Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, lương chuyên gia 5 năm để kích thích khởi nghiệp
Tham gia thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân chiều 15/5, nhiều đại biểu quan tâm đến chính sách miễn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp.
Cần chính sách thuế đủ hấp dẫn
Góp ý tại tổ, ĐBQH Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm kế tiếp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo không gian tài chính đủ dài cho nhóm này.

ĐBQH Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) phát biểu thảo luận. Ảnh: Media Quốc hội.
Theo đại biểu, việc chỉ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo Nghị quyết quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Điều đó chưa tạo động lực đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp tích lũy nội lực, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông cho biết, đặc thù của nhóm doanh nghiệp này là phải đầu tư lớn và kéo dài cho các hoạt động như nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ lõi, tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Đồng thời phải liên tục điều chỉnh để thích nghi với biến động thị trường.
Trong suốt quá trình đó, họ phải chấp nhận nguy cơ thua lỗ cao và kéo dài, thậm chí không có lãi trong 5-7 năm đầu.
Vì vậy, chính sách thuế cần được thiết kế theo hướng thực sự đồng hành với doanh nghiệp trong suốt giai đoạn hình thành và tích lũy nội lực ban đầu, thay vì dừng lại ở hỗ trợ ngắn hạn.
"Việc kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ tạo dư địa tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Đây chính là một giải pháp thiết thực để Nhà nước thể hiện vai trò kiến tạo, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lực lượng tiên phong góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững", ông nói.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bởi đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tạo ra giá trị công nghệ, đổi mới sáng tạo và đưa sản phẩm ra thị trường.
"Thực tiễn cho thấy, nhiều quốc gia có chính sách cạnh tranh rất mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Đơn cử như Thái Lan miễn thuế thu nhập cá nhân tới 10 năm cho nhà đầu tư và chuyên gia làm việc trong 10 lĩnh vực công nghệ - sáng tạo chiến lược.
Nếu chúng ta không có chính sách đủ hấp dẫn, cạnh tranh sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút nhân tài và khó tạo được đột phá về công nghệ", đại biểu nhìn nhận.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Media Quốc hội.
Trong khi đó, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) lưu ý, cần lường trước việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 3 năm đầu kể từ khi cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp lần đầu tại dự thảo sẽ dẫn đến tình huống doanh nghiệp thành lập hết 3 năm hưởng miễn thuế, đến năm thứ 4 thì giải thể, đăng ký doanh nghiệp mới để tiếp tục hưởng ưu đãi.
Điều này không tạo ra được doanh nghiệp hoạt động ổn định. Vì thế chỉ nên miễn thuế năm đầu tiên và giảm 50% thuế cho những năm sau.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tham gia thảo luận tổ. Ảnh: Media Quốc hội.
Không khoán thuế để tạo công bằng, minh bạch
Quan tâm đến quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1/7/2026, theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), khi triển khai sẽ giúp tăng cường công bằng, hiệu quả và minh bạch trong việc nộp thuế.
Tuy nhiên, đại biểu lo ngại việc triển khai sẽ gặp một số vướng mắc do yêu cầu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải thực hiện các thủ tục phức tạp để nộp thuế, phải có kế toán, sổ sách theo dõi; phải có kiến thức và kỹ năng tối thiểu để thực hiện các thủ tục kê khai, nộp thuế hàng tháng.
Từ đó, đại biểu cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ, cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch về quy định và thủ tục nộp thuế, giúp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hiểu và dễ dàng thực hiện.
Về nội dung này, tham gia thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, quy định này không gây gánh nặng thêm cho các hộ kinh doanh mà đảm bảo hoạt động kinh doanh minh bạch hơn.
Bộ trưởng cho biết, vừa qua, cùng với bỏ thuế khoán, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin, toàn bộ hoạt động bán hàng, xuất hóa đơn đều phải thông qua máy tính tiền.
"Chỉ thời gian ngắn thí điểm, vấn đề thu thuế tăng đáng kể", ông Thắng nói và nhấn mạnh đây cũng là biện pháp để minh bạch hóa hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, sẽ có ưu đãi cho các hộ kinh doanh khi chuyển sang thành lập doanh nghiệp từ hỗ trợ kinh phí xây dựng, thuê mua các nền tảng số, hỗ trợ đào tạo.
Mặt khác, tiếp tục rà soát sửa đổi quy định để tất cả các nội dung liên quan đến hạch toán, kế toán của doanh nghiệp sẽ được đơn giản hóa, không gây khó khăn cho các hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành doanh nghiệp.
"Khi trở thành doanh nghiệp, sẽ được hưởng nhiều ưu đãi trong đó có ưu đãi thuế, đặc biệt là miễn thuế thu nhập", ông Thắng nhấn mạnh.