Miễn viện phí - cần nguồn lực tài chính bền vững

Miễn viện phí toàn dân là một bước tiến lớn về an sinh xã hội mang ý nghĩa tích cực lâu dài cho xã hội, giúp mọi người dân tiếp cận y tế, không lo gánh nặng tài chính. Để hiện thực hóa mục tiêu này cần có những giải pháp cụ thể, lộ trình rõ ràng cùng sự chung tay, đồng thuận của xã hội, đặc biệt là sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, nguồn tài chính bền vững, mới có thể duy trì chất lượng dịch vụ y tế toàn dân.

Tài chính - yếu tố then chốt

Mới đây, chủ trương miễn viện phí toàn dân do Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo nhận được sự đồng thuận của xã hội. Theo các chuyên gia y tế, việc triển khai bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, thuế từ các mặt hàng có hại cho sức khỏe cùng những phương án tài chính mới sẽ giải được bài toán ngân sách khi miễn viện phí.

Để tiến tới thực hiện miễn viện phí cho người dân, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho rằng, nguồn lực tài chính là yếu tố then chốt với 3 trụ cột chính là BHYT, ngân sách Nhà nước và xã hội hóa. Trong đó, BHYT là công cụ then chốt giúp hiện thực hóa chính sách chăm sóc sức khỏe công bằng và bền vững. Việt Nam cần tiến tới BHYT toàn dân, không chỉ ở phạm vi bao phủ mà còn ở tính toàn diện trong quyền lợi và đa dạng hình thức tham gia để đảm bảo người dân tiếp cận dịch vụ y tế không gặp rào cản tài chính.

Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Hải Linh

Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Hải Linh

Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước sẽ là cơ sở để đảm bảo y tế cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng như đầu tư cho các lĩnh vực y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao. PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng đề nghị cân nhắc đưa các phương án tài chính mới với sự tham gia của xã hội, DN vào khung pháp lý rõ ràng để bổ sung nguồn ngân sách cho chăm sóc sức khỏe toàn dân. Những bài học thành công từ các quốc gia phát triển cho thấy, vai trò quan trọng của DN, nhà hảo tâm và các quỹ an sinh trong việc duy trì, phát triển BV phi lợi nhuận. Muốn làm được điều này, cần có cơ chế phù hợp để khuyến khích các thành phần xã hội chung tay chăm sóc sức khỏe người dân. Nếu huy động hiệu quả cả 3 nguồn lực, kết hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự quyết tâm của toàn xã hội, miễn viện phí toàn dân hoàn toàn khả thi trong tương lai gần.

PGS.TS Phạm Ngọc Đông - Giám đốc BV Mắt T.Ư đặt vấn đề, nên chăng chuyển sang đóng BHYT theo thu nhập thay vì theo lương cơ bản. Nếu điều chỉnh tỷ lệ đóng BHYT theo phần trăm thu nhập, quỹ bảo hiểm sẽ có nguồn lực mạnh hơn, mở rộng khả năng chi trả cho người bệnh. Cùng đó, việc sửa đổi Luật BHYT cần đặc biệt lưu ý tới cách thức đóng phí cũng như phát triển các loại hình bảo hiểm bổ sung phù hợp thực tiễn.

Chủ trương miễn viện phí cho toàn dân không phải là để người bệnh đổ xô lên tuyến trên KCB gây quá tải không cần thiết, mà tiếp tục theo hướng đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay từ cơ sở. Giai đoạn này chúng ta sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tiến tới không còn cấp quận, huyện. Đây là cơ hội để tập trung nguồn lực và tổ chức lại hệ thống y tế cơ sở sao cho gần dân nhất thì dân mới được chăm sóc.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai

Bàn luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, Nhà nước cần phải hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh (KCB) thông qua BHYT, bù vào phần chi thêm cho ngành y tế làm việc; tổ chức tốt hệ thống KCB, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phân nhóm đối tượng, ưu tiên áp dụng chính sách miễn viện phí cho những người đang mắc bệnh hiểm nghèo, điều trị lâu dài, chi phí cao; người nghèo, cán bộ cách mạng lão thành, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công, cán bộ hưu trí, người cao tuổi, người dân vùng sâu, vùng xa, trẻ em dưới 6 tuổi... Sau đó, chính sách mở rộng dần đối tượng, tránh gây áp lực đột ngột lên ngân sách quốc gia.

