'Miền xa thẳm' - Lời tri ân sâu sắc tới các anh hùng liệt sĩ

Tối 30/7, tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt mang tên 'Miền xa thẳm' - kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024). Chương trình nhằm tri ân và tưởng nhớ công lao to lớn của các chiến sĩ đã hy sinh xương máu, viết nên những trang sử hào hùng cho dân tộc.

Điểm đặc biệt của “Miền xa thẳm” là ngoài Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, chương trình còn kết nối với 5 điểm cầu trên khắp cả nước: Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ điểm cao 468 (Thanh Thủy, Hà Giang), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).

Đây đều là những nơi linh thiêng, ghi dấu những hy sinh cao cả của các Anh hùng Liệt sĩ. Việc lựa chọn những địa điểm này nhằm tạo ra một không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp khán giả cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của sự hy sinh và lòng biết ơn đối với những người đã ngã xuống.

Đại biểu tham dự chương trình.

Đại biểu tham dự chương trình.

Biểu tượng của chương trình được lấy cảm hứng từ tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đặt tại vườn hoa Vạn Xuân, Hà Nội. Hình ảnh một người phụ nữ mặc áo dài, cầm kiếm và một chiến sĩ cảm tử quân ôm bom ba càng tượng trưng cho tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Chia sẻ về lý do chọn hình tượng này, nhà báo Ngô Thanh - Tổng đạo diễn chương trình “Miền xa thẳm” cho biết: “Tượng đài này không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một biểu tượng mạnh mẽ về tinh thần yêu nước, về sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh. Dải cờ đỏ phía sau tượng đài như một lời nhắc nhở về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, đồng thời tượng trưng cho dòng máu nóng của các anh đã xả thân vì nước.

Chúng tôi mong muốn thông qua hình ảnh này, truyền tải đến khán giả thông điệp về lòng biết ơn sâu sắc đối với các Anh hùng Liệt sĩ, đồng thời khơi dậy ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trong mỗi người hôm nay”.

Ban Tổ chức tặng hoa cho dàn nghệ sĩ tham gia chương trình.

Ban Tổ chức tặng hoa cho dàn nghệ sĩ tham gia chương trình.

Nếu như “Màu hoa đỏ” là khúc ca chung dành cho các Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, thì “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn lại là một bài ca dành riêng cho nữ Anh hùng trẻ tuổi Võ Thị Sáu. Dù tuổi đời còn rất trẻ, chị đã chọn con đường cách mạng đầy gian nan, hy sinh. Hình ảnh “Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven đường/Cài lên mái tóc rối tung/Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê…” đã khắc sâu vào lòng người nghe.

Hình ảnh hai người lính giải phóng đứng thẳng, tay súng hướng về phía trước, đã trở thành biểu tượng cho ý chí quyết tâm và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Nhà thơ Lê Anh Xuân đã khắc họa chân thực tượng đài bất tử đó qua bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”, cũng là tác phẩm cuối cùng của đời mình. Nguyên mẫu của hai người lính trong bài thơ là những con người bình dị nhưng mang trong mình một tinh thần yêu nước cao cả. Đó là Chính trị viên phó Đại đội 1 Nguyễn Công Mẹo, người con quê hương Triệu Sơn (Thanh Hóa) và một đồng đội chưa rõ tên đã cùng nhau chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, để lại hình ảnh bất tử về một thế hệ thanh niên Việt Nam anh hùng.

Điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).

Điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).

Bên cạnh những ca khúc đã đi cùng năm tháng, trong chương trình “Miền xa thẳm”, khán giả được thưởng thức hai ca khúc đặc biệt là “Hát Giang Trường Hận” và “Bóng chiều Tây Nam”.

Chương trình “Miền xa thẳm” là lần đầu tiên bản gốc của ca khúc “Hát Giang Trường Hận” - tiền thân của bản “Hồn tử sĩ” nổi tiếng - được trình diễn trên sân khấu với tư cách một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Điều này đã mang đến một góc nhìn mới, đầy bất ngờ cho khán giả. Hoàn cảnh sáng tác khá đặc biệt của ca khúc gắn liền với những năm tháng tăm tối của đất nước, khi mà dân tộc vẫn chìm trong cảnh vong nô, mất nước.

