Miễn học phí nhưng nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu

Động thái miễn giảm học phí cho học sinh các cấp năm học 2023 - 2024 của Quảng Bình, như nhìn nhận của nhiều chuyên gia giáo dục, là việc làm mang tính nhân văn rất lớn, tuy nhiên, để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu.

Ngày 2/10, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVII đã thông qua Nghị quyết quy định về thu học phí năm học 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, không thu học phí học kỳ I năm học 2023 - 2024 đối với trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với trẻ em, học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển theo quyết định của cấp có thẩm quyền không thu học phí cả năm học 2023 - 2024. Đây là năm thứ hai liên tiếp Quảng Bình miễn học phí cho học sinh trên địa bàn.

Năm học 2023 – 2024, trước Quảng Bình, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đã thông báo miễn giảm học phí cho học sinh như TP. Cần Thơ, TP. Đà Nẵng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Kạn, TP. Hải Phòng. Cụ thể, TP. Hải Phòng dự chi hơn 400 tỷ đồng ngân sách địa phương để miễn học phí cho toàn bộ học sinh đang học tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn.

TP. Đà Nẵng cũng dự chi hơn gần 410 tỷ đồng để miễn học phí với trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên năm học 2023-2024. Trong đó, dành ra hơn 316 tỷ đồng miễn học phí cho học sinh khối các trường công lập và 92,2 tỷ đồng hỗ trợ học sinh ngoài công lập.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dự chi khoảng 327 tỷ đồng cho việc miễn học phí cho học sinh các cấp học. Trong đó, dành 190 tỷ đồng hỗ trợ giảm học phí cho trẻ 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở, riêng học sinh tiểu học được miễn theo luật.

Hà Nam dù không thực hiện miễn 100% học phí như các địa phương khác, nhưng cũng đã quyết định hỗ trợ một phần học phí cho học sinh các cấp trên địa bàn sau khi công bố mức học phí mới, mức hỗ trợ đúng bằng mức tăng học phí khi thực hiện.

Thực ra không phải đến năm học 2023 – 2024 mà từ các năm học trước đó, rải rác nhiều địa phương cũng đã thực hiện việc miễn học phí. Như năm học 2022-2023, cả nước có 7 tỉnh, thành phố thông báo miễn giảm học phí cho học sinh, gồm: Quảng Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bắc Kạn và Hải Phòng. Năm học trước đó 2021-2022, cũng có khoảng 10 tỉnh, thành miễn học phí cho học sinh. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương hồi tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.

Đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như chủ trương của nhiều địa phương về chuyện miễn học phí đã ngay lập tức đón nhận sự hoan nghênh, vui mừng từ báo chí, dư luận xã hội cũng như các chuyên gia giáo dục.

Phần đa các ý kiến đều cho rằng đây là chính sách đúng đắn, kịp thời, nhân văn. Như nhìn nhận của GS.TS Phạm Tất Dong, giáo dục không mất tiền là điều mà các nước trên thế giới đều coi là mục tiêu phải hướng tới, bởi giáo dục phổ thông là một phúc lợi xã hội cơ bản, nói lên quyền được học hành của con người. Học phí là một trong những loại rào cản làm mất đi cơ hội tiếp cận giáo dục của nhiều người, nhất là những người thuộc nhóm yếu thế, được xếp vào tầng thấp nhất của sự phân tầng xã hội theo mức giàu - nghèo. Nhiều quốc gia miễn học phí cho học sinh theo học không chỉ trường công, mà còn cả trường tư.

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Nhà nước ta không thu học phí; khi hết chiến tranh, đất nước còn khó khăn, Nhà nước cũng không thu học phí, vậy thì không có lý do gì, khi đất nước phát triển như bây giờ, việc thu học phí cấp học phổ cập lại duy trì”- GS.TS Phạm Tất Dong chia sẻ.

Tất nhiên, câu chuyện cần xây dựng lộ trình cụ thể hay nguồn lực cho việc thực hiện miễn học phí cũng là điều đáng bàn. Nói như TS. Nguyễn Viết Chức - Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa-Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Việc đầu tiên là đánh giá tác động, cân đối ngân sách, nếu không thu học phí thì chúng ta lấy nguồn nào bù vào để việc miễn học phí không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, ngân sách của các trường và đời sống của giáo viên. Sau khi đánh giá tác động, chúng ta mới có thể rà soát toàn bộ nguồn tài chính có bảo đảm hay không và cân đối giữa trường công và trường tư.

