Mô hình keiretsu ở Nhật Bản: Hình thành mạng lưới đối tác thúc đẩy hoạt động kinh doanh

Nếu ở Hàn Quốc, các chaebol đóng góp nhiều vào nền kinh tế xứ sở kim chi thì tại Nhật Bản, mô hình keiretsu mới trở thành mạng lưới đối tác thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiện đại của đất nước 'mặt trời mọc'.

Trụ sở Tập đoàn Toyota. (Ảnh: Business recorder).

Trụ sở Tập đoàn Toyota. (Ảnh: Business recorder).

Các chaebol ở Hàn Quốc thường được so sánh với mô hình keiretsu của Nhật Bản - mô hình kế tục trực tiếp của các chaebol Nhật (zaibatsu) thời trước năm 1945, nhưng có một số khác biệt cơ bản giữa hai loại hình này.

Nguồn gốc của mô hình keiretsu có thể bắt nguồn từ những năm 1600 và từ Cách mạng công nghiệp vào thế kỷ XIX. Khi đó, các doanh nghiệp nhỏ thuộc sở hữu gia đình được thành lập ở nhiều tỉnh khác nhau trên khắp Nhật Bản, mỗi tỉnh chuyên về một ngành công nghiệp riêng biệt. Bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp, zaibatsu đã phát triển thành các công ty cổ phần lớn hơn và mạnh hơn.

Trong những năm đầu của mô hình zaibatsu, các gia đình sáng lập đã kiểm soát hoàn toàn tất cả các hoạt động. Các nhóm công nghiệp lớn nhất cho phép các ngân hàng và công ty thương mại giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của mỗi tập đoàn.

Sau Thế chiến II, Hiến pháp Nhật Bản được sửa đổi, đã loại bỏ các công ty zaibatsu và các chính sách cho phép zaibatsu hoạt động. Lý do cho sự tan rã của zaibatsu là mô hình này tập trung vào bản chất độc quyền, phi dân chủ. Nhờ đó, mô hình keiretsu mới trở thành mạng lưới đối tác thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiện đại của Nhật Bản.

Keiretsu là một nhóm các công ty phụ thuộc lẫn nhau, mỗi công ty có đối tác ngân hàng, nhà sản xuất, nhà phân phối và đối tác chuỗi cung ứng riêng. Các tập đoàn Nhật Bản hiện đại vẫn có các ngân hàng và công ty thương mại đứng đầu trong tổ chức của họ. Tuy nhiên, các cổ đông đã thay thế các gia đình từng kiểm soát các tập đoàn.

Hiện Nhật Bản phân chia keiretsu thành keiretsu ngang và keiretsu dọc. Keiretsu ngang là một liên minh của các công ty cổ phần chéo do một ngân hàng Nhật Bản lãnh đạo cung cấp các dịch vụ tài chính cần thiết. Keiretsu dọc là sự hợp tác của các nhà sản xuất, nhà cung cấp và nhà phân phối hợp tác để tăng hiệu quả và giảm chi phí.

Nhật Bản từng có 6 keiretsu lớn - Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo, Fuyo, Sanwa và Tập đoàn Ngân hàng Dai-Ichi Kangyo (DKB) - được gọi là “Big Six”. Một đặc điểm của Big Six keiretsu là mỗi keiretsu này bao gồm một ngân hàng, một công ty thương mại nói chung, một công ty bảo hiểm, một công ty sắt thép và một công ty hóa chất.

Trong đó, Mitsubishi là một keiretsu ngang điển hình của Nhật Bản. Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi đứng đầu với Mitsubishi Motors và Mitsubishi Trust and Banking tạo nên nhóm cốt lõi. Công ty thương mại cho Mitsubishi là

Mitsubishi Shoji nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối hàng hóa trên toàn cầu. Công ty thương mại trong mô hình keiretsu ngang có thể tìm kiếm thị trường mới cho keiretsu, giúp hợp nhất các công ty keiretsu ở các quốc gia khác và ký hợp đồng với các công ty khác trên khắp thế giới để cung cấp các mặt hàng được sử dụng trong ngành công nghiệp Nhật Bản.

Hay Tập đoàn Mitsui bao gồm Ngân hàng Sakura là ngân hàng chính, công ty thương mại tổng hợp Mitsui & Company, Ltd., Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Mitsui, Mitsui Mining & Smelting và Japan Steel Works, và Mitsui Chemicals. Mỗi công ty cốt lõi đều có các công ty hợp đồng phụ dưới sự kiểm soát của mình và các công ty “con” cùng cạnh tranh với nhau để có được các hợp đồng tốt hơn từ công ty mẹ.

