Mỏ cát đấu giá 370 tỉ: Chủ tịch Quảng Nam chỉ đạo 'nóng'

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đề nghị chưa công nhận kết quả trúng đấu giá.

Sáng 19-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã tiếp nhận báo cáo ban đầu của UBND thị xã Điện Bàn và đã giao các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc xem xét, nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các ngành chức năng tham mưu triển khai các biện pháp để kiểm soát giá cả phù hợp trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu, đẩy giá cao làm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Phiên đấu giá mỏ cát diễn ra suốt 20 tiếng, kết quả trúng đấu giá gấp hàng trăm lần mức khởi điểm

Phiên đấu giá mỏ cát diễn ra suốt 20 tiếng, kết quả trúng đấu giá gấp hàng trăm lần mức khởi điểm

Ông Bùi Ngọc Ảnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, cho biết lãnh đạo sở đã nắm vụ việc và theo dõi suốt quá trình diễn ra phiên đấu giá và cũng đã báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Hiện nay, sở đang hoàn chính báo cáo để lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ các ngành kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.

"Trước mắt, ngành đề nghị tỉnh chỉ đạo thị xã Điện Bàn chưa công nhận kết quả trúng giá giá mà rà soát lại toàn bộ quy trình đấu giá và các quy định có liên quan. Ngoài ra, rà soát hết lại kết quả trong thời gian vừa qua, xem việc đấu giá trên địa bàn tỉnh có sự bất thường nào khác giống trường hợp này không, để kiến nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan xử lý nếu có việc thâu tóm thị trường nguyên vật liệu, xử lý theo quy định" – ông Ảnh chia sẻ.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp (DN) đề nghị các ngành chức năng xem xét năng lực của đơn vị trúng đấu giá có đáp ứng hay không.

Phiên đấu giá diễn ra hết sức căng thẳng, kéo dài tới 4 giờ sáng

Phiên đấu giá diễn ra hết sức căng thẳng, kéo dài tới 4 giờ sáng

Dẫn ví dụ về trường hợp Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội hủy kết quả đấu giá đối với 3 doanh nghiệp trúng đấu giá 3 mỏ cát với số tiền lên tới 1.700 tỉ đồng vì không đủ năng lực, đại diện một DN phân tích nếu vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhỏ hơn 30% tổng vốn đầu tư của dự án khai thác khoáng sản mà đơn vị phải lập sau khi trúng đấu giá thì không đủ điều kiện để cấp phép theo quy định tại điều 53 Luật Khoáng sản.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sáng 18-10, tại Hội trường UBND thị xã Điện Bàn (số 22 Hoàng Diệu, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn), Công ty đấu giá Hợp Danh Hòa Thuận đã tổ chức đấu giá buổi đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B nằm trên địa bàn xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn).

Điểm mỏ này có diện tích 6,04 ha với trữ lượng theo kế hoạch được phê duyệt là 159.000 mét khối. Đáng chú ý, mức giá khởi điểm được đưa ra chỉ hơn 1,2 tỉ đồng nhưng sau khi trải qua suốt 20 tiếng với 200 vòng đấu, tới hơn 4 giờ rạng sáng 19-10, cuộc đấu giá mới kết thúc với số tiền chốt phiên lên tới 370 tỉ đồng.

Theo một số DN, sáng 18-10 có nhiều đơn vị tham gia đấu giá nhưng sau đó kết quả đấu giá quá cao nên họ rút lui.

Có 6 DN liên tục bỏ giá cao, gồm Công ty TNHH VL XD Khoáng sản Miền Trung (địa chỉ tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng); Công ty TNHH Xây lắp, Thương mại và Dịch vụ Tân Nguyên Văn (phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam); Công ty CP Đầu tư tư vấn thăm dò địa chất Trung Trung Bộ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang); Công ty CP Nông Sơn FARM (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam); Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Bá Anh (phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn).

Cuối cùng, Công ty CP MT Quảng Đà (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là đơn vị trúng đấu giá mỏ cát với số tiền 370 tỉ đồng.

Trần Thường

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mo-cat-dau-gia-370-ti-chu-tich-quang-nam-chi-dao-nong-196241019112738256.htm
Zalo