Rõ ràng, miễn học phí là chính sách an sinh xã hội thực sự nhân văn. Tuy nhiên, trong nỗ lực để mỗi học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “trường học hạnh phúc” của ngành giáo dục, miễn học phí mới chỉ là một lát cắt, còn có nhiều việc còn phải làm, làm gấp và làm quyết liệt, trong đó, chuyện lạm thu, thực tế đã thành “vấn nạn” nhiều năm qua, là một trong những việc dư luận xã hội đang đòi hỏi phải giải quyết một cách nhanh nhất, rốt ráo nhất. Về việc này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ từng nhấn mạnh, để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu.

Không phải vô cớ PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng như nhiều chuyên gia nhấn mạnh tới yêu cầu này. “Học phí ít, phụ thu thì nhiều” - không biết tự bao giờ đã là câu cửa miệng, thuộc nằm lòng của hầu hết các bậc phụ huynh. Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT quy định, cha mẹ học sinh không được quyên góp các khoản liên quan đến: bảo vệ cơ sở vật chất trường học; vệ sinh lớp, trường; khen thưởng giáo viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường lớp…

Tuy nhiên, trên thực tế, từ nhiều năm qua, mỗi một năm học mới đến là lúc phụ huynh lao đao, choáng váng, oằn vai “cõng” hàng chục danh mục phụ phí: tiền bán trú, bảo hiểm, quỹ cha mẹ học sinh, hiện đại hóa phòng ốc, hỗ trợ vệ sinh, tiền giấy thi, sử dụng tin nhắn, quỹ hội khuyến học, đồng phục học sinh, ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm… Với sự trợ giúp đắc lực và hết sức hiệu quả của các ban phụ huynh - nay được gọi mỉa mai là “ban phụ thu” - các loại phụ phí nhiều năm qua được đà biến tướng và trở thành nỗi ám ảnh với hầu hết các phụ huynh, nhất là những phụ huynh có thu nhập thấp, trung bình.

Nếu so với lương viên chức 5-6 triệu đồng/ tháng/ người thì hiện nay mỗi nhà có 1-2 con đi học, phải chi các khoản như: tiền sách giáo khoa, đồ dùng học tập, tài liệu đi kèm, quỹ lớp, học thêm, tiền ăn bán trú, tiền học buổi 2, học kỹ năng sống… như hiện nay là đang chi rất lớn và người dân khó lòng đáp ứng được” - chia sẻ của TS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư dường như đã làm rõ sự nan giải này của không ít gia đình có con theo học trường công.

Học phí ít, phụ thu thì nhiều” - câu nói đó dù chưa hẳn là chính xác bởi thực tế số tiền mấy trăm nghìn đóng học phí một năm học không đáng là bao so với một số gia đình nhưng lại cũng là khoản chi không hề nhỏ đối với nhiều gia đình nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Nhưng rõ ràng nếu như “học phí ít” mà việc miễn học phí nhận được sự tán đồng, hoan nghênh lớn đến thế của dư luận xã hội thì việc nếu giải quyết được triệt để nạn lạm thu “thu quá nhiều” chắc chắn sẽ còn tạo được hiệu ứng xã hội tích cực hơn gấp nhiều lần. Thế nên, sau nỗ lực miễn học phí phải là quyết tâm tận diệt nạn lạm thu, “hình thức tham nhũng trong giáo dục”, như ví von của GS. Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT. Và vì tham nhũng trong giáo dục thì ngành giáo dục sẽ phải lĩnh trách nhiệm đi đầu.

Chống lạm thu cũng như chống tham nhũng phải tuân thủ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, bắt đầu từ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, như “hiến kế” của GS. Phạm Minh Hạc: “Cần xử lý nghiêm hiệu trưởng để xảy ra lạm thu, không nể nang, theo đúng quy định của pháp luật”.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mien-hoc-phi-nhung-nhat-quyet-phai-ngan-chan-duoc-lam-thu-post267341.html
Zalo