Mô hình tòa án 3 cấp: Khả thi và phù hợp trong bối cảnh mới

Phương án tổ chức tòa án ba cấp khi bỏ TAND cấp cao, thành lập các TAND khu vực thay cho cấp huyện trong bối cảnh hiện nay của nước ta là phù hợp.

Hiện nay, tổ chức bộ máy tòa án được thực hiện theo 4 cấp là TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện.

Để tinh gọn tổ chức, một trong những phương án được đưa ra là không duy trì tòa án 4 cấp như hiện nay mà nên sắp xếp còn 3 cấp là TAND Tối cao, TAND phúc thẩm và TAND sơ thẩm khu vực. Đồng thời, VKS cũng cần có những thay đổi để cho tương thích với tòa án.

 HĐXX một phiên xử án hình sự. Ảnh: TB

HĐXX một phiên xử án hình sự. Ảnh: TB

Mô hình tòa án 3 cấp có tính khả thi

Tôi cho rằng đây là một phương án hợp lý và có tính khả thi. Vì quan điểm tổ chức tòa án hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm mà không theo đơn vị hành chính (cấp tỉnh và cấp huyện) đã được đề xuất trước khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức TAND năm 2024.

Tuy nhiên, quan điểm này vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì không giải quyết thấu đáo thẩm quyền của tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Việc đổi tên “Tòa án nhân dân cấp huyện” thành “Tòa án sơ thẩm” và “Tòa án nhân dân cấp tỉnh” thành “Tòa án phúc thẩm” không khỏi mang tính hình thức, “bình mới rượu cũ” vì thẩm quyền không có sự thay đổi.

Cho dù có danh xưng mới thì “Tòa án sơ thẩm” vẫn giữ nguyên thẩm quyền của “TAND cấp huyện” và chỉ được quyền xét xử sơ thẩm các loại án đơn giản, không có tính chất nghiêm trọng. Cho dù được khoác chiếc áo mới thì “Tòa án phúc thẩm” vẫn kế thừa thẩm quyền vẹn nguyên của “TAND cấp tỉnh” và vẫn tiến hành xét xử sơ thẩm các vụ án mà không thuộc thẩm quyền xét xử của “Tòa án sơ thẩm”.

Với tên gọi là “Tòa án phúc thẩm” mà lại xét xử cả những vụ án sơ thẩm thì rất khiên cưỡng. Chính vì vậy, khi thông qua Luật Tổ chức TAND năm 2024, Quốc hội quyết định giữ nguyên mô hình TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện.

Đề xuất TAND phúc thẩm và TAND sơ thẩm khu vực sẽ trở nên khả thi nếu việc xét xử được thực hiện một cách nhất quán theo nguyên tắc cấp xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm), đồng thời quy định thẩm quyền phù hợp với cấp xét xử.

Theo đó, TAND sơ thẩm sẽ có thẩm quyền xét xử sơ thẩm tất cả các loại vụ việc (các loại án hình sự, dân sự, hôn nhân, gia đình, thậm chí cả án có yếu tố nước ngoài). TAND phúc thẩm thực hiện nhiệm vụ phúc thẩm các vụ việc mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. TAND tối cao thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm việc xét xử của các tòa án, tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Nên lập tòa chuyên biệt thuộc TAND khu vực

Theo Điều 4 Luật Tổ chức TAND năm 2024 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt (gồm TAND sơ thẩm chuyên biệt hành chính, TAND sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, TAND chuyên biệt Phá sản). TAND thẩm chuyên biệt có Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán TAND, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.

Có thể thấy, các loại án liên quan đến hành chính, sở hữu trí tuệ, phá sản là các án phức tạp bởi các quy phạm điều chỉnh vừa nhiều, vừa đan xen với nhau. Giải quyết các loại án này không chỉ đòi hỏi sự am hiểu tường tận các quy định pháp luật mà còn phải có những kỹ năng chuyên sâu nhất định. Thực tế đã chứng minh tính chuyên môn hóa càng cao sẽ càng bảo đảm cho hiệu quả xét xử của tòa án bởi “không ai là biết tất cả” và “trăm hay không bằng tay quen”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc thành lập quá nhiều các TAND sơ thẩm chuyên biệt vừa cồng kềnh bộ máy, vừa gây xáo trộn trong việc thực hiện thẩm quyền.

Để tránh chồng lấn về thẩm quyền với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời bảo đảm tính chuyên môn hóa trong hoạt động xét xử thì TAND sơ thẩm khu vực có thể thành lập các tòa chuyên biệt. Các tòa này không phải là cơ quan độc lập (như các TAND sơ thẩm chuyên biệt) mà chỉ là bộ phận cấu thành của TAND sơ thẩm khu vực. Trong trường hợp cần thiết nhằm đáp ứng việc quản lý về nhân sự, chuyên môn, nghiệp vụ, các Tòa chuyên biệt có thể có Chánh tòa, Phó Chánh tòa do Chánh án TAND sơ thẩm khu vực bổ nhiệm.

