Mô hình chính quyền địa phương hai cấp: cuộc cải cách hành chính mang tính lịch sử

Sáng 14/5, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã nhấn mạnh tầm vóc lịch sử của Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đánh dấu bước ngoặt chưa từng có trong gần 80 năm qua

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: VGP

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: VGP

Theo đó, Việt Nam sẽ chính thức chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ ba cấp sang hai cấp. Đây là một cuộc cải cách thể chế sâu rộng nhằm tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu lực quản trị và đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên hành chính hiện đại, kiến tạo, phục vụ Nhân dân.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc chuyển đổi mô hình từ ba cấp (tỉnh – huyện – xã) sang hai cấp (tỉnh – xã hoặc tương đương) được thực hiện dựa trên chủ trương lớn của Đảng và là điểm nhấn trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị, gắn với Nghị quyết số 60 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 vừa qua. Đây là lần đầu tiên Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định một bước đi lớn trong cơ cấu quyền lực địa phương, với mục tiêu gần dân hơn, phục vụ tốt hơn và hiệu quả hơn.

Đây là cuộc chuyển đổi từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy quản trị kiến tạo và phục vụ; từ bộ máy cồng kềnh sang hệ thống tinh gọn, hiệu quả.

Dự thảo luật lần này được xây dựng dựa trên bốn yếu tố nền tảng, đảm bảo cơ sở vững chắc về chính trị – pháp lý cho việc chuyển đổi mô hình: Cấu trúc pháp lý rõ ràng cho chính quyền hai cấp, bám sát Hiến pháp và thể chế hóa các chủ trương mới nhất của Đảng. Phân cấp, phân quyền minh bạch giữa Trung ương và địa phương cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền để phù hợp với yêu cầu phát triển quốc gia trong giai đoạn mới. Tháo gỡ rào cản pháp lý cho việc chuyển đổi mô hình, đồng thời đảm bảo ngay khả năng thực thi phân cấp, phân quyền một cách thực chất.

Một điểm nhấn quan trọng khác trong dự luật là việc thiết lập cơ chế phân quyền linh hoạt, tạo điều kiện cho địa phương chủ động ứng phó trong các “trường hợp cần thiết”. Đây là lần đầu tiên trong một bộ luật tổ chức bộ máy hành chính, yếu tố thực tiễn được cụ thể hóa cao độ.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn ví dụ từ khoản 4 Điều 11 của dự thảo luật, trong đó Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền xử lý trực tiếp các vấn đề khẩn cấp, phức tạp, nhạy cảm mà cấp dưới không đủ năng lực giải quyết. Cơ chế này được ví như “chìa khóa mở đường” cho mô hình điều hành năng động, sáng tạo, không bị trì trệ.

Bên cạnh đó, hiện nay, qua rà soát, có tới 177 luật quy định về thẩm quyền của các bộ trưởng, 152 luật quy định thẩm quyền cụ thể của Thủ tướng Chính phủ, 170 luật quy định cụ thể thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân và UBND cấp huyện.

Hiện có tới 474 nhiệm vụ được quy định trong 104 luật, 249 nghị định, thông tư cần phân cấp hoặc phân định lại và dự kiến sẽ phân cấp 140 nhiệm vụ cho địa phương, phân định lại thẩm quyền chính quyền cấp xã với khoảng 300 nhiệm vụ cùng với 90/99 nhiệm vụ đang nằm trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.

"Như vậy, cần phải xử lý ngay. Sau khi Quốc hội thông qua dự luật này, các bộ sẽ phải khẩn trương tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện để bảo đảm phù hợp và đồng bộ", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ ban hành 25 nghị định hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để chính quyền địa phương hai cấp có thể chính thức vận hành. Dự kiến từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ chính thức vận hành, mở ra một thời kỳ mới cho quản trị công hiện đại, hiệu quả và gần dân hơn.

Vũ Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mo-hinh-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-cuoc-cai-cach-hanh-chinh-mang-tinh-lich-su-418867.html
Zalo