Việc được nghe lại bản gốc “Hát Giang Trường Hận” trong một không gian âm nhạc hiện đại, với bản phối khí mới mẻ, đầy bi tráng giúp khán giả cảm nhận chiều sâu và ý nghĩa của tác phẩm âm nhạc vốn rất quen thuộc này.

NSND Tấn Minh tham gia chương trình.

NSND Tấn Minh tham gia chương trình.

Còn với ca khúc “Bóng chiều Tây Nam”, đây là một tác phẩm được nhạc sĩ Trương Quý Hải gửi gắm rất nhiều cảm xúc. Khác với những ca khúc trước đây thường gắn liền với hình ảnh những người lính bảo vệ biên giới phía Bắc, “Bóng chiều Tây Nam” hướng về những chiến sĩ tình nguyện đã hy sinh tại chiến trường Campuchia. Đây là một chủ đề ý nghĩa, nhưng ít được khai thác trong âm nhạc Việt Nam. Ca khúc như một lời gọi thiết tha, mong muốn đưa linh hồn các anh trở về với đất mẹ. Hình ảnh “bóng chiều Tây Nam” gợi lên nỗi nhớ quê hương da diết. Thông qua ngôn ngữ âm nhạc, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã thể hiện tình cảm đặc biệt của mình với những người con ưu tú của đất nước đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Ngoài các bài hát, chương trình còn có các tuyến phóng sự và tiểu phẩm kể về những câu chuyện hy sinh của các Anh hùng Liệt sĩ. Đó là ca mổ đau đớn nhất trong đời người của bác sĩ Vũ Đình Tụng (Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh đầu tiên). Đó là “Vụ hành quyết Sài Gòn” (Nhân vật chính Bảy Lớp trong bức ảnh gây chấn động thế giới mang tên “Vụ hành quyết Sài Gòn”). Tiểu phẩm Bức tâm thư gửi cho hậu thế cũng sẽ là điểm nhấn có thể lấy nước mắt của người xem thông qua câu chuyện cảm động về bức thư được tìm thấy sau chiến tranh giữa rừng già Nam Bộ.

Là ca sĩ chuyên thể hiện dòng nhạc quê hương đất nước và cách mạng, NSƯT Vũ Thắng Lợi bày tỏ niềm xúc động và vinh dự khi tham gia chương trình “Miền xa thẳm”: “Tháng 7 năm nay có ý nghĩa đặc biệt hơn. Sự linh thiêng của tháng 7 càng thêm sâu sắc hơn, đặc biệt với mỗi nghệ sĩ khi cất cao lời ca tiếng hát của mình, để tôn vinh sự hy sinh cao cả của những anh hùng dân tộc”.

Chương trình “Miền xa thẳm” là một lời tri ân chân thành tới các anh hùng liệt sĩ, và là một dịp để chúng ta cùng nhau nhắc nhớ và ghi ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Thông qua chương trình, mỗi người sẽ ý thức được trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, tri ân và nhớ ơn những người đã hy sinh để đất nước có được hòa bình và độc lập như ngày hôm nay.

Chương trình “Miền xa thẳm” do nhà báo Ngô Thanh - Giám đốc Trung tâm các chương trình giải trí của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội làm Tổng đạo diễn và tác giả kịch bản, được phối khí, dàn dựng công phu bởi Giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Thành Vương cùng phần biểu diễn của Dàn nhạc thính phòng Thăng Long và nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong nước như: NSND Tấn Minh, NSND Mai Hoa, NSƯT Vũ Thắng Lợi, Đông Hùng, Bảo Yến, Viết Danh…

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/mien-xa-tham-loi-tri-an-sau-sac-toi-cac-anh-hung-liet-si-174471.html
Zalo