Minh Nhí từng nhận tin bố mất, Đàm Vĩnh Hưng hát lót tại Trống Đồng
Như lời ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, các sân khấu như: Trống Đồng, Lan Anh, 126... chứng kiến bao thăng trầm của đời ca hát.
Minh Nhí: Hai chữ 'Trống Đồng' trong tôi tình cảm vô cùng
Khi đọc thông tin Sân khấu Trống Đồng, Lan Anh chính thức đóng cửa, nghệ sĩ Minh Nhí khá bất ngờ dù biết tình trạng của 2 tụ điểm này từ lâu.
Anh gắn bó cả hai sân khấu suốt một quãng dài sự nghiệp, nhất là năm tháng tuổi trẻ.
Thập niên 1990 - thời hoàng kim của tấu hài, Minh Nhí từng "diễn nát" Sân khấu Trống Đồng với nhóm hài Mập - Nhí, Hữu Châu đến Việt Hương. Còn Lan Anh là nơi anh tham gia "nhiều không đếm xuể" liveshow, chương trình của đồng nghiệp.
Với thời lượng tiết mục ngắn, chuyện Minh Nhí chạy trung bình 7-8 show/đêm, thậm chí 10-12 show/đêm vào cuối tuần là bình thường.
"Thời chưa có YouTube, nghệ sĩ chúng tôi chỉ có thể nổi tiếng nhờ các sân khấu này. Được cố nghệ sĩ Việt Phương - khi ấy là biên tập chương trình ca nhạc tại Trống Đồng - ưu ái, tôi từ một người trẻ mới vào nghề có thể đến gần với khán giả, từ đó nổi tiếng. Vì vậy, hai chữ 'Trống Đồng' trong tôi tình cảm vô cùng", Minh Nhí nhớ lại.

Minh Nhí diễn tại Trống Đồng trong 1 show hài kịch năm 2012. Ảnh: Thanh Hiệp
Kỷ niệm đáng nhớ nhất, một buổi tối đi diễn cùng Hữu Châu, Minh Nhí nhận tin nhắn từ chiếc máy phonelink: "Ba mat roi, em ve gap". Anh rủa thầm vì đồng nghiệp vẫn thường trêu vui nhau kiểu "Phước Sang chết rồi, Nhật Cường chết rồi".
Lúc sang Sân khấu Trống Đồng, anh hơi nghi ngờ nên mượn điện thoại bàn gọi về nhà và được xác nhận cha đã qua đời.
"Vừa gác máy, tôi nghe MC giới thiệu đến tiết mục của mình. Và tôi ra diễn một cách vui vẻ… Sau vài show, tôi ra nói với anh Châu: Em diễn hết nổi rồi. Anh Châu định chia tiền cát-sê, tôi nói để tính sau rồi lên xe với anh Năm. Suốt đoạn đường về Sa Đéc, chuyến xe không một tiếng động, thỉnh thoảng là tiếng sụt sịt của hai người con trai vừa mất ba. Đó là ký ức không thể quên trong tôi về Sân khấu Trống Đồng", Minh Nhí xúc động.
Đàm Vĩnh Hưng: Với giới nghệ sĩ, đây không chỉ là điểm diễn, mà còn là “mái nhà”
Trong ký ức của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lan Anh, Trống Đồng hay 126 là “thánh đường” của làng nhạc thành phố, bất cứ ca sĩ nào cũng đều muốn hát vì các tụ điểm này luôn sáng đèn hàng đêm.
Những sân khấu trên còn gắn với từng giai đoạn nghề của anh từ lúc còn là “lính mới” đến vụt sáng thành cái tên đình đám trong làng nhạc thập niên 2000.

Đàm Vĩnh Hưng suy tư trước sự thay đổi của thời đại. Ảnh: Tư liệu
Ngày chưa đi hát, Đàm Vĩnh Hưng thường đứng canh ở cổng sau, chờ các ca sĩ mình mến mộ như danh ca Cẩm Vân, Bảo Yến, Nhã Phương, Thái Châu… đi ngang để được nhìn ngắm, gửi lời chào.
Khi mới chập chững vào nghề, anh bắt đầu với công việc hát lót cũng ngay chính tại các sân khấu này. Dù chờ cả buổi mới tới lượt, giọng ca 7X vẫn háo hức vì được đứng hát trước hàng nghìn khán giả.
“Có lần tổ chức show riêng, trời mưa dữ dội trong khi Sân khấu 126 lại không có mái che. Vậy mà khán giả vẫn ngồi chịu trận theo dõi tới cuối. Tôi lao ra hát và dầm mưa với mọi người. Khoảnh khắc đó không bao giờ có thể mua được bằng tiền”, anh nói.
Với giới nghệ sĩ, đây không chỉ là điểm diễn, mà còn là “mái nhà” chứng kiến thăng trầm của đời ca hát, có cả vui buồn, vinh quang lẫn nước mắt.
Nơi này còn diễn ra một số cuộc xung đột, tranh chấp nảy lửa giữa các nghệ sĩ chỉ vì hiểu lầm trong nghề nghiệp, cuộc sống.
Đàm Vĩnh Hưng hát "Tình nhạt phai" trong một minishow 11 năm trước
Hay tin các sân khấu ngừng hoạt động, giọng ca Xin lỗi tình yêu không khỏi bùi ngùi. Anh chạnh lòng không chỉ bởi các tụ điểm thân quen đóng cửa mà còn vì thấy một thời đại huy hoàng của nhạc Việt dần lùi vào dĩ vãng.
Dẫu tiếc nuối, Đàm Vĩnh Hưng hiểu mọi thứ phải tuân theo sự phát triển của quy luật xã hội.
“Từng nơi này sẽ theo mãi những nghệ sĩ và khán giả đã được sống, được 'cháy' và tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc của thanh xuân ngày ấy”, anh nói.
Cẩm Ly: Mới vào nghề, tôi cùng em gái Minh Tuyết đã hát tại Trống Đồng
Với ca sĩ Cẩm Ly, quãng đường 30 năm ca hát cũng là chừng ấy năm chị gắn bó với các địa điểm trên.
Chị kể, thập niên 2000 là giai đoạn sôi nổi của sân khấu âm nhạc TPHCM. Hơn chục điểm diễn như: 126, Lan Anh, Trống Đồng, Bách Tùng Diệp hay Đồi Hoa Vàng… chiếm lĩnh thị trường, gắn với đời sống văn hóa người dân thành phố một thời.

