Mở cánh cửa xuất khẩu qua thương mại điện tử
Theo báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. Bình Dương xếp thứ ba về EBI 2024 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam công bố. Bình Dương cũng là nền kinh tế có độ mở lớn, có thế mạnh về ngành dệt may, da giày, điện tử, nội thất…, dư địa, tiềm năng về TMĐT xuyên biên giới các ngành này còn rất lớn.
Theo các chuyên gia, hiện nay TMĐT của các doanh nghiệp (DN) Bình Dương còn hạn chế. Đa số các DN có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu, sức chống chịu kém trước những biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Chưa kể, nguồn nhân lực về TMĐT xuyên biên giới còn chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong TMĐT xuyên biên giới còn nhiều hạn chế... Do đó, để bán hàng thành công trên các sàn TMĐT quốc tế, DN cần tìm hiểu hành vi tiêu dùng của người mua hàng thông qua thương hiệu lựa chọn, mức độ tin cậy, sự tiện lợi và dịch vụ phù hợp, cũng như phải xây dựng được thương hiệu nổi bật trong môi trường trực tuyến. Theo đó, các sản phẩm khi đăng bán trên thị trường cần được đóng gói đẹp, nâng cao chất lượng sản phẩm, nên sử dụng vật liệu thân thiện, bền vững với môi trường. Đặc biệt, sản phẩm không được vi phạm thương hiệu.
Để hỗ trợ cho DN, Bộ Công thương đang tham mưu trình Chính phủ kế hoạch tổng thể TMĐT cho giai đoạn 5 năm tới. Kế hoạch này hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế và có tính cạnh tranh cao trên thị trường TMĐT, đặc biệt là hỗ trợ DN vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất có thể bán hàng ra thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, hiện nay tiêu dùng xanh và bền vững là xu hướng nổi trội trên thế giới. Vì thế, để hàng hóa vươn ra thị trường toàn cầu DN cần cân nhắc đến yếu tố phát triển bền vững.
Từ góc độ này, trong các hội thảo về TMĐT tổ chức tại Bình Dương, các chuyên gia cho rằng DN cần mạnh dạn ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong TMĐT. DN cần giải quyết tất cả các khâu trong TMĐT bằng cách số hóa quy trình sản xuất chuỗi giá trị, áp dụng đến từng khâu của quy trình sản xuất…