Miền núi Khánh Hòa: Nông thôn khởi sắc sau 50 năm giải phóng

Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là hai huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, đa số dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế - xã hội thấp hơn so với các địa phương trong tỉnh.

Hai huyện này cũng thuộc danh sách 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025, được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025. Tháng 2/2025, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công bố 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát nghèo. Đây là kết quả, thành tích lớn của toàn hệ thống chính trị tỉnh Khánh Hòa sau chặng đường dài nỗ lực. Việc thoát khỏi danh sách huyện nghèo ở hai địa phương mới chỉ là bước đầu và cần tập trung nhiều tiềm lực trong thời gian tới để nơi đây tiếp tục phát triển.

Nhân kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước, phóng viên TTXVN tại Khánh Hòa thực hiện 2 bài viết, nhìn lại quá trình thoát nghèo, tiềm năng và hướng phát triển của hai huyện vùng cao Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

Huyện miền núi Khánh Vĩnh xác định phát triển thành đô thị tiểu sinh thái núi rừng.

Huyện miền núi Khánh Vĩnh xác định phát triển thành đô thị tiểu sinh thái núi rừng.

Bài 1: Diện mạo nông thôn khởi sắc sau 50 năm giải phóng

Không còn là huyện nghèo, giờ đây đời sống người dân hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa đã đổi thay. Hệ thống giao thông thuận tiện, sản xuất được chú trọng đầu tư, thu nhập của người dân cao hơn... đã tạo nên diện mạo vùng nông thôn miền núi khởi sắc. Đây là những kết quả đáng ghi nhận sau 50 năm giải phóng, thống nhất đất nước.

Vươn lên thoát nghèo

Trước năm 2024, gia đình anh Cao Quốc Kiều, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn vẫn còn là hộ nghèo, nguồn thu nhập là từ đi làm thuê thời vụ. Còn nay, khi vườn sầu riêng trên mảnh đất đồi đã cho quả “ngọt”, gia đình anh Kiều có nguồn thu nhập ổn định hơn.

Anh Kiều cho biết, cuối năm 2024, theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, gia đình anh được hỗ trợ 30 triệu đồng. Hai vợ chồng góp thêm 20 triệu đồng sửa chữa lại căn nhà. Có nhà khang trang, hai con của anh Kiều cũng vui mừng vì có chỗ ngủ và học tập riêng. Nơi ở ổn định đã giúp anh có động lực làm ăn, vươn lên thành hộ gia đình có điều kiện tốt.

Ông Phan Trường Nam, Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho biết, gia đình anh Cao Quốc Kiều cùng các hộ gia đình vừa thoát nghèo tại xã vẫn được quan tâm hỗ trợ các chính sách để làm ăn, phát triển kinh kế, thoát nghèo bền vững. Nếu như đầu năm 2021, xã Sơn Trung có 355 hộ nghèo, 175 hộ cận nghèo; đến cuối năm 2024, xã chỉ còn 58 hộ nghèo, 48 hộ cận nghèo. Có được kết quả ấy là nhờ các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của các cấp và sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân. Hộ nghèo, cận nghèo của xã hiện còn khoảng 6%.

“Xã Sơn Trung tiếp tục thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2026 -2030. Các cấp chính quyền, đoàn thể của xã quan tâm hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được kết nối việc làm thành công, hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp theo nhu cầu”, ông Phan Trường Nam nói.

Còn tại xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh, tiếp giáp trung tâm thị trấn Khánh Vĩnh, nằm trên trục đường 27C nối Khánh Hòa với Lâm Đồng, phần đông người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo, cận nghèo ở đây vẫn cao. Để thực hiện giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025, xã chú trọng kết hợp chương trình miền núi và giảm nghèo, trong đó tập trung phát triển sinh kế chăn nuôi bò, dê và xóa nhà tạm, đạt nhiều kết quả nổi bật. Trước kia, toàn xã có tổng số đàn bò 250 con, nay đã tăng lên 350 con. Nhờ các nguồn lực xã hội hóa, từ năm 2023 đến nay, xã đã hỗ trợ 101 căn nhà mới, sửa chữa 72 căn.

Bà Cao Thị Ngọc Thúy, Chủ tịch UBND xã Cầu Bà cho biết, để thực hiện công tác giảm nghèo, xã đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái, nâng cao tác phong làm việc cho người lao động. Ngoài các giải pháp cho “con cá”, xã thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức để mỗi người dân biết cách làm ăn, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình; phấn đấu đến cuối năm 2025, xã còn 11% hộ nghèo.

