Mô hình kinh tế tuần hoàn: Cơ hội xanh cho doanh nghiệp Việt

Hội thảo kinh tế tuần hoàn do Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường tổ chức đưa ra nhiều giải pháp phát triển mô hình tuần hoàn hiệu quả, bền vững cho doanh nghiệp.

Sáng 22/7/2025, tại Hà Nội, Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường”. Sự kiện thu hút gần 200 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan báo chí.

TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo

TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Đào Xuân Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường - nhấn mạnh: “Kinh tế tuần hoàn không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu cho sự phát triển bền vững. Đây là giải pháp tối ưu để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp”.

Hội thảo có 12 tham luận chuyên sâu xoay quanh các nội dung như xu thế toàn cầu, chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, kinh nghiệm quốc tế, phát triển khu công nghiệp sinh thái, công nghệ tái chế, tín dụng xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các chuyên gia như PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, PGS.TS Phạm Văn Lợi, TS Nguyễn Đình Trọng, TS Nguyễn Trọng Tuyển… đã chia sẻ những thông tin cập nhật cùng các đề xuất chính sách cụ thể, có tính khả thi cao. Từ làng nghề đến kinh tế tuần hoàn: Hành trình giữ nghề và sáng tạo.

Một điểm nhấn đặc biệt tại hội thảo là phần chia sẻ của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tơ tằm Mỹ Đức, người đã gắn bó cả cuộc đời với nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa truyền thống tại làng Phùng Xá, Hà Nội.

Bà Thuận xúc động kể lại: “Tôi sinh ra ở vùng đất có con sông hiền hòa bồi đắp nên vùng phù sa màu mỡ, nơi xây dựng nên làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa nổi tiếng bao đời. Dẫu trải qua nhiều thăng trầm, tôi cùng gia đình vẫn kiên định giữ nghề, tôn vinh công lao ông Tổ nghề và những người đi trước đã hy sinh vì đất nước”.

Bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH dâu tơ tằm Mỹ Đức

Bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH dâu tơ tằm Mỹ Đức

Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, năm 2010, bà thành lập Công ty TNHH Dâu tơ tằm Mỹ Đức với đủ điều kiện pháp lý để đi vào hoạt động, nỗ lực khắc phục khó khăn, gìn giữ và phát huy các giá trị nhân văn, kinh tế của nghề tơ lụa. Đặc biệt, năm 2015, công ty đã tiên phong áp dụng công nghệ “con tằm tự dệt” vào sản xuất đại trà, một bước đột phá giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và chất lượng, đồng thời tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hàng năm, công ty tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đóng góp ngân sách ngày càng tăng, hỗ trợ học sinh phổ thông có thể làm thêm dịp hè để trang trải chi phí học tập.

“Chúng tôi không chỉ giữ nghề, mà còn tạo nghề. Mỗi dịp hè, công ty đều mở lớp hướng nghiệp, giúp thế hệ trẻ hiểu nghề, yêu nghề và định hướng tương lai”, bà Thuận chia sẻ.

Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành tơ lụa đang đối mặt với nhiều thách thức về đất đai, nhân lực kỹ thuật, chi phí sản xuất. Để giải quyết bài toán này, công ty đã đầu tư mạnh vào đổi mới kỹ thuật, đào tạo nghề, nghiên cứu sản phẩm mới. Năm 2021, bà Thuận ghi dấu ấn với thành công trong sản xuất tơ sen Việt Nam, dòng sản phẩm cao cấp, thân thiện với môi trường, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, công ty đã chuyển đổi nhiều hoạt động sản xuất theo hướng tận thu và tái sử dụng phụ phẩm như lá, cành dâu cuối vụ, phân tằm, nhộng tằm, tằm đực… Tất cả được chế biến thành phân bón, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu mỹ phẩm, giảm thiểu rác thải, góp phần bảo vệ môi trường và tối ưu giá thành sản phẩm chính là tơ lụa.

Thúc đẩy đồng bộ kinh tế tuần hoàn - Từ chính sách tới hành động

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, kinh tế tuần hoàn là mô hình phát triển tất yếu trong bối cảnh khủng hoảng tài nguyên và biến đổi khí hậu. Mô hình này tổ chức lại sản xuất, tiêu dùng theo hướng giảm khai thác, kéo dài vòng đời sản phẩm và tái tạo giá trị từ chất thải. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí mà còn tạo động lực đổi mới và nâng cao khả năng thích ứng.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tham luận tại hội thảo

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tham luận tại hội thảo

“Để triển khai hiệu quả, cần cải cách chính sách, phát triển tài chính xanh, đầu tư công nghệ sạch và xây dựng văn hóa sống tuần hoàn trong cộng đồng”, ông Thọ nhấn mạnh.

Hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường”

Hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường”

Hội thảo đi đến thống nhất thông điệp: Việc hiện thực hóa kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội. Cần hoàn thiện cơ chế hỗ trợ tài chính, công nghệ, đào tạo nhân lực, truyền thông và hợp tác quốc tế. Đây là nền tảng chiến lược giúp Việt Nam hướng đến một nền kinh tế xanh, phát triển bao trùm và bền vững trong kỷ nguyên mới.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tơ tằm Mỹ Đức: Muốn bảo tồn và phát triển ngành tơ lụa tơ sen, điều quan trọng nhất là không ngừng cải tiến kỹ thuật, đổi mới sáng tạo để làm ra những sản phẩm tốt, giá cả hợp lý và mang giá trị bền vững.

Thanh Hương - Thanh Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-co-hoi-xanh-cho-doanh-nghiep-viet-411643.html
Zalo