Miếng bánh tài chính tiêu dùng có còn hấp dẫn?
Hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng trong những năm gần đây làm dấy lên nghi ngại phải chăng dư địa phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam không còn hấp dẫn, nhất là khi nhìn vào diễn biến nợ xấu tiêu dùng tăng vọt trong những năm gần đây cùng với tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh hơn?
Dư địa phát triển còn hấp dẫn?
SeABank mới đây đã được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cho Tập đoàn Aeon. Trước đó, vào tháng 10-2023, hai bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng với giá lên tới 4.300 tỉ đồng. PTF thành lập vào tháng 10-1998, đến năm 2018 được SeABank mua lại từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Công ty này hiện có vốn điều lệ 1.550 tỉ đồng, tổng nhân sự gần 2.000 người và phục vụ gần 200.000 khách hàng tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong những năm gần đây, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ đổi chủ ở các công ty tài chính. Như vào tháng 2-2024, Tập đoàn Home Credit thông báo chuyển nhượng 100% vốn góp trong Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam cho Tập đoàn Công nghệ tài chính SCBX của Thái Lan. Với giá trị 866 triệu đô la Mỹ, đây là thương vụ M&A công ty tài chính lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau thỏa thuận mua 49% vốn FE Credit của SMBC diễn ra vào năm 2021.
Tương tự, Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) - ngân hàng lớn thứ 5 của Thái Lan, cũng hoàn tất mua nốt 50% vốn điều lệ còn lại tại SHBFinance từ Ngân hàng SHB, qua đó sở hữu toàn bộ công ty tài chính này.
Các thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian qua không phản ánh sự “cạn kiệt” dư địa phát triển, mà đơn thuần là sự tái cấu trúc thị trường, nơi các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng “xuống tiền”, còn các ngân hàng trong nước muốn tập trung và tối ưu hóa chiến lược kinh doanh hơn.
Trước đó nữa, vào đầu năm 2018, Lotte Card của Hàn Quốc đã chi gần 1.700 tỉ đồng để mua lại Techcom Finance từ Techcombank.
Điều này làm dấy lên nghi ngại phải chăng dư địa phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam không còn hấp dẫn, nhất là khi nhìn vào diễn biến nợ xấu tiêu dùng tăng vọt trong những năm gần đây cùng với tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh hơn, khiến các ngân hàng trong nước buộc phải rời khỏi cuộc chơi ở phân khúc này?
Dù vậy, theo các chuyên gia phân tích, dư địa của ngành này vẫn còn rất lớn, khi mà mức độ thâm nhập của tài chính tiêu dùng chính thức tại Việt Nam chưa cao. Tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm tín dụng nhỏ lẻ như thẻ tín dụng hay vay tiêu dùng tại công ty tài chính so với ngân hàng hoặc so với tổng dân số vẫn còn rất nhiều khoảng trống để phát triển. Ngoài ra, hành vi tiêu dùng thay đổi sang mua sắm trực tuyến, trả góp, dùng thẻ tín dụng, cũng góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng dài hạn cho ngành tài chính tiêu dùng.
Về mức độ sinh lời, so với cho vay doanh nghiệp hay cho vay thế chấp ở khách hàng cá nhân, các sản phẩm cho vay tiêu dùng thường có lãi suất cao hơn, nên biên lợi nhuận (NIM) cũng hấp dẫn hơn. Chính vì vậy, thời gian qua các công ty tài chính tiêu dùng ngày càng linh hoạt trong việc mở rộng tệp khách hàng, phát triển kênh phân phối như thương mại điện tử, liên kết cửa hàng bán lẻ, tận dụng xu hướng mua sắm trả góp, dịch vụ mua trước trả sau.
Chiến lược của các bên
Thực tế việc các tập đoàn tài chính, bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan những năm gần đây tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á, với các động thái thâu tóm hoặc nắm cổ phần các công ty tài chính ở Việt Nam đã thể hiện sự sôi động của thị trường này. Chiến lược này cũng là cách nhanh nhất để các tập đoàn nước ngoài tiếp cận thị trường, có sẵn giấy phép kinh doanh, tệp khách hàng, hạ tầng công nghệ, đội ngũ nhân sự, nhất là khi việc thành lập mới một công ty tài chính tại Việt Nam gặp nhiều rào cản, từ yêu cầu về vốn, quy trình cấp phép chặt chẽ đến mức độ cạnh tranh với những công ty lâu năm.
