Mô hình nào để phát triển?
Sau gần 10 năm vận hành, Đường Sách TP.HCM đang bước vào giai đoạn chuyển mình quan trọng, nhiều tín hiệu tích cực đan xen với những thách thức không nhỏ. Đó là nhận định được đưa ra tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2025 do Công ty Đường Sách TP.HCM vừa tổ chức.

Du khách tham quan sự kiện văn hóa, lễ hội tại Đường Sách TP.HCM
Báo cáo cho biết, tổng doanh thu các đơn vị kinh doanh tại Đường Sách TP.HCM trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 31,3 tỉ đồng, tăng 8,63% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng đáng ghi nhận trong bối cảnh thị trường xuất bản và bán lẻ sách còn đối mặt nhiều khó khăn.
Doanh thu tăng nhưng…
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường Sách TP.HCM, bên cạnh điểm sáng về doanh thu, một số chỉ số cho thấy xu hướng chững lại. Cụ thể, tổng số bản sách bán ra đạt gần 340.000 cuốn, giảm nhẹ so với cùng kỳ, trong khi số tựa sách mới chỉ còn 1.108 đầu sách, giảm tới 42% so với năm 2024.
Đáng chú ý, mảng sách thiếu nhi tiếp tục ghi nhận sự thu hẹp. Dù số lượng bản sách bán ra đạt hơn 73.000 cuốn (tăng nhẹ 0,6%), nhưng doanh thu lại giảm gần 13% so với 2024, chỉ còn gần 4 tỉ đồng. Còn so với cùng kỳ 2023, tổng lượng sách thiếu nhi bán ra đã giảm đến 36,5%.
Theo ông Lê Hoàng, điều này cho thấy nhiều tựa sách thiếu nhi bán ra nằm trong nhóm sách giảm giá sâu hoặc tồn kho, thay vì là ấn phẩm mới, chất lượng cao. Nguyên nhân được xác định bao gồm sự cạnh tranh từ sách nhập khẩu và nội dung số, thiếu các đầu sách đủ sức hấp dẫn, thay đổi trong hành vi tiêu dùng và chi tiêu của phụ huynh, cũng như áp lực kinh tế sau dịch bệnh.
“Nếu không có những thay đổi trong cách làm sản phẩm, đổi mới trải nghiệm và nâng cao sự kết nối với độc giả nhí, mảng sách thiếu nhi sẽ tiếp tục sụt giảm, không chỉ mất doanh thu mà còn mất dần vai trò nền tảng trong việc vun đắp văn hóa đọc cho thế hệ tương lai”, ông Lê Hoàng cho hay.
Sự thay đổi trong hành vi khách hàng ngày càng thể hiện rõ tại không gian Đường Sách. Theo ghi nhận, người dùng đang ưu tiên các trải nghiệm cá nhân hóa như workshop, giao lưu, khám phá không gian hơn là mua sắm đơn thuần. Điều này phản ánh cả thách thức lẫn cơ hội cho các gian hàng tại chỗ.
Doanh thu bán lẻ tại chỗ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhưng đang có dấu hiệu chững lại, trong khi kênh online tăng trưởng mạnh, đạt 8,8 tỉ đồng, chiếm 28% tổng doanh thu, tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1/3 đơn vị tại Đường Sách có ứng dụng kênh bán hàng trực tuyến, cho thấy chuyển đổi số còn chưa đồng đều. Song song với hoạt động kinh doanh, Đường Sách tổ chức tổng cộng 212 sự kiện văn hóa, nghệ thuật trong 6 tháng qua, tăng gần 39% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, chỉ chưa đến 50% số này do các gian hàng tại chỗ tổ chức, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Điều này cho thấy sự giảm sút trong mức độ chủ động và gắn kết của các đơn vị.

Thiếu nhi trải nghiệm và mua sách tại Đường Sách TP.HCM
“Giờ vàng mua sách” để thu hút khách
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tại Đường Sách TP.HCM. Ông Trần Thanh Việt (NXB Trẻ) cho rằng, để cải thiện lượng khách, các đơn vị có thể phối hợp tổ chức “giờ vàng mua sách” với mức chiết khấu phù hợp, hoặc phát hành voucher ưu đãi theo khung giờ chung. Ông Việt cũng mong muốn mở lớp bồi dưỡng kỹ năng cho nhân viên bán hàng, nhất là trong bối cảnh nhân sự thường xuyên thay đổi, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và giữ chân bạn đọc.
Trước nhận định về việc các đơn vị tại Đường Sách tổ chức sự kiện chưa nhiều, ông Văn Thành Lê, đại diện NXB Kim Đồng cho rằng với 49 sự kiện trong 6 tháng đầu năm, tương đương gần như mỗi cuối tuần đều có hoạt động là không hề ít. Ông đề xuất Ban quản lý nên hỗ trợ thêm cho các đơn vị tại Đường Sách trong việc sắp xếp lịch tổ chức, tránh bị “chen lấn” bởi đơn vị bên ngoài.