Đối với tiêu chí tổ chức TAND phúc thẩm thì không nên tổ chức dàn trải ở 34 tỉnh, thành, nhưng phải tính toán hợp lý chứ không nên "cào bằng" 3 tỉnh thành lập một tòa phúc thẩm.

Nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi để người dân dễ tiếp cận với TAND phúc thẩm, các tiêu chí tổ chức TAND phúc thẩm phải phù hợp với từng khu vực thành phố lớn, nông thôn đồng bằng, miền núi, hải đảo.

Do vậy, việc tổ chức TAND phúc thẩm cần dựa trên 3 tiêu chí.

Thứ nhất, tiêu chí về số lượng vụ việc phải giải quyết: việc xác định số lượng vụ việc mà các TAND phúc thẩm phải giải quyết căn cứ vào việc tòa án đó được đặt ở địa bàn nào (thành phố lớn, đồng bằng, miền núi).

Thứ hai, tiêu chí về địa bàn thuận tiện: TAND phúc thẩm phải có vị trí địa lý và giao thông thuận tiện. Việc cách trở địa lý hoàn toàn có thể gây ra trở ngại cho việc thực hiện quyền kháng cáo, từ đó ảnh hưởng đến việc bảo đảm công lý.

Thứ ba, tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, dân cư.

Đối với Hà Nội, TP.HCM và các thành phố trực thuộc Trung ương có điều kiện kinh tế phát triển, dân cư đông đúc, giao thông thuận tiện, số lượng vụ việc phải giải quyết lớn thì nghiên cứu tổ chức TAND phúc thẩm.

Đối với khu vực miền núi, tuy có diện tích rộng nhưng mật độ dân cư thấp, số lượng vụ việc không nhiều nên nếu tổ chức TAND phúc thẩm có thể gây lãng phí. Do vậy, cần xây dựng tiêu chí bảo đảm bán kính từ trụ sở tòa án đến nơi xa nhất trong phạm vi địa hạt của TAND phúc thẩm không quá 150 km - 200 km. Số liệu này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng địa bàn cụ thể và sẽ được nghiên cứu, tính toán cụ thể khi quyết định thành lập TAND phúc thẩm.

Cân nhắc về tên gọi của tòa án xét xử phúc thẩm

Mới đây, TAND Tối cao đã công bố dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, Luật TTHC, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án.

Về cơ bản, dự luật chủ yếu tập trung vào việc điều chỉnh lại chức năng của các cấp tòa. Và theo dự luật thì mô hình mới gồm 3 cấp tòa: TAND Tối cao, TAND cấp tỉnh và TAND khu vực.

Theo mô hình mới, TAND cấp tỉnh chỉ xét xử phúc thẩm nhưng vụ việc mà bản án, quyết định của TAND khu vực chưa có hiệu lực bị kháng cáo, kháng nghị.

Về mặt thẩm quyền, tôi hoàn toàn đồng tình (như đã nói ở trên). Tuy nhiên, cần cần nhắc lại về tên gọi.

Nghị quyết số 27 ngày 9-11-2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nhà nước pháp nêu: cần “phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm".

Do đó, việc tổ chức các TAND nên theo cấp xét xử chứ không nên theo địa giới hành chính. Tính độc lập của tòa án cũng đòi hỏi sự minh định giữa tòa án với các cấp chính quyền địa phương. Ngoài ra, tên gọi TAND phúc thẩm cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Đơn cử, ở Pháp có tòa phúc thẩm Paris.

Như vậy, tên gọi của tòa án sơ thẩm, tòa án phúc thẩm vừa tạo ra sự thống nhất với thẩm quyền xét xử, vừa nâng cao vị thế độc lập - một tiêu chí rất quan trọng trong tổ chức và hoạt động của TAND.

Tổ chức TAND sơ thẩm khu vực sẽ thuận lợi hơn cho người dân

Khi đã bỏ cấp huyện và thực hiện chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành theo Kết luận 126 thì mô hình tổ chức TAND sơ thẩm khu vực xét xử sơ thẩm đối với tất cả các loại án của nhiều xã, phường trong tỉnh, thành sẽ phù hợp, thuận lợi hơn cho người dân khi mở rộng địa giới hành chính cấp tỉnh, đồng thời yêu cầu ngày càng cao hơn về năng lực, trình độ... đối với đội ngũ những người làm công tác tiến hành tố tụng.

Khi đó cần bổ sung thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cho Chánh án TAND, Viện trưởng KSND cấp tỉnh như trước kia để rút ngắn thời gian ban hành kháng nghị vì cấp tỉnh đã nghiên cứu, đánh giá vụ án xuyên suốt trong thời gian dài.

TAND cấp cao sẽ được thay thế bằng Tòa Giám đốc thẩm, tái thẩm khu vực gồm nhiều tỉnh, thành, trực thuộc TAND Tối cao để tập trung vào công tác xét xử theo thủ tục đặc biệt này.

Ths VŨ THỊ XUÂN NHUỆ, nguyên Trưởng phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự - VKSND TP.HCM.

TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/mo-hinh-toa-an-3-cap-kha-thi-va-phu-hop-trong-boi-canh-moi-post843328.html
Zalo