Mở cơ hội, triển vọng hợp tác sau điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump

Cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump là minh chứng điển hình cho tinh thần thiện chí, hợp tác thực chất giữa Việt Nam và Mỹ.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, 20 giờ ngày 2-7-2025 (giờ Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Mỹ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.

Toàn cảnh cuộc điện đàm. Ảnh: TTXVN

Toàn cảnh cuộc điện đàm. Ảnh: TTXVN

Ngay sau khi thông tin cuộc điện đàm diễn ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đặt kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực về quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, chia sẻ cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump là một bước đi rất tích cực từ phía Mỹ, xét trên nhiều góc độ.

"Cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận cuộc điện đàm này như một tín hiệu an tâm, bởi họ hiểu rằng khi hai nhà lãnh đạo cấp cao sẵn sàng trao đổi trực tiếp, thẳng thắn, cởi mở, thì các khó khăn về rào cản thương mại, thuế quan, công nghệ có khả năng được tháo gỡ nhanh hơn, thực chất hơn" - ông Mạc Quốc Anh nói.

Theo ông Mạc Quốc Anh, cuộc điện đàm trên còn là một minh chứng điển hình cho tinh thần thiện chí, hợp tác thực chất và nhìn xa của Mỹ đối với Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam - Mỹ kỳ vọng bước sang giai đoạn phát triển mới

Những cam kết, phản hồi tích cực và thái độ cởi mở của Tổng thống Donald Trump trong cuộc trao đổi này sẽ là tiền đề để thúc đẩy quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn phát triển mới, toàn diện và sâu sắc hơn, phục vụ lợi ích của cả hai dân tộc cũng như hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Theo TS Bùi Quý Thuấn, Trưởng Ban Nghiên cứu, Liên chi hội Tài chính Khu Công nghiệp Việt Nam (VIPFA), trong cuộc điện đàm trao đổi giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump tối qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị phía Mỹ sớm công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường và bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ cao, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt, đột phá như khoa học, công nghệ cao.

Cùng với đó, hai nhà lãnh đạo cấp cao trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trong những năm tới.

Theo TS Bùi Quý Thuấn, nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ cao, như được đề cập trong cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump ngày 2-7-2025, có thể mang lại những lợi ích đáng kể cho Việt Nam như: Giảm rào cản thương mại, việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp hàng hóa Việt Nam được đối xử công bằng hơn trong các vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.

"Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu công nghệ cao, nếu được thực thi, sẽ là một bước tiến lớn, mang lại lợi ích đáng kể cho xuất khẩu, đầu tư, và phát triển công nghệ tại Việt Nam và củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững" - TS Bùi Quý Thuấn chia sẻ.

Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mo-co-hoi-trien-vong-hop-tac-sau-dien-dam-cua-tong-bi-thu-to-lam-va-tong-thong-donald-trump-196250703115909978.htm
Zalo