Mở đường cho 'Đà Nẵng mới' phát triển hơn

Việc xây dựng một 'Đà Nẵng mới' phải phát huy tốt hơn những tiềm năng và lợi thế vốn có của cả Quảng Nam và Đà Nẵng

Tổng Bí thư Tô Lâm chiều 29-3 đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.

Vừa làm vừa điều chỉnh

Báo cáo với Tổng Bí thư, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho hay thành phố đã hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển công nghệ thông tin. Hiện nay, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung đã được đầu tư hoàn thiện và nghiên cứu mở rộng.

Đà Nẵng đã quy hoạch quỹ đất sạch hơn 16 ha và khả năng mở rộng thêm 62 ha làm trung tâm tài chính. Thành phố cũng đang khẩn trương triển khai các nhiệm vụ về thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng khu Trung tâm tài chính, đào tạo nguồn nhân lực...

Ông Quảng cũng nêu nhiều kiến nghị quan trọng tại buổi làm việc. Trong đó, đề nghị Bộ Chính trị cho phép TP Đà Nẵng sau hợp nhất, hình thành đơn vị hành chính mới tiếp tục được kế thừa toàn bộ các định hướng phát triển thành phố theo cơ chế, chính sách đặc thù cùng các quy hoạch đã được phê duyệt của 2 địa phương. Theo ông Quảng, việc kế thừa các chính sách này giúp thành phố tiếp tục vừa làm vừa điều chỉnh phù hợp với định hướng, quy mô mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Công viên Phần mềm Đà Nẵng số 2. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Công viên Phần mềm Đà Nẵng số 2. Ảnh: TTXVN

Nói về không gian đô thị sau khi sáp nhập 2 địa phương, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, đề xuất Trung ương thống nhất chủ trương cho đầu tư một khu đô thị mới thông minh, hiện đại với diện tích khoảng 15.000 ha, thuộc vùng Đông huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình - là đô thị trọng điểm của khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị thống nhất chủ trương cho đầu tư tuyến đường sắt đô thị từ TP Đà Nẵng vào Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ, Chu Lai để tạo điều kiện kết nối phát triển khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Nam.

Ngoài ra, ông Triết còn đề xuất cho phép xây dựng đề án phát triển Khu Kinh tế mở Chu Lai theo hướng được tiên phong thử nghiệm các cơ chế đột phá, vượt trội để bảo đảm thu hút được các nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nói thêm hiện tỉnh có 6 huyện miền núi cao, 71 xã nghèo; đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiên tai bão lũ phức tạp. Vì vậy, để giảm khoảng cách chênh lệch giữa vùng đồng bằng và miền núi sau sáp nhập, Quảng Nam đề nghị Trung ương cho chủ trương xây dựng đề án áp dụng các cơ chế đặc thù để phát triển khu vực miền núi phía Tây Quảng Nam hiện nay.

Bảo đảm phát triển cân bằng

Bên cạnh biểu dương những kết quả đạt được, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển của 2 địa phương. Trong đó, vai trò kết nối vùng của Đà Nẵng, đặc biệt với Quảng Nam và các địa phương miền Trung, vẫn chưa được phát huy đầy đủ.

Tổng Bí thư mong muốn lãnh đạo 2 địa phương quyết liệt triển khai ngay các giải pháp để khắc phục những điểm nghẽn trong quá trình phát triển. Một "Đà Nẵng mới" phải phát huy tốt hơn những tiềm năng và lợi thế vốn có của cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, phải tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc con người xứ Quảng - trung dũng, kiên cường, sáng tạo và nhân văn.

"Xây dựng Đà Nẵng trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam và là một thành phố có năng lực cạnh tranh cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một Đà Nẵng mới - cần định vị mình không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung mà còn thể hiện vai trò tiên phong dẫn dắt các địa phương khác trong quá trình phát triển hiện đại" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trong không gian phát triển mới, Tổng Bí thư gợi ý cần xác định rõ vai trò và lợi thế chiến lược riêng, như cực phát triển công nghiệp, logistics (Chu Lai); trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái (Hội An - Mỹ Sơn); khu vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Tổng Bí thư lưu ý quy hoạch tổng thể phải bảo đảm phát triển cân bằng, không để xảy ra tình trạng tập trung quá mức vào Đà Nẵng mà lãng quên tiềm năng quý báu của Quảng Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề nghị 2 địa phương triển khai mô hình "chính quyền số - đô thị thông minh - nền hành chính hiện đại"; nâng cao chất lượng vốn con người, thu hút nhân tài; xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao và tổ chức Đảng gắn với mô hình quản trị mới; tiếp tục nâng cao đời sống người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt tăng cường năng lực quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong mọi tình huống.

Trong ngày 29-3, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khảo sát, thăm và động viên công nhân làm việc tại công trường dự án bến cảng Liên Chiểu và tuyến đường ven biển nối cảng; thăm Công viên Phần mềm Đà Nẵng số 2.

Mọi cải cách đều vì lợi ích của nhân dân

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành phố trong cả nước, không tổ chức cấp huyện là một định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương đang được triển khai khẩn trương, kiên quyết, dứt khoát trên cơ sở tham vấn rộng rãi, đặt sự đồng thuận làm nền tảng.

Chủ trương này là cuộc cách mạng, là bước đột phá về thể chế chuẩn bị cho "tầm nhìn trăm năm" phát triển đất nước. Mọi cải cách thể chế đều phải vì lợi ích thiết thực và lâu dài của nhân dân và để đất nước phát triển bền vững trong thời gian tới.

Việc cải cách bộ máy hành chính, sáp nhập địa giới hành chính lần này sẽ tái định vị không gian phát triển tự nhiên và kinh tế; gắn kết về lịch sử, văn hóa và địa lý; từ đó mở rộng tầm nhìn phát triển, hình thành nên một thực thể hành chính - kinh tế có quy mô đủ lớn, năng lực quản trị đủ mạnh và sức cạnh tranh đủ cao để hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

NGỌC CHÂU

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mo-duong-cho-da-nang-moi-phat-trien-hon-19625032921193872.htm
Zalo