Mở đường huyết mạch kết nối trục không gian hồ Tây - Cổ Loa

Hồ Tây - Cổ Loa là 1 trong 5 trục không gian của Thủ đô và khu vực quận Tây Hồ sẽ trở thành đô thị kết nối trung tâm Thủ đô, phát triển với chức năng là trung tâm tài chính - hành chính mới, khai thác lợi thế văn hóa để phát triển kinh tế du lịch.

Ngay từ những ngày đầu năm mới, quận Tây Hồ đã đẩy mạnh triển khai các dự án cải tạo hạ tầng, trong đó có việc xây dựng cầu, đường huyết mạch để kết nối trực tiếp với quận Đông Anh như gợi ý của Tổng Bí thư tại cuộc làm việc với thành phố Hà Nội cuối năm ngoái và bản Quy hoạch chung Thủ đô.

Chỉ vài tháng nữa, phường Quảng An (quận Tây Hồ) sẽ có tuyến đường mang tên danh nhân Đặng Thai Mai với chiều ngang hơn 90 mét. Gần 200 hộ dân đang định cư và trồng trọt tại đây đều mong muốn con đường sớm hoàn thiện để mang lại diện mạo cho khu vực này. Nhà bà Nguyễn Thị Nhũn (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) sẽ có khoảng hơn 30 mét nằm trong quy hoạch, dù vậy nhưng bà rất ủng hộ dự án mang ý nghĩa quan trọng của quận Tây Hồ. "Chúng tôi cũng rất mừng khi dự án sẽ cải tạo con đường trở nên khang trang, sạch đẹp và để chúng tôi không bị ô nhiễm", bà Nhũn bày tỏ.

Theo Quy hoạch chung của Thủ đô được định hướng theo 5 trục không gian: trục sông Hồng, hồ Tây - Cổ Loa, trục hồ Tây - Ba Vì, trục Nam Hà Nội và trục Nhật Tân - Nội Bài. Trong đó, tuyến đường Đặng Thai Mai là một trong những tuyến đường huyết mạch của trục hồ Tây - Cổ Loa, kết nối trực tiếp với thành phố Đông Anh là thành phố công nghệ sáng tạo. Bên cạnh đó, tuyến đường Đặng Thai Mai còn kết nối trực tiếp với khu Văn phòng Trung ương Đảng và là tuyến đường huyết mạch của khu trung tâm bán đảo Quảng An, từ đó xây dựng quận Tây Hồ phát triển và sẽ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch và văn hóa của Thủ đô.

Trong số 30 quận huyện của Thủ đô, Tây Hồ có một lợi thế đặc biệt khi có hồ Tây - một thắng cảnh, địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng, với diện tích mặt nước rộng lớn 526 ha. Xung quanh hồ có hơn 71 di tích văn hóa lịch sử như: chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đền Đồng Cổ… Bên hồ Tây có nhiều làng nghề nổi tiếng từ xa xưa như: nghề làm giấy Dó ở An Thái Bưởi, làng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, xôi Phú Thượng, trà sen Quảng An... gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Và khi quận Tây Hồ được giao là đơn vị đầu mối quản lý hồ Tây, điều này sẽ là cơ hội cho địa phương trong công tác quản lý và khai thác khu vực hồ Tây và vùng phụ cận.

Cho đến thời điểm này, quận Tây Hồ đã hoàn thiện quy hoạch chi tiết khu vực bán đảo Quảng An, triển khai các dự án cải tạo hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến đường Xuân Diệu, Âu Cơ… hay kế hoạch xây dựng cầu Tứ Liên của thành phố sẽ hoàn thiện kết nối trục không gian hồ Tây - Cổ Loa, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quận Tây Hồ.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Quận ủy Tây Hồ cho biết: "Quận Tây Hồ là khu vực của Kinh thành Thăng Long xưa, đã có di tích, trầm tích hơn 1.000 năm tuổi. Cùng với đó, lấy giá trị của văn hóa để phát huy, phát triển kinh tế tạo cho Tây Hồ trở thành một điểm nhấn, một trung tâm của du lịch văn hóa của Thủ đô".

Để bảo tồn và phát huy được giá trị của khu vực hồ Tây và vùng phụ cận, trước đó, quận Tây Hồ đã đề xuất nghiên cứu định hướng quy hoạch phân toàn bộ địa giới hành chính quận Tây Hồ lấy hồ Tây làm trung tâm thành 5 tiểu vùng với các đặc điểm phù hợp với điều kiện tự nhiên, các thế mạnh nổi trội và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gồm: Tiểu vùng kinh tế cộng đồng và du lịch sáng tạo; Đô thị động lực văn hóa và tâm linh; Đô thị kết nối trung tâm Thủ đô; Kinh tế đô thị và du lịch tâm linh; Trung tâm tài chính - hành chính mới.

Việc hoàn thành hạ tầng đô thị sẽ là một trong những điều kiện để khai thác không gian văn hóa sáng tạo; phát huy giá trị của các di tích - là những lợi thế riêng có của quận Tây Hồ, phù hợp với mục tiêu định hướng tập trung đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

Nhật Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/mo-duong-huyet-mach-ket-noi-truc-khong-gian-ho-tay-co-loa-301271.htm
Zalo