Phát triển Hà Nội thành trung tâm công nghiệp văn hóa khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Hoạt động văn hóa-thể thao của Thủ đô Hà Nội từ lâu đã trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Dựa trên vị thế trung tâm văn hóa hàng đầu cả nước, cộng với tài nguyên giàu có, hạ tầng văn hóa phát triển, Hà Nội hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của châu Á-Thái Bình Dương.

Các đại biểu đánh giá lại kết quả công tác nhiệm kỳ 2020-2025 và bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2025-2030.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025, lĩnh vực văn hóa của Thủ đô Hà Nội ngày càng được quan tâm.
Cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của trung ương, thành phố Hà Nội coi văn hóa là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình 06-CTr/TU năm 2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đặc biệt, năm 2022, Thành ủy ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Triển khai các nhiệm vụ của Chương trình 06-CTr/TU, Nghị quyết 09-NQ/TU là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị của thành phố. Song, vai trò, nhiệm vụ của Sở Văn hóa và Thể thao là quan trọng hàng đầu.
Trong nhiệm kỳ qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ cùng các ngành, các địa phương đưa hoạt động văn hóa, thể thao của Thủ đô đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, Hà Nội đã hoàn thành công tác kiểm kê di tích, tiếp tục là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với 6.489 di tích. Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu để thành phố ban hành Nghị quyết đầu tư công với tổng số 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, kinh phí 14.029 tỷ đồng.
Nhiều đơn vị quản lý di tích chủ động nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm đa dạng, phong phú. Điển hình là việc ra mắt và duy trì tổ chức các chương trình trải nghiệm đêm tại các Nhà tù Hỏa Lò (với các chương trình Đêm thiêng liêng), di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Chương trình Tinh hoa Đạo học) và Di tích đền Ngọc Sơn (chương trình “Ngọc Sơn – đêm huyền bí”)… Di tích đền Quán Thánh chuẩn bị khai thác chính thức tour đêm “Tiếng chuông Trấn Vũ”.

Tour đêm Tiếng chuông Trấn Vũ bước đầu chinh phục khán giả.
Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa có nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Việc xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình được chú trọng, gắn với việc triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Thành phố chú trọng đến xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thông qua việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Hiện, thành phố có 5.266 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao.
Việc thực hiện 2 Quy tắc ứng xử tiếp tục được triển khai thống nhất; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền các quy tắc với nhiều hình thức như các cuộc thi vẽ tranh, cuộc thi ảnh…
Về hoạt động văn hóa nghệ thuật, trung bình mỗi năm Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu tổ chức 7-10 liên hoan, cuộc thi nghệ thuật quần chúng. Mỗi năm, các nhà hát của thành phố dàn dựng 18 vở diễn mới, biểu diễn trên 3.000 buổi; tổ chức thành công nhiều hoạt động: Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội”, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V; Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI, VII (HANIFF VI, VII), Liên hoan Xiếc Quốc tế 2022…
Thành phố quan tâm đẩy mạnh phát triển thể dục, thể thao cho mọi người dân, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ của nhân dân Thủ đô, nhất là thế hệ trẻ.
Thể thao thành tích cao giữ vững vị trí lá cờ đầu, điển hình như tại SEA Games 31, Đoàn Thể thao Hà Nội đạt thành tích ấn tượng, vượt chỉ tiêu đề ra với thành tích: 151 huy chương các loại (62 huy chương Vàng, 35 huy chương Bạc, 54 huy chương Đồng), chiếm 30,24% tổng số huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam…
Những thành tựu đó có đóng góp quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trong cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương, và thành phố về văn hóa, thể thao.
Đại hội Đảng bộ cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra trong bối cảnh Thủ đô và đất nước đạt được nhiều thành tựu về xây dựng đời sống văn hóa, công nghiệp văn hóa, nhất là trong bối cảnh hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp vừa đi vào hoạt động; đồng thời, toàn Đảng, toàn dân thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9.
Với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh, Đại hội Đảng bộ cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nhiệm kỳ 2025-2030 là dịp để nhìn lại những thành tựu đã đạt được của ngành văn hóa, đồng thời nhìn nhận những hạn chế, từ đó nêu ra những giải pháp thiết thực đóng góp cho sự phát triển văn hóa, thể thao trong kỷ nguyên mới, đưa Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa, thể thao của cả nước.
Đại hội đã nghe nhiều tham luận, phát biểu tâm huyết của các đại biểu trên các lĩnh vực: Xây dựng đời sống văn hóa, phát triển thể thao, phát triển công nghiệp văn hóa…
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao thời gian qua.
Đồng chí Lê Hồng Sơn cũng nhận định những thời cơ và thách thức của ngành Văn hóa và Thể thao trong kỷ nguyên mới. Với sự đổi mới trong công tác quản lý hiện hành, khi Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, Hà Nội đang đứng trước những thuận lợi và có nhiều điều kiện để đẩy mạnh phát triển văn hóa, biến nguồn lực văn hóa hiện có thành động lực phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội, đưa Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực. Đồng chí nhấn mạnh, khu vực ở đây không chỉ là với Đông Nam Á, mà cần nhìn rộng ra hơn, khi tiềm lực của Hà Nội đủ khả năng vươn tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thừa nhận hiện nay tư duy quản lý văn hóa vẫn còn nặng về hành chính, thiếu tính thị trường, thiếu tính sáng tạo, còn chạy theo sự vụ, cho nên thiếu những hoạt động có tầm nhìn xa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề xuất các nhóm giải pháp mà ngành văn hóa Thủ đô cần quan tâm trong thời gian tới.
Trong đó, cần thay đổi từ tư duy quản lý hành chính sang kiến tạo và đồng hành. Nhà nước, cụ thể là ngành văn hóa đóng vai trò kiến tạo, tạo ra môi trường cho các tổ chức sáng tạo; chuyển đổi từ tư duy quản lý bao cấp sang xã hội hóa và thị trường, khuyến khích hợp tác công-tư, tăng cường hợp tác sáng tạo, đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo.
Đồng chí nhấn mạnh, với vai trò đầu tàu văn hóa cả nước, ngành văn hóa Thủ đô cần sự sáng tạo và tiên phong; chuyển tư duy quản lý khép kín sang mở cửa và hội nhập; chấp nhận thử nghiệm nghệ thuật, tạo ra không gian sáng tạo mới, khuyến khích tư duy sáng tạo trong quản lý, thực thi chính sách mới.
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, mạng lưới sáng tạo thế giới; hỗ trợ văn nghệ sĩ có những sáng tạo ra thị trường quốc tế; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ số trong công tác quản lý.
Ngành văn hóa Thủ đô cũng cần các giải pháp thu hút tài năng, tránh tình trạng nhiều tài năng được xã hội mến mộ, nhưng không xin được việc, hoặc phải ký hợp đồng với mức lương thấp.
Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2025-2030 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã bầu 14 đồng chí có đủ phẩm chất và năng lực vào Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan nhiệm kỳ 2025-2030.