Mở đường cho sầu riêng Việt sang Trung Quốc
Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa chính thức cập nhật 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số cấp phép lên hơn 1.800 mã.
Theo thông tin từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), việc mở rộng danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã mở ra cơ hội lớn để xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc - nơi tiêu thụ sản phẩm này lớn nhất thế giới. Động thái này cũng khẳng định những bước tiến của Việt Nam trong công tác quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc.
Để tận dụng tối đa lợi thế này, các địa phương và doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, nhằm duy trì xuất khẩu ổn định và bền vững.

Trong các mặt hàng rau quả xuất khẩu năm 2024, sầu riêng dẫn đầu với đóng góp tới 3,3 tỷ USD, chiếm 46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu quả toàn ngành hàng. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng chính, với 3,2 tỷ USD, chiếm 97% tổng lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam. Sầu riêng cũng chiếm tới 74% trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Sự tăng trưởng vượt bậc của sầu riêng đến từ việc Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch mặt hàng này từ giữa năm 2023. Thêm vào đó, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam cũng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc vào năm 2024, điều này càng giúp đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này.
Mỗi năm thị trường Trung Quốc nhập khẩu khoảng 7 tỷ USD sầu riêng tươi, con số này dự kiến sẽ vượt mức 10 tỷ USD trong thời gian tới. Ngoài ra, quốc gia 1,4 tỷ dân còn chi đến 1 tỷ USD nhập khẩu sầu riêng đông lạnh. Do đó, mục tiêu xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm 2025 là 3,5 tỷ USD.
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, sau khi ký Nghị định thư sầu riêng với Trung Quốc, có hơn 90% sản lượng sầu riêng Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường của quốc gia này. Tuy nhiên, yêu cầu kỹ thuật của Trung Quốc rất cao, ngày càng nâng hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là yêu cầu về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tình trạng giả mạo, mua bán mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vẫn diễn ra dẫn đến việc không thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần. Đặc biệt, không kiểm soát được chất lượng sầu riêng.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cảnh báo tình trạng thu hoạch sầu riêng non, chưa đạt độ chín sinh lý hoặc già, cùng với việc chạy theo lợi nhuận, đã khiến nhiều lô hàng xuất sang Trung Quốc bị phản ánh do trái bị sượng. Để đảm bảo uy tín và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất đã đăng ký, duy trì chất lượng và công tác kiểm dịch. Hiện nay, cả nước có 12 phòng kiểm định Cadimi và 8 phòng kiểm định chất vàng O đạt chuẩn, đủ năng lực xét nghiệm phục vụ xuất khẩu.
Trước những cảnh báo từ phía Trung Quốc về dư lượng Cadimi và vàng O - các hợp chất có nguy cơ gây ung thư trong sầu riêng Việt Nam, các hiệp hội và doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát bằng cách lập chốt kiểm dịch tại vườn, siết chặt quản lý phân bón lậu và cải tạo đất trồng nhằm đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa và nhóm chuyên gia đang thử nghiệm xử lý đất nhiễm Cadimi tại Cai Lậy (Tiền Giang), Đăk Song và Gia Nghĩa (Đăk Nông). Giải pháp gồm sử dụng chất hấp thụ kim loại nặng, kiểm soát phân bón và quy trình canh tác. Kết quả kiểm nghiệm sẽ là cơ sở chứng minh khả năng làm sạch đất, đáp ứng yêu cầu từ phía Trung Quốc.

Ngoài ra, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết đang phối hợp với các địa phương triển khai đồng thời giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm xử lý tình trạng tồn dư Cadimi.
Trong ngắn hạn, biện pháp ưu tiên là cải tạo đất thông qua bón vôi hoặc chất cải tạo để nâng pH, kết hợp sử dụng chất kết tủa hoặc trồng các loại cây có khả năng hấp thụ Cadimi. Cơ quan này cũng khuyến cáo nông dân tạm thời chuyển sang trồng cây ngắn ngày có sinh khối cao để phục hồi đất, hạn chế canh tác sầu riêng trong giai đoạn này.
Về chiến lược dài hạn, trọng tâm là thay đổi tập quán sử dụng phân bón thông qua đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật, giúp nông dân tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" (đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp), từ đó giảm thiểu nguy cơ tích tụ kim loại nặng trong đất và nông sản.