Làm gì để giám sát, phòng ngừa rủi ro tài sản mã hóa?

Xây dựng nền tảng pháp lý tài sản mã hóa phù hợp với điều kiện thị trường trong nước sẽ tạo môi trường tin cậy để thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Việc Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trình dự thảo Nghị quyết thí điểm thị trường tài sản mã hóa đã đánh dấu một bước ngoặt trong tư duy chính sách tài chính.

Việc Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trình dự thảo Nghị quyết thí điểm thị trường tài sản mã hóa đã đánh dấu một bước ngoặt trong tư duy chính sách tài chính.

Cần tư duy đổi mới

Trao đổi với VietTimes, ông Mai Huy Tuần, Tổng giám đốc CTCP Công nghệ số SSI (SSI Digital), nhận định rằng việc Thủ tướng ban hành Công điện 104 về tổ chức thí điểm tài sản mã hóa là tín hiệu rất tích cực, thể hiện sự quan tâm sát sao của Chính phủ đối với lĩnh vực công nghệ tài chính đang phát triển nhanh trên toàn cầu. Đây là một bước đi cần thiết và đúng thời điểm, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực đã và đang triển khai cơ chế thử nghiệm đối với thị trường tài sản số.

“Khung pháp lý thí điểm sẽ mở ra không gian để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng nhau kiểm nghiệm chính sách, công nghệ và cách thức vận hành trong thực tiễn. Từ đó từng bước xây dựng nền tảng pháp lý phù hợp với điều kiện thị trường trong nước, đồng thời tạo môi trường tin cậy để thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, Tổng giám đốc SSI chia sẻ.

 Ông Mai Huy Tuần, Tổng giám đốc SSI Digital.

Ông Mai Huy Tuần, Tổng giám đốc SSI Digital.

Nói về một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là phân loại và định danh tài sản mã hóa, ông Mai Huy Tuần cho rằng cách tiếp cận phù hợp là phân loại dựa trên mục đích sử dụng, như token đại diện cho tài sản đầu tư, token phục vụ tiện ích trong hệ sinh thái, hay token gắn với thanh toán, mỗi nhóm cần có cách tiếp cận riêng về pháp lý, nghĩa vụ công bố và kiểm soát.

Thực tế, trước làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, nhiều quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, các nước EU… đã xây dựng khung pháp lý thử nghiệm (sandbox), từng bước điều chỉnh chính sách dựa trên thực tiễn. Mô hình này được đánh giá là công cụ hiệu quả để vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vừa kiểm soát rủi ro.

Tại Singapore, các sandbox được thiết kế theo từng lớp sản phẩm, giúp nhà quản lý đánh giá rủi ro cụ thể hơn thay vì áp dụng một quy chuẩn chung. Nhật Bản chú trọng yếu tố minh bạch và cơ chế cấp phép rõ ràng, trong khi châu Âu tạo ra bộ khung pháp lý thống nhất trên toàn EU thông qua MiCA, tạo thuận lợi cho hoạt động xuyên biên giới.

Việt Nam có thể học hỏi từ cách tổ chức không gian thử nghiệm minh bạch, cách phân loại sản phẩm, cách thiết lập cơ chế phản hồi giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Quan trọng nhất là bảo đảm rằng sandbox không chỉ là một hình thức hành chính, mà là nơi các sáng kiến công nghệ có thể được triển khai và đánh giá trong môi trường thực tế.

Nhận diện thách thức

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là phân loại, định danh tài sản mã hóa. Tổng giám đốc SSI nêu quan điểm việc phân loại tài sản số là nền tảng để xây dựng bất kỳ khung pháp lý nào. Nếu làm rõ được chức năng, quyền lợi, rủi ro gắn liền với từng loại token, chúng ta sẽ có cơ sở để thiết kế cơ chế quản lý phù hợp và hiệu quả hơn.

“Cách tiếp cận phù hợp là phân loại dựa trên mục đích sử dụng. Ví dụ, token đại diện cho tài sản đầu tư, token phục vụ tiện ích trong hệ sinh thái, hay token gắn với thanh toán – mỗi nhóm cần có cách tiếp cận riêng về pháp lý, nghĩa vụ công bố và kiểm soát”, ông Tuần nêu ý kiến.