Ngoài ra, thông qua chiến lược M&A, các tập đoàn nước ngoài có thể “bắt tay” với ngân hàng nội địa, nếu ngân hàng còn nắm một tỷ lệ sở hữu hoặc hợp tác chiến lược, từ đó khai thác hệ sinh thái khách hàng của chính các ngân hàng, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động. Mục tiêu của các tổ chức nước ngoài là đầu tư dài hạn, khi họ nhìn thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng.
Về phần mình, các ngân hàng trong nước lại liên tục thoái vốn khỏi các công ty tài chính, thứ nhất là muốn tập trung nguồn lực vào mảng ngân hàng cốt lõi. Việc thẩm định, quản lý rủi ro cho vay tiêu dùng với các khách hàng cá nhân nhỏ lẻ không có tài sản bảo đảm đòi hỏi hệ thống chấm điểm tín dụng hiện đại, trong khi việc thu hồi nợ, quản lý nợ xấu phức tạp. Một số ngân hàng có thể đã nhận thấy chưa đủ chuyên môn hoặc chưa muốn dành tài nguyên để phát triển mạnh mảng này.
Thay vào đó, các định chế tài chính nước ngoài lại có lợi thế hơn, từ những ưu thế về nguồn vốn rẻ, các công nghệ vượt trội như sử dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo để chấm điểm tín dụng (AI scoring) cho đến quản trị rủi ro, cũng như kinh nghiệm đã triển khai ở nhiều thị trường. Các tập đoàn này tin rằng có thể gia tăng hiệu quả hoạt động, giảm nợ xấu, phát triển sản phẩm mới ở lĩnh vực tài chính tiêu dùng, do đó vẫn nhìn thấy mức sinh lời tốt trong trung và dài hạn.
Thị trường ngày càng cạnh tranh quyết liệt với sự tham gia của nhiều công ty tài chính, công nghệ tài chính, ví điện tử..., đòi hỏi tính chuyên môn hóa cao mới mang lại lợi thế. Theo đó, bên nào có công nghệ, quản trị, dữ liệu khách hàng tốt sẽ có ưu thế giành lấy thị phần. Ngoài ra, với mặt bằng lãi suất có thể sẽ giảm dần, biên lợi nhuận sẽ thu hẹp nếu không quản lý rủi ro tốt. Do vậy, điều này không đồng nghĩa với hết dư địa mà là “cuộc chơi” đòi hỏi các bên phải có được nguồn lực lớn và chuyên nghiệp hóa.
Thứ hai, việc bán công ty tài chính hoặc bán bớt cổ phần cũng giúp ngân hàng tăng vốn, ghi nhận lợi nhuận đột biến từ các thương vụ M&A. Đặc biệt, trong bối cảnh các ngân hàng cần củng cố tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tuân thủ tiêu chuẩn Basel II và sắp tới là Basel III, trong khi mỗi công ty tài chính con là một thực thể đòi hỏi cấp vốn riêng và chịu sự giám sát của NHNN, nên thoái vốn tại các công ty tài chính có thể giúp cải thiện hệ số CAR của ngân hàng, hoặc giảm áp lực huy động vốn bổ sung.
Thứ ba, việc quản trị công ty tài chính tiêu dùng riêng biệt cũng phát sinh nhiều chi phí vận hành. Ngân hàng đôi khi đánh giá hiệu quả đầu tư của công ty tài chính không còn tốt như kỳ vọng ban đầu hoặc thị phần khó mở rộng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các “tay chơi” lâu năm. Thay vào đó, nếu để đối tác nước ngoài “mua đứt” hoặc tham gia sở hữu, ngân hàng cũng có cơ hội hợp tác sâu trong nhiều dịch vụ và nhận chuyển giao công nghệ, quản trị rủi ro tốt hơn.
Vì vậy, các thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian qua không phản ánh sự “cạn kiệt” dư địa phát triển, mà đơn thuần là sự tái cấu trúc thị trường, nơi các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng “xuống tiền”, còn các ngân hàng trong nước muốn tập trung và tối ưu hóa chiến lược kinh doanh hơn.