.

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, một trong năm hộ đầu tư máy móc vào sản xuất ở thôn cho hay: Có nhiều gia đình trong thôn gắn bó gần như cả đời với nghề dệt chiếu cói. Nhưng những năm gần đây, các sản phẩm thủ công không thể cạnh tranh được với các sản phẩm từ máy móc công nghiệp. Nhiều gia đình không còn mặn mà với công việc này nữa vì vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao. Trước thực trạng đó, gia đình tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy dệt chiếu về sản xuất.

Theo chị Nguyệt, so với dệt thủ công thì dệt chiếu bằng máy có ưu điểm nhanh hơn rất nhiều, chất lượng đồng đều và có thể đáp ứng những hợp đồng lớn trong thời gian ngắn. Trung bình một ngày, máy có thể dệt được 30 đôi chiếu, mỗi tháng có thể xuất bán ra thị trường hơn 1.500 chiếc chiếu, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 20 lao động.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Theo UBND huyện Tuy An, nghề dệt chiếu cói ở thôn Phú Tân 1 đã tồn tại hơn 100 năm và được UBND tỉnh công nhận là làng nghề vào năm 2013. Tuy nhiên, trước thực trạng sản xuất chiếu cói ở đây còn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chưa có sự liên kết giữa các cơ sở trong quá trình sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm…; đồng thời để bảo tồn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị làng nghề, UBND huyện đã ban hành Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề dệt chiếu cói gắn với du lịch xã An Cư giai đoạn 2021-2025.

“Nhằm triển khai thực hiện đề án đảm bảo hiệu quả, huyện đã bố trí 2,8 tỉ đồng để hỗ trợ cho hộ sản xuất phát triển và mở rộng vùng trồng nguyên liệu lên 50ha; tăng cường thiết bị mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị đối với cây cói và sản phẩm từ cói; đồng thời xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu, trao đổi, mua bán các sản phẩm làng nghề chiếu cói gắn với điểm du lịch tại danh thắng cấp quốc gia đầm Ô Loan”, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Vương, Phó Chủ tịch UBND xã An Cư cho hay: Để bảo tồn, khôi phục và phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, UBND xã đã vận động thành lập được HTX Sản xuất - dịch vụ - du lịch chiếu cói An Cư; đồng thời kết nối với Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Việt Bech đưa khách du lịch về trải nghiệm hoạt động làng nghề. Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển thành sản phẩm OCOP du lịch trải nghiệm làng nghề chiếu cói.

Theo ông Nguyễn Anh Quân, Giám đốc HTX Sản xuất - dịch vụ - du lịch chiếu cói An Cư, hiện HTX mở tour trải nghiệm với giá dao động từ 350.000-600.000 đồng/người. Khách sẽ được ngồi trên xuồng hoặc xe công nông để khám phá cánh đồng cói, thu hoạch cói, tự tay kết các bó cói thành bè để kéo về trên lạch nước; đồng thời cùng trải nghiệm các công đoạn chẻ cói, dệt chiếu và tập đan các sản phẩm mỹ nghệ từ sợi cói để tạo ra sản phẩm kỷ niệm cho riêng mình…

Chị Nguyễn Ý Nhi, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh hào hứng kể, khi biết gia đình chị sắp đi du lịch Phú Yên, một người bạn gợi ý nên đến làng nghề dệt chiếu cói để tham quan và nhất là để bọn trẻ trải nghiệm. “Khi đến đây, tôi thật sự hài lòng với trải nghiệm khá thú vị này, dù rất khó nhưng các con tôi có thể tập luyện để tự làm được những sản phẩm đeo tay từ sợi cói và biết được sự cần cù, tỉ mỉ của người nông dân để làm ra một chiếc chiếu...”, chị Nhi chia sẻ.

Mới đây, Sở NN&PTNT tiến hành khảo sát, đánh giá hoạt động của làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân 1. Sau khi khảo sát thực tế, đơn vị có buổi làm việc với các cơ quan chức năng địa phương và UBND huyện Tuy An về việc hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển sản phẩm chiếu cói tại làng nghề để định hướng gắn phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời hỗ trợ từng bước hoàn thiện các tour du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống nông thôn và tham quan di tích lịch sử ở các địa phương.

THÁI NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/319670/mo-huong-phat-trien-cho-lang-nghe-det-chieu-coi.html
Zalo