Miễn trách nhiệm đối với cán bộ, công chức dám làm, dám chịu trách nhiệm

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi. Trong đó chính thức 'luật hóa' bảo vệ đối với cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Khi được bảo vệ, cán bộ, công chức sẽ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ảnh: Quang Vinh.

Khi được bảo vệ, cán bộ, công chức sẽ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ảnh: Quang Vinh.

3 trường hợp miễn trách nhiệm xử lý kỷ luật

Cùng với dự thảo Luật Chính quyền địa phương sửa đổi, thì dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi là 2 trong rất nhiều luật liên quan phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Bộ Nội vụ quy định: Cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm trong xử lý kỷ luật với 3 trường hợp gồm: Phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành; hành vi được cơ quan có thẩm quyền xác định là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; do bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh miễn trách nhiệm, dự thảo cũng đưa ra các hình thức kỷ luật đối với cán bộ. Theo đó, cán bộ vi phạm quy định của dự thảo luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm; xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm. Riêng việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ.

Đối với công chức, dự thảo cũng đưa ra 5 hình thức kỷ luật theo tính chất, mức độ vi phạm, gồm: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức; buộc thôi việc; xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm.

Về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật, dự thảo quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức được quy định là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Bảo vệ, “giữ chân” cán bộ

Vào năm 2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Sau đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 193/2025/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Trong đó quy định: “Tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”.

Tuy nhiên, tất cả các quy định trên mới dừng ở việc quy định trong các Kết luận, Nghị quyết, Nghị định chứ chưa được “luật hóa”. Liên quan đến vấn đề trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, cán bộ, công chức trong quá trình làm việc có thể xảy ra những rủi ro. Bây giờ xét thấy nếu cán bộ, công chức làm vì lợi ích chung nhưng trong quá trình làm có những rủi ro, không thành công thì cần ghi nhận, miễn xử lý trách nhiệm. “Không phải cái gì đổi mới, dám nghĩ, dám làm cũng đều thành công cả. Nhưng trong quá trình đổi mới do yếu tố khách quan nên có những rủi ro phải được động viên. Chứ nếu xử lý trách nhiệm thì người ta sẽ không dám đổi mới, không dám làm nữa” - ông Dĩnh nói và nhìn nhận khi được “luật hóa”, cán bộ, công chức sẽ càng tự tin hơn, được pháp luật bảo vệ, là sự thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nhất là tới đây chính quyền địa phương chỉ có 2 cấp. Việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung cũng sẽ góp phần “giữ chân” và “thu hút” người tài ở khu vực công.

Ông Phạm Trường Dân- nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam nói rằng, trong cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy lần này chúng ta hướng đến lựa chọn những cán bộ tốt, có chất lượng. Những cán bộ, công chức được “giữ lại” phải có trách nhiệm dám làm, dám đổi mới vì đất nước, vì nhân dân.

Theo ông Dân, việc miễn xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung chính là cơ chế vừa là thu hút, vừa là biện pháp bảo vệ đối với cán bộ. Nhưng trước khi “bảo vệ” thì cần quan tâm đến việc “lựa chọn”. Đó là những cán bộ, công chức đó phải là người dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, và nhân dân. Trong đó, cần công tâm, minh bạch, khách quan trong “lựa chọn” cán bộ.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mien-trach-nhiem-doi-voi-can-bo-cong-chuc-dam-lam-dam-chiu-trach-nhiem-10303562.html
Zalo