Miền Trung đang ngập lụt lại chuẩn bị hứng chịu bão số 6
Bão số 6 sẽ đi vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định với sức gió cấp 8, giật cấp 10. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây ra đợt mưa lớn 500-700 mm cho các tỉnh Trung Trung Bộ.
Rạng sáng 11/10, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh thành bão số 6. Ảnh hưởng của bão, đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Trong khi đó, mưa lớn 100-150 mm cũng xuất hiện tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi trong đêm qua.
Lúc 4h, tâm bão cách Quảng Nam khoảng 240 km, cách Quảng Ngãi 180 km, cách Bình Định 170 km. Sức gió mạnh nhất cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Trước đó, chiều 10/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin chi tiết hơn về áp thấp nhiệt đới đang hướng về miền Trung, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, chiều 10/10, áp thấp nhiệt đới ở cách đất liền các tỉnh Quảng Nam – Bình Định khoảng 450 - 550km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60km/giờ), giật cấp 9. Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong 12h tới, hướng về khu vực các tỉnh Quảng Nam – Bình Định.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão kết hợp với gió mùa đông bắc, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 3,0-5,0m; biển động rất mạnh
Áp thấp nhiệt đới/bão kết hợp với gió mùa đông bắc, địa hình chắn gió của khu vực Trung Bộ sẽ gây ra một đợt mưa rất to cho các tỉnh Trung Bộ.
Đáng chú ý, ông Hoàng Phúc Lâm nhận định, khoảng ngày 12 - 13/10 có khả năng lại hình thành một cơn áp thấp nhiệt đới ở khu vực giữa biển Đông khả năng mạnh lên thành bão. Đến ngày 14,15/10 lại có một đợt không khí lạnh mới ảnh hưởng Trung Bộ và vùng áp thấp chưa hình thành nói trên chịu chi phối mạnh từ đợt không khí lạnh này.
Đến ngày 16,17/10 có thể lại có một cơn áp thấp nhiệt đới/bão mới có vị trí hình thành thấp hơn ở phía Nam biển Đông, nhiều khả năng đi vào Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ; kết hợp với đợt không khí lạnh tiếp theo (dự báo khoảng ngày 18/10) dồn xuống phía Nam gây mưa kéo dài.
Ông Lâm nhấn mạnh việc mưa lớn kéo dài kết hợp với gió mạnh do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, bão, cộng với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; các tỉnh Trung Bộ cần nâng mức độ rủi ro lên rất cao.
"Như vậy chỉ trong vòng 10 ngày tới sẽ có khoảng 3 cơn áp thấp nhiệt đới/bão, kèm 2 đợt không khí lạnh liên tiếp xảy ra. Đặc trưng ở miền Trung mưa to xảy ra khi có xoáy thuận nhiệt đới kết hợp không khí lạnh. Mưa lớn ở miền Trung trong 10 ngày tới không có dấu hiệu chấm dứt. Hơn nữa như những dự báo trước đó, tháng 10 – 11/2020 mưa lũ sẽ xuất hiện dồn dập đặc biệt ở miền Trung" - ông Lâm phân tích.
Với diễn biến cực đoan như vậy, ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh – Quảng Nam đang ở mức cao, nhiều sông đang trên báo động 3. Tình hình lũ trong những ngày tới ở miền Trung đang ở mức rất phức tạp. Không loại trừ khả năng khu vực từ Hà Tĩnh – Quảng Ngãi sẽ xuất hiện lũ chồng lũ, và mức nước lũ đợt này nhiều với có thể vượt lũ lịch sử.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây với vận tốc 20 km/h và đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định.
16h ngày 11/10, tâm bão số 6 nằm ngay trên đất liền với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. Sau đó, bão giữ hướng đi và vận tốc, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, rồi thành một vùng áp thấp.