Đại diện Quầy sách cô Chi, đơn vị chuyên kinh doanh sách cũ đề xuất triển khai hai hoạt động nhằm tăng tương tác với khách. Thứ nhất, kêu gọi khách hàng quay clip TikTok tại gian hàng hoặc không gian Đường Sách, sau đó đăng tải lên tài khoản cá nhân kèm hashtag. Tiệm sẽ tặng voucher hoặc quà nhỏ cho người tham gia, nhằm biến việc check-in thành một hình thức truyền thông tự nhiên, thân thiện. Hoạt động thứ hai là phát triển hoạt động “check-in có mộc” lấy cảm hứng từ mô hình du lịch ở Hà Giang.
Thay vì chỉ chụp ảnh đăng mạng xã hội, khách đến tiệm sẽ được đóng dấu mộc lưu niệm như một cách xác nhận mình đã ghé thăm. Trong tương lai, nếu mỗi gian hàng tại Đường Sách đều có một con dấu riêng sẽ hình thành một “hành trình sưu tầm dấu mộc”, tạo thêm sức hút cho trải nghiệm của khách. Trước mắt, quầy sách sẽ triển khai thử nghiệm tại chính gian hàng của mình.
Định hình mô hình phát triển
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM nhấn mạnh, việc tổng kết 10 năm Đường Sách TP.HCM là rất quan trọng trong bối cảnh thành phố đang mở rộng không gian văn hóa, trong đó có các mô hình sách. “Chúng tôi đang đặt ra câu hỏi: Mô hình nào là phù hợp để quản lý và phát triển không gian sách trong điều kiện mới? Đây là nội dung đã được đưa vào chương trình công tác trọng điểm của Sở năm 2025”, ông nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, từ tổng kết thực tiễn của 10 năm Đường Sách, thành phố cần nghiên cứu các đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách dài hạn cho không chỉ Đường Sách mà cả hệ thống không gian sách trên địa bàn. Ông mong muốn Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để Đường Sách TP.HCM có tiếng nói tham mưu với thành phố trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cũng gợi mở việc kết nối Đường Sách với các hoạt động du lịch, văn hóa, văn nghệ hằng đêm, qua đó hình thành một không gian văn hóa tổng hợp.
Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các đơn vị tham gia hoạt động tại Đường Sách, đặc biệt là về quảng bá và truyền thông. Đồng quan điểm, ông Trịnh Hữu Anh, Phó Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản (Sở VHTT TP.HCM) cho rằng, tỷ lệ hoạt động chuyên ngành xuất bản hiện chỉ chiếm 23% tổng số sự kiện, thấp so với tiềm năng. Việc các đơn vị gian hàng trực tiếp tổ chức hoạt động vẫn là điều kiện tiên quyết để giữ chân bạn đọc và duy trì sức sống văn hóa của không gian này.
Sức sống của Đường Sách không chỉ đến từ con số doanh thu hay lượng sách bán ra, mà còn đến từ tinh thần sáng tạo, sự gắn bó với cộng đồng và những ý tưởng mang tầm chiến lược dài hạn. Việc tiếp tục đổi mới mô hình hoạt động, từ tổ chức sự kiện có chiều sâu, nâng cao trải nghiệm tại chỗ đến phát triển kênh trực tuyến và mạng lưới bạn đọc, là yếu tố then chốt để Đường Sách duy trì vị thế tiên phong.
(Ông PHẠM MINH TUẤN, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam)
Ông Hữu Anh đề nghị cần làm mới hệ thống gian hàng sau gần 10 năm hoạt động, đồng thời tăng cường vai trò chủ thể của các đơn vị xuất bản trong phát triển văn hóa đọc. Ông cũng chia sẻ ba trụ cột phát triển trong giai đoạn tới: Khẳng định vị thế Đường Sách là không gian văn hóa đọc hàng đầu; trở thành sân chơi chuyên môn cho ngành sách; đồng thời tăng trải nghiệm tương tác cho bạn đọc gắn với xu hướng hiện đại.
Phát biểu chỉ đạo, ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đánh giá cao tinh thần nỗ lực và kết quả tích cực của Công ty Đường Sách TP.HCM cũng như các đơn vị gian hàng trong 6 tháng đầu năm 2025.
Ông Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh: “Sức sống của Đường Sách không chỉ đến từ con số doanh thu hay lượng sách bán ra, mà còn đến từ tinh thần sáng tạo, sự gắn bó với cộng đồng và những ý tưởng mang tầm chiến lược dài hạn. Việc tiếp tục đổi mới mô hình hoạt động, từ tổ chức sự kiện có chiều sâu, nâng cao trải nghiệm tại chỗ đến phát triển kênh trực tuyến và mạng lưới bạn đọc, là yếu tố then chốt để Đường Sách duy trì vị thế tiên phong”.
Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam kỳ vọng Đường Sách TP.HCM sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu cho sự phối hợp hiệu quả giữa nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức nghề nghiệp trong phát triển văn hóa đọc.
Ông cũng kêu gọi các đơn vị tham gia tăng cường cam kết đóng góp, không chỉ tài chính, mà cả nhân lực, tâm huyết và sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Về truyền thông, Hội sẽ tiếp tục kết nối báo chí, lan tỏa những mô hình hay, sách giá trị, đồng thời đẩy mạnh bảo vệ bản quyền, chống sách giả và hỗ trợ các đơn vị nhỏ trong chuyển đổi số, phát triển kênh bán hàng trực tuyến.