Từng bước hiện thực hóa

Đề cập đến yếu tố nguồn lực tài chính, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng cần huy động từ ngân sách Nhà nước, xã hội hóa; có nhiều lựa chọn khác nhau để tài trợ cho việc này, bao gồm cả việc dành riêng doanh thu từ thuế thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường. Một số nước đã dùng doanh thu từ các mặt hàng này để bù đắp ngân sách chi cho y tế. Đơn cử như ở Thái Lan, 2% thuế rượu và thuốc lá tạo quỹ hơn 120 triệu USD/năm để chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Philippines dành đến 85% thuế thuốc lá cho y tế. Theo Bộ Y tế, dự kiến thời gian tới đây, nhiều mặt hàng có hại cho sức khỏe (rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường) sẽ phải áp mức thuế cao hơn (thuế tiêu thụ đặc biệt) để vừa giảm những yếu tố gây hại cho sức khỏe và có nguồn lực tái đầu tư cho các hoạt động an sinh xã hội, trong đó có y tế.

Nguồn lực này được kỳ vọng sẽ bổ sung đáng kể cho Quỹ BHYT và các chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần giảm gánh nặng chi tiêu từ ngân sách Nhà nước và chính người dân. Thạc sĩ Hoàng Trung Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, với mức đóng hiện nay, quỹ BHYT vẫn giữ trạng thái cân đối. Tuy nhiên, khi mở rộng quyền lợi, tăng mức hưởng, điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng “tính đúng, tính đủ”, sẽ phải nghiên cứu sửa đổi Luật BHYT, tái cơ cấu mức đóng linh hoạt theo nhóm đối tượng, bảo đảm khả năng chi trả của người dân và ngân sách Nhà nước.

Còn theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, để từng bước hiện thực hóa hai chủ trương lớn là khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho người dân ít nhất mỗi năm một lần và miễn viện phí toàn dân, ngành y tế xác định lộ trình 2026 - 2030 và 2031 - 2035 sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, từ 2026 - 2030, ngành y tế đặt mục tiêu 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT lên 100%, bảo đảm 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ hàng năm; đồng thời phát triển hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý trọn đời.

Tỷ lệ chi trả trực tiếp từ người dân cho dịch vụ y tế sẽ giảm xuống dưới 20%; đồng chi trả trong KCB BHYT sẽ giảm dưới 10%. Giai đoạn từ 2031 - 2035, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, từng bước triển khai chính sách miễn phí chăm sóc sức khỏe toàn dân. Mục tiêu đến năm 2045 là người dân không còn phải thanh toán thêm khi sử dụng dịch vụ KCB BHYT, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về bảo đảm an sinh y tế.

Theo tính toán của Bộ Y tế, với 100 triệu dân và chi phí trung bình 250.000 đồng/lần khám, ngân sách cần thiết để bảo đảm mỗi người được khám ít nhất một lần mỗi năm là 25.000 tỷ đồng. Niên giám y tế Việt Nam năm 2020 cũng ghi nhận chi ngân sách Nhà nước cho y tế là 124.700 tỷ đồng. Nguồn thu khác cho y tế là từ viện phí, BHYT, hoạt động dịch vụ... ước khoảng 147.540 tỷ đồng, trong đó BHYT khoảng 100.000 tỷ.

Như vậy, tổng chi cho y tế năm 2020 là 272.240 tỷ đồng. “Đến hết năm 2023, quỹ BHYT kết dư 40.000 tỷ đồng, dự kiến năm nay tăng thêm. Hiện ngành y tế đang định hướng sửa đổi Luật BHYT để cụ thể một số nội dung tiến tới KCB miễn phí cho người dân. Dự kiến, thời gian tới sẽ sửa toàn bộ Luật BHYT, trong đó có nhiều nội dung tập trung KCB cho người dân, đặc biệt là KCB để sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh nguy hiểm” - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu rõ.

Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam đạt 94,2% dân số. Luật BHYT sửa đổi năm 2024 đã mang lại một số cải thiện, song những thay đổi này vẫn chưa đủ toàn diện để tạo đột phá. Việc tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, nhất là bệnh nhân nghèo hoặc mắc bệnh nặng, còn hạn chế do phạm vi chi trả của BHYT đối với thuốc, vật tư, kỹ thuật tiên tiến và nguồn thu cho quỹ còn eo hẹp.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mien-vien-phi-can-nguon-luc-tai-chinh-ben-vung.711021.html
Zalo