Minh chứng cho sự chuyển mình chiến lược của đất nước
Ngày 19/4 vừa qua, tại điểm cầu trung tâm nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ khánh thành, khởi công các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Buổi lễ được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng, với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TP HCM đến các công trình, dự án.
Bộ Xây dựng cho biết, 80 dự án được khánh thành, khởi công trong dịp này có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 445.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn các dự án khánh thành là 140.000 tỷ đồng, tổng vốn khởi công 305.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỷ đồng. Trong số 80 dự án được nhấn nút, có tới 40 công trình thuộc lĩnh vực giao thông, còn lại trải rộng từ công nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa đến thủy lợi... Đây là những công trình mang tính chất “xoay chuyển tình thế, thay đổi trạng thái” hạ tầng chiến lược của đất nước.
Trong 80 dự án này, có những dự án có khởi nguồn không quá thuận lợi. Nhiều trong số đó đã phải vượt qua những tháng ngày bão giông vì đại dịch Covid-19, vì áp lực suy thoái kinh tế toàn cầu, vì những thách thức nội tại của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi. Nhưng chính trong gian khó, bản lĩnh Việt Nam được khẳng định, khi những công trình hạ tầng lớn đã không bị lùi tiến độ, mà còn hoàn thành sớm hơn dự kiến như cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, nhà ga T3 Nội Bài, sân bay Gia Bình (Bắc Ninh)… Như lời Thủ tướng nói, đó là danh dự, là trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân.
Chúng ta không khỏi tự hào khi nhìn vào danh sách những công trình mang tính biểu tượng như sân bay Long Thành (giai đoạn 1), nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng cùng nhiều trung tâm triển lãm, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện hiện đại… Đó không chỉ là những công trình, mà còn là “xương sống”, là động mạch mới cho nền kinh tế, cho sinh kế của hàng triệu người dân, là điểm tựa để Việt Nam vươn tầm trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã nhiều lần nói rõ, mọi thành quả phát triển của đất nước phải đến được với người dân và người dân phải là người thụ hưởng. Đó không chỉ là mục tiêu, mà là thước đo cho mọi nỗ lực của chính quyền và DN. Những con đường mở ra không chỉ để lưu thông người và xe, mà còn là lối đi tới những cơ hội mới; những bệnh viện mới không chỉ chữa thân bệnh và tâm bệnh, mà còn là nơi chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân được tốt hơn; những trường học hiện đại không chỉ là nơi giảng dạy, mà còn là nơi nuôi dưỡng khát vọng công dân toàn cầu...
Sự kiện ngày 19/4 vì thế không đơn thuần là một lễ khánh thành, khởi công. Đó còn là minh chứng mạnh mẽ về tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, về sự chuyển mình chiến lược của đất nước với những nền móng vững chắc từ hạ tầng, trí tuệ, khát vọng dân tộc.