Miệt mài gìn giữ và phát huy bản sắc thổ cẩm thủ công truyền thống

Thổ cẩm là một sản phẩm đặc trưng, mang nhiều nét hoa văn độc đáo và rất quan trọng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các hoa văn được thêu trên thổ cẩm lại có những câu chuyện riêng, mang đầy triết lý sống và bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân Sầm Thị Tình - người miệt mài giữ gìn và phát huy sản phẩm thổ cẩm thủ công truyền thống của đồng bào Thái. Ảnh: Thúy Hạnh

Nghệ nhân Sầm Thị Tình - người miệt mài giữ gìn và phát huy sản phẩm thổ cẩm thủ công truyền thống của đồng bào Thái. Ảnh: Thúy Hạnh

Qua sản phẩm thổ cẩm thủ công truyền thống, cô gái người dân tộc Thái, sinh năm 1986 - Sầm Thị Tình, với thương hiệu “Hoa Tiến Brocade” đã phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc và lan tỏa trong đời sống đương đại.

Tình yêu văn hóa dân tộc trên sản phẩm thổ cẩm của nghệ nhân Sầm Thị Tình đã được nuôi dưỡng ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, là một bản của người Thái cổ. Được biết, đây là một địa chỉ dệt, thêu thổ cẩm nổi tiếng và lâu đời nhất của đồng bào dân tộc Thái, đã tồn tại hàng trăm năm. Theo truyền thống của người Thái, ngay từ khi còn nhỏ, mỗi cô gái đều được mẹ truyền dạy cách dệt vải, thêu hoa văn để chuẩn bị của hồi môn cho bản thân, trước khi đi lấy chồng

Nét độc đáo của thổ cẩm Hoa Tiến là sử dụng những sản phẩm từ thiên nhiên. Trong quá trình canh tác cây bông và cây dâu tằm, người dân không sử dụng thuốc từ sâu và các hóa chất bảo vệ thực vật khác. Nhuộm màu tự nhiên thủ công truyền thống là một phần quan trọng trong văn hóa nghệ thuật của người dân tộc Thái ở Nghệ An. Người Thái quan niệm, mỗi màu sắc đều mang những thông điệp riêng, như: Màu xanh là biểu tượng của hy vọng, màu vàng của nắng ấm và màu tím là của nỗi nhớ... Màu sắc trên thổ cẩm không chỉ là sản phẩm nghệ thuật, mà còn là một phần tâm hồn của người tạo ra nó.

Để tạo màu cho các sản phẩm dệt thổ cẩm, người dân sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên từ cây, củ, quả có sẵn. Hiện nay, người dân bản Hoa Tiến đã tạo được 52 màu cho các chất liệu như vải tằm thô, lụa, vải bông... Những nguyên liệu dùng để nhuộm vải dệt thổ cẩm từ tự nhiên không chỉ mang lại những màu sắc đẹp mắt, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực từ hóa chất tổng hợp, rất an toàn cho mọi làn da nhạy cảm và luôn bền đẹp theo thời gian.

Ngoài nhuộm sản phẩm thổ cẩm bằng phương pháp thủ công, thì các họa tiết hoa văn trên thổ cẩm cũng không thể thiếu, bởi đó là những biểu tượng, triết lý sống của cộng đồng. Một trong số các họa tiết trên thổ cẩm không thể thiếu, là hình ảnh con hổ mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đối với văn hóa của người Thái, con hổ tượng trưng cho sức mạnh, sự dũng mãnh, quyền uy. Con hổ được coi là vị thần bảo vệ, mang lại sự bình an và thịnh vượng cho người dân.

Bên cạnh đó, thổ cẩm cũng là biểu tượng của sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng người Thái qua việc cùng nhau làm việc và giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc. Theo truyền thống xưa, trong lễ cưới của người Thái, khi cô dâu về nhà chồng bao giờ cũng mang rất nhiều của hồi môn. Những đồ gia dụng, những lễ vật hồi môn không thể thiếu là chăn, đệm cho vợ chồng và bộ chăn đệm mới dành cho bố mẹ chồng, anh chị em chồng, vị đại diện nhà trai. Để có được những lễ vật đó, xưa kia nhà có con gái đã phải chuẩn bị dần lễ vật từ lúc cô gái mới 13-14 tuổi. Khi sắp lấy chồng, thì bà con trong bản có thể làm giúp, hoặc nhiều gia đình nhờ được những người họ hàng làm giúp cho một đến hai bộ chăn đệm và các vật dụng khác.

Năm 2010, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Tiến, do nghệ nhân Sầm Thị Tình và gia đình sáng lập tại bản Hoa Tiến. Đây là tâm huyết của phụ nữ dân tộc thiểu số nhằm lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc của người Thái và góp phần tăng thu nhập cho phụ nữ nơi đây. Những sản phẩm thổ cẩm, gắn với sinh hoạt văn hóa cưới, hỏi của cộng đồng dân tộc Thái, giờ đây được phát triển thành kế sinh nhai cho phụ nữ. Đồng thời, sản phẩm thổ cẩm đã lan tỏa câu chuyện văn hóa của đồng bào dân tộc Thái khắp trong và ngoài nước. Năm 2018, cô gái trẻ Sầm Thị Tình đã được công nhận là nghệ nhân dệt vải thổ cẩm và là một trong 23 gương sáng điển hình của Chương trình “Khát vọng khởi nghiệp, bừng sáng bản làng” do Ủy ban Dân tộc và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức.

Nghệ nhân Sầm Thị Tình bày tỏ: “Trong tương lai, chúng tôi mong muốn các sản phẩm sẽ có tính ứng dụng cao hơn, được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày của tất cả mọi người và tiếp cận được với khách hàng trong nước, quốc tế nhiều hơn”.

Từ khi phát triển thương hiệu “Hoa Tiến Brocade”, nghệ nhân Sầm Thị Tình đã tạo được nền tảng với những sản phẩm thời trang, thiết kế dựa trên thổ cẩm làm hoàn toàn bằng phương thức truyền thống từ những nguyên liệu tự nhiên. Nỗ lực của nghệ nhân được đánh giá cao, không chỉ góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc, mà còn đưa sản phẩm thổ cẩm trở thành kế sinh nhai, tạo công việc cho người phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Thương hiệu thời trang “Hoa Tiến Brocade” đang tiếp tục phát triển các ý tưởng mới nhằm quảng bá thổ cẩm và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ ở trong nước, mà còn lan tỏa đến với bạn bè quốc tế.

Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm của người Thái cũng như các dân tộc thiểu số khác đều phải đối mặt với nhiều thách thức, do sự thay đổi của thời gian. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ các chương trình bảo tồn văn hóa và sự quan tâm của cộng đồng, nghề dệt thổ cẩm đang dần được hồi sinh. Điều này không chỉ giúp đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy được nghề truyền thống, mà còn tạo ra thu nhập ổn định cho người dân, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Thái qua sản phẩm thổ cẩm thủ công truyền thống.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/miet-mai-gin-giu-va-phat-huy-ban-sac-tho-cam-thu-cong-truyen-thong-post483659.html
Zalo