Còn keiretsu dọc là một nhóm các công ty nằm trong một keiretsu ngang. “Gã khổng lồ ô tô” Toyota là một trong những công ty điển hình cho keiretsu dọc. Thành công của Toyota phụ thuộc vào các nhà cung cấp và nhà sản xuất phụ tùng; nhân viên sản xuất; bất động sản cho các đại lý; nhà cung cấp thép, nhựa và điện tử cho ô tô và đại lý phân phối. Tất cả các công ty phụ trợ cần cung cấp những nhu cầu này đều hoạt động trong keiretsu dọc của

Toyota nhưng là thành viên của keiretsu ngang lớn hơn, mặc dù chúng nằm thấp hơn nhiều trên sơ đồ tổ chức.

Vào những năm 1990, trong thời kỳ thị trường chứng khoán Nhật Bản suy giảm, cổ phần ổn định giữa các công ty cốt lõi bắt đầu giảm. Bối cảnh này đòi hỏi các keiretsu bắt đầu một quá trình giải thể và tập hợp lại. Ví dụ, các ngân hàng Sakura và Sumitomo đã sáp nhập để thành lập Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui vào năm 2001. Một số công ty con cũng phải cạnh tranh với nhau về giá cả và chất lượng bằng cách sử dụng các hệ thống dựa trên thị trường, thay vì chỉ tìm kiếm nguồn tài chính bên trong keiretsu.

Thời gian gần đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các tiêu chuẩn truyền thống đối với keiretsu tiếp tục được nới lỏng. Vì vậy, câu hỏi dành cho các keiretsu thời nay rằng đây sẽ là một mô hình vĩnh viễn, hay keiretsu sẽ tiến hóa thành một thực thể mới khác - giống như zaibatsus biến thành keiretsus vào giữa thế kỷ 20?

Các quốc gia công nghiệp hóa thành công đều gắn với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn

Nhìn ra thế giới, lịch sử kinh tế châu Á, đằng sau những tập đoàn kinh tế luôn là các gia đình doanh nhân. Hàn Quốc là nền kinh tế phát triển thành công trong khu vực và vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ với mô hình xây dựng các trụ cột là các tập đoàn kinh tế đa ngành lớn - các doanh nghiệp dân tộc chaebol như Samsung, SK, Hyundai, LG...

Ở Nhật Bản, doanh nghiệp dân tộc thường gắn liền với các tập đoàn lớn (keiretsu) hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) có vai trò chiến lược trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp này không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đại diện cho tinh thần đổi mới, sự bền bỉ và bản sắc văn hóa Nhật Bản. Trong đó, các tập đoàn như Toyota, Sony, Panasonic hay Mitsubishi,... là những biểu tượng nổi bật. Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp này thông qua các chính sách ưu đãi tài chính, nghiên cứu phát triển và hợp tác quốc tế.

Doanh nghiệp dân tộc ở các nước phương Tây tuy chưa được gọi tên cụ thể, nhưng thực tế là những doanh nghiệp đóng vai trò chiến lược trong kinh tế và gắn liền với bản sắc mỗi quốc gia. Tại Hoa Kỳ, các công ty công nghệ như Apple, Microsoft, Google hay tập đoàn hàng không Boeing không chỉ dẫn đầu toàn cầu mà còn được hỗ trợ bởi chính phủ trong các lĩnh vực công nghệ cao và quốc phòng.

Ở châu Âu, Pháp có các tập đoàn xa xỉ như LVMH, Chanel là biểu tượng văn hóa và di sản quốc gia, cùng với EDF và TotalEnergies đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực năng lượng. Nước Đức tự hào với các thương hiệu công nghiệp như Volkswagen, BMW và Siemens, vừa đại diện cho chất lượng, vừa thúc đẩy nền kinh tế đổi mới. Tương tự, Anh có Rolls-Royce trong lĩnh vực hàng không và quốc phòng, hay Unilever với dấu ấn toàn cầu trong ngành tiêu dùng... Các doanh nghiệp này ở phương Tây không chỉ tập trung vào đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế bền vững mà còn xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh mẽ trên trường quốc tế, nhờ sự hỗ trợ chiến lược từ chính phủ khi cần thiết.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong giai đoạn đầu của cải cách kinh tế, các quốc gia công nghiệp hóa thành công đều gắn với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn, những "doanh nghiệp đầu đàn", "doanh nghiệp dân tộc" để tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Những DN này luôn giữ vai trò trung tâm trong triển khai chính sách phát triển, là đầu tàu trong nhiều ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Đức Anh

(Còn tiếp)

An Khê

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/mo-hinh-keiretsu-o-nhat-ban-hinh-thanh-mang-luoi-doi-tac-thuc-day-hoat-dong-kinh-doanh-post536280.html
Zalo