'Mô hình canh tác lúa chất lượng cao phải duy trì bền vững'

Đó là ý kiến của đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tại buổi đi thăm Mô hình Đề án 'Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030' và làm việc với UBND huyện Long Phú, vào chiều ngày 9/8. Tham gia đoàn có các đồng chí: Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp, làm việc và cùng đi với đoàn công tác có các đồng chí: Lâm Tiến Thạch - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Phú; Huỳnh Đức - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Phú.

Đoàn công tác UBND tỉnh Sóc Trăng làm việc với lãnh đạo UBND huyện Long Phú. Ảnh: THÚY LIỄU

Đoàn công tác UBND tỉnh Sóc Trăng làm việc với lãnh đạo UBND huyện Long Phú. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo lãnh đạo UBND huyện Long Phú, tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã xuống giống dứt điểm lúa Hè - Thu, với diện tích hơn 16.009ha. Giống gieo sạ chủ yếu là ST25, Đài Thơm 8, OM18… Về tình hình triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trên địa bàn huyện, trong giai đoạn 2024 - 2025, huyện sẽ triển khai đề án tại các xã: Long Phú, Tân Hưng, Long Đức và thị trấn Long Phú, với tổng diện tích 4.000ha; giai đoạn 2026 - 2030 mở rộng 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, với tổng diện tích thực hiện 8.150ha.

Để triển khai hiệu quả đề án, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và huyện Long Phú, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện Mô hình thí điểm “Canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải” tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, với diện tích 50ha. Trong quá trình triển khai đề án, hợp tác xã đã được Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) hỗ trợ 50% giống, Công ty Phân bón MTK hỗ trợ 50% phân bón; một số công ty, doanh nghiệp hỗ trợ hợp tác xã cơ giới hóa gieo sạ, kết hợp vùi phân; hỗ trợ dụng cụ cảm biến đo mực nước, cùng ứng dụng (App) “Trúng mùa” để theo dõi đo mực nước trên điện thoại di động. Các ngành chuyên môn hỗ trợ 2 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải và hướng dẫn đo đạc, kiểm đếm, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính (MRV) cho lực lượng kỹ thuật và hợp tác xã…

Đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng quà cho Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi là đơn vị được chọn thực hiện Mô hình thí điểm “Canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải”, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng quà cho Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi là đơn vị được chọn thực hiện Mô hình thí điểm “Canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải”, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Tại buổi làm việc, UBND huyện Long Phú kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo cơ quan chuyên môn hằng năm sớm thẩm định các thủ tục thực hiện mua sắm vật tư cho mô hình, để triển khai kịp mùa vụ.

Qua đi thăm thực tế Mô hình thí điểm “Canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải” tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, đồng chí Trần Văn Lâu cho rằng, đây là mô hình điểm đầu tiên của tỉnh và đánh giá rất cao ngành Nông nghiệp tỉnh và huyện Long Phú trong việc triển khai hiệu quả thí điểm mô hình. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, thời gian tới khi có quy định về cơ chế chính sách thực hiện đề án, thì các huyện, thị xã, thành phố cần làm thí điểm mô hình khoa học và khi triển khai đề án phải bám sát các nội dung thể hiện trong đề án, đặc biệt khâu tổ chức phải bài bản. Có đánh giá về lợi ích của người dân trong vùng đề án và ngoài vùng đề án. Việc quy hoạch vùng lúa sản xuất chuyên canh chất lượng cao phải mang tính bền vững. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các địa phương, sau chuyến đi học tập Mô hình thí điểm “Canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải” đầu tiên của tỉnh đúc kết kinh nghiệm thực hiện tại từng địa phương. Từng huyện thực hiện từ 1 - 3 mô hình để thí điểm và có đánh giá so sánh giữa trồng lúa chuyên canh chất lượng cao và truyền thống. Ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho tổ hợp tác, hợp tác xã, bà con nông dân về canh tác lúa chất lượng cao...

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/mo-hinh-canh-tac-lua-chat-luong-cao-phai-duy-tri-ben-vung-75388.html
Zalo