Theo Tổng giám đốc SSI, điều quan trọng là có được một khung tiêu chuẩn rõ ràng và ổn định, để doanh nghiệp có thể triển khai sản phẩm mà không phải lo ngại về rủi ro pháp lý trong quá trình vận hành.

Rất nhiều ứng dụng hiện nay xoay quanh token đại diện cho tài sản thực, như bất động sản, trái phiếu, cổ phần hoặc token tiện ích trong hệ sinh thái công nghệ.

Việc thí điểm những mô hình này hoàn toàn có thể triển khai mà không mâu thuẫn với quy định về phương tiện thanh toán hiện hành. Vấn đề cốt lõi là xác định rõ phạm vi thử nghiệm và đảm bảo rằng các sản phẩm được thí điểm không bị sử dụng sai mục đích.

Nếu thiết kế đúng, khung thí điểm không chỉ bảo đảm an toàn pháp lý mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư khám phá tiềm năng công nghệ mới trong môi trường kiểm soát hợp lý.

Trước một số lo ngại cho rằng thị trường tài sản mã hóa dễ bị lợi dụng cho các hoạt động rửa tiền, trốn thuế hoặc lừa đảo tài chính, ông Tuần cho rằng cần có một cơ chế giám sát hiệu quả ngay từ giai đoạn thí điểm. Tuy nhiên, thay vì giới hạn đổi mới, Việt Nam nên chủ động trang bị những công cụ quản lý phù hợp với đặc thù của tài sản số.

Nêu cụ thể về một số biện pháp khả thi có thể, ông Tuần liệt kê các biện pháp như định danh người dùng (KYC) và tổ chức phát hành (KYB); cơ chế công bố thông tin minh bạch; công cụ giám sát giao dịch bằng công nghệ phân tích chuỗi khối; và hệ thống cảnh báo sớm với các giao dịch bất thường.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ nghĩa vụ bảo vệ tài sản người dùng, cũng như cơ chế xử lý rủi ro nếu xảy ra sự cố hệ thống hoặc hành vi gian lận. Khi thị trường thấy được sự chủ động và minh bạch từ cơ quan quản lý, niềm tin sẽ được củng cố và các hành vi sai phạm cũng sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Cơ quan quản lý cần có tư cách pháp lý rõ ràng, cơ chế linh hoạt

Trước câu hỏi của VietTimes về việc Việt Nam có cần thiết lập cơ quan quản lý riêng hoặc đơn vị điều phối liên ngành cho thị trường tài sản số không, thay vì chỉ giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính, Tổng giám đốc SSI cho rằng tài sản số là lĩnh vực có tính liên ngành cao, liên quan đồng thời đến tài chính, công nghệ, pháp luật và an ninh mạng. Vì vậy, việc thiết lập một đơn vị điều phối có sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý là điều hợp lý và cần thiết.

Đơn vị này không nhất thiết phải là một cơ quan mới, nhưng nên có tư cách pháp lý rõ ràng, cơ chế hoạt động linh hoạt và khả năng phối hợp giữa các bộ ngành như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, cùng với sự tham vấn của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp.

Chức năng chính của đơn vị này là điều phối sandbox, giám sát các hoạt động thí điểm và tổng hợp dữ liệu để phục vụ quá trình xây dựng chính sách. Đây sẽ là điểm kết nối giữa nhà nước và thị trường, giúp hai bên hiểu nhau hơn và cùng hướng đến một hệ sinh thái phát triển an toàn, minh bạch và bền vững.

“Nếu được thiết kế đúng, khung pháp lý thí điểm sẽ là chất xúc tác tích cực cho nhiều lĩnh vực, không chỉ trong tài sản số, mà còn trong đổi mới sáng tạo, đầu tư mạo hiểm và tài chính công nghệ nói chung”, Tổng giám đốc SSI nói thêm.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/lam-gi-de-giam-sat-phong-ngua-rui-ro-tai-san-ma-hoa-post187752.html
Zalo