Cẩm Ly bên em gái trong liveshow "Minh Tuyết in Vietnam" ở sân khấu Lan Anh năm 2009. Ảnh: Tư liệu
Trong đó, những cái tên 126, Lan Anh, Trống Đồng được xem là trụ cột bởi vị trí trung tâm, nằm trên trục đường Cách Mạng Tháng Tám.
“Mới vào nghề, tôi cùng em gái Minh Tuyết đã hát tại Trống Đồng. Liveshow kỷ niệm 15 năm ca hát của tôi năm 2008 cũng được tổ chức ở Lan Anh. Với lứa ca sĩ 7X, 8X, mọi bước chân trong nghề đều in dấu vết của các sân khấu trên”, ca sĩ nhớ lại.
Giai đoạn ấy, Cẩm Ly và nhiều đồng nghiệp thường tất tả chạy show giữa các điểm diễn. Có thời điểm, chị hát liên tục 7 ngày/tuần. Các ca khúc hit như: Áng mây buồn, Em sẽ là người ra đi, Phố xuân… đến gần với khán giả hơn chính nhờ được trình diễn thường xuyên ở các tụ điểm này.
Nữ ca sĩ nhận xét khán giả ngày xưa giữ thói quen "đi xem" ca nhạc rất tốt. Dù phải xếp hàng mua vé, chờ hàng tiếng đồng hồ để được vào sân khấu, họ vẫn nhẫn nại, ủng hộ nghệ sĩ hết mình.
Bỏ qua yếu tố cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, chính sự ấm cúng, gần gũi trong các tiết mục live và giao lưu của ca sĩ góp phần kéo khoảng cách thần tượng và khán giả lại gần nhau hơn.
Cẩm Ly hát "Đỏng đảnh" ở Sân khấu Lan Anh.
“Nghệ sĩ chúng tôi hát sung còn khán giả bên dưới hò hét, cổ vũ hết mình. Chính không khí đó là điều tôi trân quý. Sau này, dù biểu diễn ở những nơi hoành tráng, hiện đại hơn, sự gắn bó tình cảm của ngày ấy là điều không thể nào quên”, Cẩm Ly bày tỏ.
Nhiều nghệ sĩ Việt chung tâm tư khi hay tin Sân khấu Trống Đồng, Lan Anh chính thức dừng hoạt động.
Trò chuyện với phóng viên, Lý Hùng nói dù là diễn viên vẫn đi hát khá nhiều tại các sân khấu lớn nhỏ, bao gồm Trống Đồng và Lan Anh. Khi đọc tin, ký ức ùa về trong anh, từ hàng nghìn khán giả đứng chờ xin chụp ảnh, ký tên đến "cái bồn nước ở cổng sau Trống Đồng rất đẹp".
"Giờ đây, tất cả chỉ còn là ký ức. Việc 2 sân khấu đóng cửa gây tiếc nuối nhưng cũng là lời nhắc các tụ điểm hiện tại phải không ngừng cập nhật, đổi mới để đáp ứng được thị hiếu của khán giả", anh nói.
Với tư cách ông bầu, Gia Bảo lại nhớ nhất những lần phối hợp làm show gây quỹ giúp đỡ đồng nghiệp như: show Cám ơn gây quỹ cho ca sĩ Wanbi Tuấn Anh, show Hào quang sân khấu kết hợp Đàm Vĩnh Hưng gây quỹ giúp bầu show Duy Ngọc và Minh Dzũng; show kết hợp NSND Hữu Quốc, nghệ sĩ Trần Bùm gây quỹ cho diễn viên Duy Nhân và nghệ sĩ cải lương Vũ Phong...
"Việc những tụ điểm tồn tại hàng chục năm phải đóng cửa khiến tôi không khỏi bùi ngùi. Nhưng tôi hiểu điều đó như một định luật. Khi không còn khán giả, chúng ta buộc phải thay đổi hoặc ngừng lại", anh cho hay.
Trong khi đó, nhạc sĩ Tô Hiếu đã đến các sân khấu như Trống Đồng, 126 xem ca nhạc từ nhỏ; sau này luôn muốn làm show tại đây. Các show Tìm nhau trao yêu thương, Tình nghệ sĩ anh tổ chức hồi năm 2023 là 2 trong số những đêm nhạc cuối cùng ở Trống Đồng.
Tô Hiếu nhớ mãi hình ảnh khán giả thưa thớt, chỉ vỏn vẹn 100 người trong đêm nhạc gây quỹ giúp đỡ các nghệ sĩ Hồng Sáp, Mạc Can và Vũ Quang vì "ai cũng biết Trống Đồng không có mái che mưa".