Mở đường cho ĐBSCL cất cánh

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt quyết tâm trong 2 nhiệm kỳ hoàn thành khoảng 1.200 km đường cao tốc cho ĐBSCL; cùng với hệ thống giao thông thủy nội địa, các cảng lớn, sân bay sẽ cơ bản giải quyết vấn đề giao thông tại vùng

Tiếp tục chuyến công tác ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 13-7, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với các bộ, ngành, TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông cho vùng.

Đủ nguồn cung cát

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), giai đoạn 2021 - 2025, khu vực ĐBSCL triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm gồm: Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Đến nay, 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Liên quan đến giải quyết khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết tổng nhu cầu vật liệu cát đắp cho các dự án khoảng 55,5 triệu m3. Mặc dù các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp phép mỏ vật liệu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện nhưng vấn đề khó khăn đối với các dự án vẫn là nguồn vật liệu cát đắp nền.

"Với kết quả GPMB các dự án đường cao tốc như trên và đặc thù các dự án phải gia tải chờ lún trong khoảng 10 - 12 tháng, để có thể hoàn thành các dự án theo kế hoạch đề ra, vấn đề cốt lõi hiện nay là phải bảo đảm nguồn vật liệu cát đắp, vật liệu cấp phối đá dăm, công tác chỉ đạo, điều hành của chủ đầu tư. Đồng thời, sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà thầu trong tổ chức thi công là yếu tố quyết định đến tiến độ hoàn thành các dự án" - Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm báo cáo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà, động viên công nhân thi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà, động viên công nhân thi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: NHẬT BẮC

Thời gian qua, Thủ tướng rất quan tâm, nhiều lần trực tiếp kiểm tra, làm việc với các địa phương và có nhiều văn bản, công điện chỉ đạo giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu cho các dự án. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã trực tiếp kiểm tra và làm việc với các địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Nhờ có sự quan tâm kịp thời nói trên, các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang và Sóc Trăng đã và đang tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đến nay, các địa phương trên đã xác định nguồn cung với tổng trữ lượng khoảng 63,1 triệu m3/nhu cầu 55,5 triệu m3 cho 5 dự án. Trong đó, đã đủ điều kiện khai thác khoảng 36,83 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục cung ứng 26,27 triệu m3.

Trong đó, dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã xác định được nguồn 28,3 triệu m3/tổng nhu cầu 18,5 triệu m3, đồng thời cấp bản xác nhận, đủ điều kiện khai thác 22,3 triệu m3 và đang hoàn tất thủ tục khai thác 6 triệu m3 còn lại. Riêng dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh An Giang đã xác định đủ nguồn 9,3 triệu m3; TP Cần Thơ xác định 7,8 triệu m3/tổng nhu cầu 7 triệu m3; tỉnh Hậu Giang xác định 6 triệu m3 và tỉnh Sóc Trăng đã xác định đủ nguồn 6,6 triệu m3.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho hay Cần Thơ có 2 tuyến cao tốc đi qua là Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nên hưởng lợi rất nhiều. Vì vậy, thành phố tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ. Về công tác GPMB, cơ bản xong, trong tháng 7, thành phố sẽ giải quyết dứt điểm để giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Sẽ có 1.200 km đường cao tốc

Trước khi làm việc với các địa phương, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đôn đốc, động viên các lực lượng thi công dự án thành phần 2 (tại nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) và dự án thành phần 3 (tại nút giao Quốc lộ 61C, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) thuộc dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Toàn tuyến dự án này có tổng chiều dài 188,2 km. Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang dài 57,2 km; dự án thành phần 2 tại TP Cần Thơ dài 37,2 km.

Đối với dự án thành phần 2 tại TP Cần thơ, đến nay, công tác thu hồi đất của dự án cơ bản hoàn thành (đạt 99%), chỉ còn khoảng 1% tập trung tại 86 hộ dân và công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là 15 vị trí đường điện cao thế. Tiến độ dự án sẽ hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.

Theo quy hoạch, khu vực ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc/1.188 km, gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc (597 km) và 3 tuyến cao tốc trục ngang (591 km). Đến nay, toàn vùng đã đưa vào khai thác 120 km. Qua kiểm tra và làm việc với lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quyết tâm trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 600 km và nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600 km còn lại, để ĐBSCL có khoảng 1.200 km đường cao tốc theo quy hoạch. Cùng với hệ thống giao thông thủy nội địa, các cảng lớn, như Cái Cui, Ô Môn, Trần Đề, các sân bay thì sẽ cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho ĐBSCL.

Thủ tướng đánh giá các công việc đến giờ này tương đối suôn sẻ, với 8 kết quả nổi bật về quy hoạch, xác định hướng tuyến, bố trí nguồn vốn, GPMB, bảo đảm nguyên vật liệu, thúc đẩy tiến độ các dự án, công tác hỗ trợ tái định cư và chăm lo đời sống cho nhân dân. Trong đó, khó khăn lớn nhất về nguồn vốn được khắc phục bằng cách huy động đa dạng nguồn vốn trung ương, địa phương, ngắn hạn và dài hạn, trong và ngoài nước…

Thủ tướng nhấn mạnh những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, tự hào. 1.200 km đường cao tốc cùng với hệ thống giao thông thủy nội địa, các cảng lớn, sân bay… kỳ vọng cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho vùng, tạo động lực mạnh mẽ phát triển ĐBSCL; làm nền tảng để đẩy nhanh đô thị hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Về trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục mở rộng những mỏ nguyên vật liệu đã có và triển khai nhanh các thủ tục để mở các mỏ mới cung cấp nguyên vật liệu cho dự án. Đồng thời, Thủ tướng cũng lưu ý các dự án phải bảo đảm kỹ thuật, tiến độ, chất lượng, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng phòng chống tham nhũng, tiêu cực và bảo đảm người dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.

Nghiên cứu tro, xỉ trong xây dựng đường cao tốc

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý Bộ GTVT khi làm đường cao tốc cần tạo ra những điểm thoát nước vì ĐBSCL có mùa lũ (còn gọi là mùa nước nổi). Các địa phương cùng Bộ GTVT cần xem xét bố trí các điểm thoát lũ, bởi nếu không có chỗ thoát, nước sẽ ùn ứ cục bộ, xoáy vào đường cao tốc dễ bị xói lở.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết tổng khối lượng tro, xỉ lưu giữ tại bãi chứa của các nhà máy trên cả nước là 46,4 triệu tấn. Theo ông, cần nghiên cứu, đánh giá việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện thay thế vật liệu đất đắp trong xây dựng đường cao tốc. Trước mắt tro, xỉ nhiệt điện có thể được sử dụng trong thi công các cấu kiện bê-tông, cầu bê-tông, đường cao tốc bằng cầu cạn.

CA LINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mo-duong-cho-dbscl-cat-canh-196240713214222385.htm
Zalo