Mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Giúp lợi nhuận trồng lúa tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha
Theo Bộ trưởng NN&MT, sau một năm triển khai thực địa, đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả khả thi.
Ngày 9-4, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã tổ chức hội nghị sơ kết một năm thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CL
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy đánh giá, sau hơn một năm triển khai đề án trên thực địa, “chúng ta có thể khẳng định Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả khả thi của đề án”.
Để đề án thực sự hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong thời gian tới, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã đề nghị các địa phương và các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội doanh nghiệp, bà con nông dân phối hợp triển khai nhiều nhiệm vụ.
Trong đó, ông đề nghị các địa phương khẩn trương phê duyệt các dự án, đề án đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền và điều kiện cụ thể của địa phương mình để triển khai thực hiện đề án và nhấn mạnh các địa phương sớm làm, “không chờ ai cả”.
Cạnh đó, các địa phương bố trí kinh phí triển khai các hoạt động của đề án trong năm 2025 và các năm tiếp theo, ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, phát triển các mô hình tưới tiết kiệm nước, hỗ trợ các mô hình giảm phát thải…
Đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng kho chứa logistic để giảm thất thoát sau thu hoạch; Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Xác định xây dựng mô hình liên kết là một trong những điều kiện tiên quyết để các chủ thể tham gia chuỗi liên kết được hưởng hỗ trợ…

Bộ NN&MT hướng tới mục tiêu xây dựng nền sản xuất lúa chất lượng cao, thân thiện với môi trường và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Ảnh: CTV
Theo báo cáo của Bộ NN&MT, cả 12 tỉnh trong vùng đề án đều đăng ký tham gia với tổng diện tích hơn 1 triệu ha. Trong đó Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang là các tỉnh có diện tích tham gia lớn nhất.
Đề án đã triển khai 7 mô hình điểm cấp trung ương tại năm tỉnh, thành là Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ.
Kết quả bước đầu cho thấy mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.
Cụ thể, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% - 24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống; tiết kiệm 30-70 kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới.
Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.
Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 2-12 tấn CO₂ tương đương/ha. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg thóc, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia.
Với những kết quả tích cực này, các mô hình thí điểm đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nông dân và hợp tác xã trong khu vực.
Trên cơ sở đó, Bộ NN&MT đã thống nhất chủ trương với các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình trên toàn bộ 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, hướng tới mục tiêu xây dựng nền sản xuất lúa chất lượng cao, thân thiện với môi trường và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.