'Mình làm để ăn như thế nào thì làm để bán như vậy'

Khoảng năm 2000, vợ chồng ông Lê Văn Việt và bà Lưu Thị Huê, ở thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) quyết định đầu tư vào sản xuất giò, chả để cung cấp ra thị trường.

Thời gian đầu hoạt động sản xuất chủ yếu là thủ công với sản lượng ít nên thu nhập không cao. Sau khi nghiên cứu thị trường, ông Việt quyết định đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm giò, chả của gia đình. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng sản phẩm đã được nâng lên. Tuy nhiên, một bài toán khác đặt ra không chỉ với gia đình ông, đó chính là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Trước tình hình đó, ông Việt xác định phải dựa vào chất lượng để xây dựng thương hiệu cũng như duy trì, khẳng định uy tín với khách hàng. Vì vậy, toàn bộ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đều được lựa chọn kỹ tại các địa chỉ có uy tín và bảo đảm chất lượng. Gia vị sử dụng gồm: Nước mắm, hạt tiêu, mì chính, đường…đều là các sản phẩm có nhãn hiệu và được phép sử dụng trong thực phẩm.

Sản xuất giò tại cơ sở sản xuất giò, chả Lưu Thị Huê

Sản xuất giò tại cơ sở sản xuất giò, chả Lưu Thị Huê

Với sự quan tâm đến chất lượng và đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất, năm 2022, cơ sở sản xuất giò, chả Lưu Thị Huê của gia đình ông Việt đã trở thành một trong những cơ sở đầu tiên được Hội Nông dân thị trấn Yên Mỹ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Giò, chả Trai Trang”. Ðiều này một lần nữa khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm của cơ sở.

Sau khi được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Giò, chả Trai Trang”, ông Việt như có thêm chiếc “thẻ thông hành” để đưa các sản phẩm của gia đình đến với nhiều người tiêu dùng hơn. Không chỉ quảng bá sản phẩm theo phương thức truyền thống, ông Việt còn tích cực đăng tải video, hình ảnh quảng bá về hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Sản phẩm của gia đình ông không chỉ được tiêu thụ tại địa phương mà đã có mặt tại nhiều bữa ăn của công nhân trong các doanh nghiệp, các bếp ăn tập thể, được khách hàng ở nhiều tỉnh đặt mua.

Vào ngày thường, gia đình ông Việt sản xuất khoảng 50 - 100kg giò, chả các loại/ngày nhưng vào dịp giáp Tết Nguyên đán, mỗi ngày gia đình ông sản xuất hàng tạ giò, chả. Trừ chi phí, gia đình ông Việt thu lãi 250 - 300 triệu đồng/năm.

Ông Lê Văn Việt chia sẻ: Phương châm của tôi là “mình làm để ăn như thế nào thì làm để bán như vậy”. Vì vậy, mỗi nguyên liệu đưa vào sản xuất không chỉ bảo đảm độ tươi ngon mà còn phải được mua tại các cơ sở có uy tín; gia vị phải là sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn mác. Hiện nay, tôi đã đầu tư nhiều loại máy giúp giảm công lao động, giảm thời gian lưu trữ thực phẩm trong môi trường tự nhiên. Từ đó, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Khu vực và thiết bị sản xuất thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ. Nhờ vậy, sản phẩm của gia đình tôi sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó và được khách hàng ưa chuộng, đặt hàng thường xuyên.

Mai Nhung

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/minh-lam-de-an-nhu-the-nao-thi-lam-de-ban-nhu-vay-3178576.html
Zalo