Vận dụng linh hoạt các chương trình, chính sách

Những già làng, trưởng bản vùng cao Khánh Sơn đan lát phục vụ hoạt động du lịch của địa phương.

Những già làng, trưởng bản vùng cao Khánh Sơn đan lát phục vụ hoạt động du lịch của địa phương.

Khánh Hòa đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách như: Nghị quyết 17/2022/NQ-HĐND (Nghị quyết 17) của HĐND tỉnh về việc cho phép các huyện, thị xã, thành phố sử dụng ngân sách và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, vận dụng cơ chế chính sách đặc thù trong Nghị quyết 17, tỉnh đã sử dụng trên 150 tỷ đồng từ ngân sách các địa phương khác dành cho hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh xây dựng hạ tầng. Việc xóa nhà tạm được hưởng lợi từ ngân sách của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững và chính sách cơ chế đặc thù. Ngoài ra, Nghị quyết 17 kéo dài đến năm 2027, là tiền đề quan trọng trong việc sử dụng ngân sách đặc thù để giúp người dân phát triển ổn định sau khi thoát nghèo, giảm tình trạng tái nghèo.

Cùng đó, việc xây dựng Khu công nghiệp Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh là một hướng đi đúng, bền vững của tỉnh dành cho vùng cao. Khu công nghiệp được đưa vào hoạt động năm 2022, kỳ vọng giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, Nhà máy Chế biến nguyên liệu Yến sào Sanvinest Khánh Hòa có khoảng 350 lao động, trong đó 10% là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo của huyện. Mức thu nhập bình quân của người lao động từ 8-11 triệu đồng/tháng. Vùng Khánh Sơn được kỳ vọng phát triển, xóa đói, giảm nghèo từ những vùng trồng sầu riêng có mã xuất khẩu chính ngạch, mở ra con đường xuất khẩu nông sản ra nước ngoài, tạo thế để người dân thi đua làm ăn, vươn lên làm giàu, tạo nên khởi sắc cho vùng nông thôn miền núi.

Ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo việc làm, an sinh xã hội, nhà ở và các mô hình sinh kế… Hơn 3 năm qua, hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh mỗi năm được đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn vốn Trung ương, địa phương, lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Hệ thống điện, đường, trường, trạm…, các tiểu dự án quan trọng đã được tập trung đầu tư, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất phát triển, đời sống người dân được nâng cao, giảm nghèo bền vững. Nổi bật là dự án đường nối liền hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và tỉnh Ninh Thuận. Mặt khác, công tác giảm nghèo cho người dân vùng núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh còn được tỉnh giao cho các sở, ngành, lực lượng vũ trang, đoàn thể, doanh nghiệp chung tay góp sức hỗ trợ, nhất là hỗ trợ xóa nhà tạm, sinh kế cho đồng bào và các hoạt động an sinh dịp Tết Nguyên đán.

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế và giảm nghèo tại hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh trong năm 2024 cho thấy sự cải thiện rõ rệt về thu nhập và chất lượng sống của người dân, trong đó các chương trình hỗ trợ về sinh kế, hạ tầng giao thông và xây dựng nhà ở đã đóng góp quan trọng. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người huyện Khánh Sơn đạt hơn 37 triệu đồng/người/năm, tăng 1,58 lần so với năm 2020. Huyện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo là người có công; không còn đảng viên thuộc hộ nghèo. Huyện Khánh Vĩnh cũng đã đạt thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 1,51 lần so với năm 2020. Sự cải thiện này là kết quả của việc đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ phát triển nông thôn.

Những con số ấn tượng trên đã góp phần giúp Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đủ điều kiện thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào tháng 2/2025. Làm nên dấu mốc lớn của tỉnh sau 50 thống nhất đất nước. Từ vùng núi cao thiếu đói mùa giáp hạt, núi đồi hoang sơ, đến nay hai huyện miền núi đã bước qua giai đoạn khó khăn, ổn định tình hình sản xuất.

Bài 2: Hướng đến phát triển bền vững

Bài và ảnh: Phan Sáu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/mien-nui-khanh-hoa-nong-thon-khoi-sac-sau-50-nam-giai-phong-20250401071126924.htm
Zalo