Mô hình luật sư nhà nước ở Trung Quốc kết hợp hiệu quả cơ chế hợp tác công - tư
Là nước láng giềng với Việt Nam, Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư tư vấn cho Chính phủ về thương mại và đầu tư quốc tế từ khi mở cửa nền kinh tế, nhất là thực thi khá tốt chính sách hợp tác công - tư. Qua đó, giúp giải quyết tốt những vấn đề về thương mại và đầu tư quốc tế phát sinh.
“Nhân lực” chính từ Bộ Thương mại
Từ khi mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là sau khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực để phát triển đội ngũ luật sư (LS) tư vấn cho Chính phủ về thương mại và đầu tư quốc tế (TM&ĐTQT). Đội ngũ LS tư vấn cho Chính phủ Trung Quốc về TM&ĐTQT được xây dựng theo mô hình kết hợp giữa các chuyên gia pháp lý thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) và một số công ty luật trong nước.
Cụ thể, sau khi Trung Quốc trở thành thành viên của WTO, Vụ Pháp luật và Điều ước quốc tế thuộc MOFCOM đã được chỉ định để trở thành cơ quan đại diện của Trung Quốc tại Cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO cũng như đảm trách tư vấn trực tiếp cho Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề TM&ĐTQT khác. Để thực hiện nhiệm vụ này, Vụ Pháp luật và Điều ước quốc tế đã thành lập Phòng Pháp luật WTO.
Đến năm 2002, Trung Quốc thành lập Phái đoàn thường trực tại WTO. Từ giữa năm 2003, Trung Quốc đã cử các chuyên gia về pháp luật WTO từ MOFCOM sang làm việc trên cơ sở quay vòng để theo dõi và phụ trách những công việc có liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức này. Nhờ vậy, Trung Quốc đã trở thành một trong những Thành viên có Phái đoàn thường trực tại WTO đông nhất với 18 người, chỉ sau Nhật Bản (20 người) và trên cả Hoa Kỳ (16 người) hay Liên minh châu Âu (15 người).
Vào giữa năm 2009, MOFCOM tiếp tục thành lập đơn vị thứ hai phụ trách về giải quyết tranh chấp tại WTO trực thuộc Vụ Pháp luật và Điều ước quốc tế. Cuối năm 2009, Chính phủ Trung Quốc quyết định tăng cường năng lực hơn nữa cho Phái đoàn thường trực tại WTO bằng việc cử một nhóm các chuyên gia mạnh nhất của Trung Quốc về pháp luật WTO sang làm việc tại Phái đoàn.
Bên cạnh nguồn nhân lực đến trực tiếp từ hai đơn vị trên, MOFCOM cũng đã thành lập một nhóm làm việc liên Bộ. Nhóm làm việc này cho phép MOFCOM có thể huy động thêm nguồn nhân lực đến từ các cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời có thể đưa ra những khuyến nghị mang tính chính sách trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật để đảm bảo sự tương thích của pháp luật Trung Quốc đối với các quy định của WTO.
Huy động hiệu quả luật sư từ các công ty luật
Nhằm đối phó với sự gia tăng của các vụ kiện mà Trung Quốc khởi xướng hoặc phải đối mặt, Trung Quốc đã thực thi khá tốt chính sách hợp tác công tư. Nói cách khác, đây vừa là cách thức để Chính phủ Trung Quốc “lấp chỗ trống” cho sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực pháp luật có liên quan từ các cơ quan nhà nước, vừa là cách để phát triển năng lực của các công ty luật tư nhân về lĩnh vực này. Cụ thể, thông qua cơ chế hợp tác công - tư, MOFCOM có thể huy động công ty luật của Trung Quốc hoặc các công ty luật nước ngoài hoạt động chuyên sâu về pháp luật thương mại quốc tế, pháp luật đầu tư quốc tế và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế trên thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, MOFCOM có thể huy động đại diện của các phòng thương mại và công nghiệp của Trung Quốc hoặc các tổ chức phi Chính phủ khác tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp trên cơ sở từng vụ việc.
Để thực hiện chính sách hợp tác công - tư, Trung Quốc đã áp dụng nhiều chiến lược khác nhau. Chẳng hạn, đối với các vụ tranh chấp mà Trung Quốc là nguyên đơn hoặc bị đơn, Trung Quốc thường lựa chọn cách tiếp cận ba bên. Đơn vị phụ trách về giải quyết tranh chấp tại WTO của MOFCOM sẽ giữ vai trò chủ đạo, nhưng sẽ được hỗ trợ từ một công ty luật của nước ngoài và một công ty luật trong nước. Cách tiếp cận này không chỉ giúp Trung Quốc tận dụng được những lời khuyên pháp lý đến từ những công ty luật nước ngoài có kinh nghiệm, mà còn giúp Trung Quốc nâng cao năng lực của các công ty luật ở trong nước trong việc chuẩn bị hồ sơ vụ tranh chấp, tham gia tranh tụng hay các công việc khác có liên quan.
Hay đối với các vụ tranh chấp mà Trung Quốc là bên thứ ba, Chính phủ Trung Quốc đã trao quyền đại diện cho các công ty luật tư nhân. Các cơ quan Chính phủ chỉ tham gia với tư cách là bên cung cấp thông tin và tài liệu. Có thể khẳng định đây là cách thức hiệu quả nhất để các công ty luật trong nước có thể tiếp cận với pháp luật của WTO, từ việc tham gia trực tiếp vào các khâu và công đoạn của quá trình giải quyết tranh chấp, giúp kiến thức và kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp của đội ngũ LS trong nước được cải thiện đáng kể.