'Miền Đông khúc ca tự hào' - Từ bản hùng ca lịch sử đến khát vọng phát triển tương lai

Hòa chung không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), một khúc ca vang lên từ miền Đông Nam bộ đang khiến trái tim nhiều người rung động. Đó là 'Miền Đông khúc ca tự hào', một tác phẩm âm nhạc mang đậm hơi thở lịch sử và khát vọng tương lai.

“Miền Đông khúc ca tự hào” là kết quả của sự kết hợp đầy cảm xúc giữa hai tâm hồn nghệ sĩ gắn bó sâu sắc với Petrovietnam: anh Châu Khiếu Minh - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nâng cao (Trường Đại học Dầu khí Việt Nam), người viết lời thơ và nhạc sĩ Vũ Hường - người đã phổ nhạc, khoác lên lời thơ một giai điệu khoáng đạt, hào sảng.

Ca khúc “Miền Đông khúc ca tự hào” - lời thơ của anh Châu Khiếu Minh, nhạc sĩ Vũ Hường phổ nhạc đạt giải Nhì tại Cuộc thi sáng tác ca khúc miền Đông Nam Bộ lần thứ II, năm 2025.

Ca khúc “Miền Đông khúc ca tự hào” - lời thơ của anh Châu Khiếu Minh, nhạc sĩ Vũ Hường phổ nhạc đạt giải Nhì tại Cuộc thi sáng tác ca khúc miền Đông Nam Bộ lần thứ II, năm 2025.

Họ không chỉ là những người làm chuyên môn, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp - năng lượng quốc gia, mà còn là những người nghệ sĩ mang trái tim tràn đầy tình yêu với quê hương, đất nước. Từ các ca khúc trước viết về người lao động Petrovietnam, về biển, về giàn khoan và những công trình thầm lặng giữa trùng khơi, họ đã tiếp tục viết tiếp tác phẩm “Miền Đông khúc ca tự hào” - một bản hùng ca kết nối quá khứ anh hùng với hiện tại đổi mới của vùng đất miền Đông Nam Bộ.

Sự kết hợp giữa lời thơ sâu lắng, giàu hình ảnh của anh Châu Khiếu Minh và âm nhạc đầy khí phách nhưng cũng không kém phần trữ tình của nhạc sĩ Vũ Hường đã tạo nên một tác phẩm không chỉ đẹp về mặt nghệ thuật, mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về tinh thần dân tộc, trách nhiệm công dân và niềm tin vào tương lai.

“Miền Đông khúc ca tự hào” vì thế không đơn thuần là ca khúc về một vùng đất, mà còn biểu tượng cho tinh thần cống hiến thầm lặng nhưng đầy tự hào của những người lao động Petrovietnam - những con người không chỉ biết cống hiến cho công việc bằng trí tuệ và sức lực, mà còn biết yêu, biết cảm, biết chuyển hóa tình yêu đó thành những giai điệu khơi dậy lòng tự hào và khát vọng vươn lên của cả một thế hệ.

Nghệ sĩ Thu Giang trình bày ca khúc “Miền Đông khúc ca tự hào” tại lễ trao giải.

Nghệ sĩ Thu Giang trình bày ca khúc “Miền Đông khúc ca tự hào” tại lễ trao giải.

Tình yêu đất mẹ - Khởi đầu của bản tráng ca

Ngay từ câu hát đầu tiên “Miền Đông ơi, đất mẹ yêu thương”, tác phẩm đã mở ra một không gian thiêng liêng, nơi “đất mẹ” không chỉ là biểu tượng của quê hương mà còn là hiện thân của máu thịt, của cội nguồn và của lòng biết ơn. Những địa danh từng ghi dấu chiến công lẫy lừng như Củ Chi, Rừng Sác, Đất Đỏ... hiện lên trong giai điệu như những biểu tượng bất khuất, nơi mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương và khí phách của lớp lớp cha anh.

Miền Đông hôm nay - Vững bước trong bình minh đổi mới

Tác phẩm không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh quá khứ mà còn khéo léo mở ra bức tranh về một miền Đông đang chuyển mình mạnh mẽ. Hình ảnh những cung đường rộng mở, những công trình hiện đại, những dòng năng lượng thắp sáng quê hương... tạo nên một diện mạo năng động, giàu sức sống. Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước - những vùng đất từng là tiền tuyến, giờ đây đang là trung tâm phát triển, là mắt xích quan trọng trong bản đồ kinh tế - công nghiệp của quốc gia.

Hình ảnh Hồ Dầu Tiếng lấp lánh, Sóc Bom Bo rộn ràng tiếng chày, vườn cây trái trĩu quả, làng nghề truyền thống mộc mạc... cho thấy một miền Đông không chỉ anh hùng mà còn trù phú, đậm bản sắc văn hóa, đang hội nhập đầy tự tin với dòng chảy thời đại.

Lời nhắn gửi cho thế hệ hôm nay - Tự hào, tiếp nối và kiến tạo

“Miền Đông khúc ca tự hào” không đơn thuần là bản nhạc để lắng nghe, mà là lời nhắn gửi sâu sắc dành cho thế hệ hôm nay: hãy tự hào với quá khứ, biết ơn với hiện tại và chủ động kiến tạo tương lai. Những nhân vật lịch sử như chị Võ Thị Sáu, chị Nguyễn Thị Minh Khai, hay những trái tim bất khuất nơi Côn Đảo... được nhắc đến như những ngọn đuốc soi đường, nhắc nhở về tinh thần sống và cống hiến.

Đặc biệt, khi đất nước đang trong giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ với các đề án sáp nhập đơn vị hành chính theo Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, bản nhạc càng trở nên ý nghĩa. Đây không chỉ là bài toán tổ chức bộ máy mà còn là bước chuyển chiến lược để mở ra không gian phát triển mới, kiến tạo các trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội tầm vóc, đúng như tinh thần “vững lòng chung bước ngày mai” mà bài hát gửi gắm.

Tiếng lòng của người lao động Petrovietnam - Góp phần viết tiếp khúc tráng ca

Với ngành công nghiệp, năng lượng nói chung và Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) nói riêng, “Miền Đông khúc ca tự hào” còn là biểu tượng tinh thần sâu sắc. Đây là món quà ý nghĩa mà những người đang công tác và cống hiến tại vùng đất thép gửi vào chuỗi hoạt động tri ân lịch sử. Trong từng lời ca, từng âm thanh ngân vang là cả một niềm tin vào sức mạnh nội lực dân tộc, là quyết tâm gìn giữ và phát triển những gì cha ông để lại bằng hành động cụ thể: làm chủ công nghệ, giữ vững nguồn năng lượng, đưa kinh tế đất nước phát triển bền vững.

Khép lại khúc hát - Mở ra chặng đường mới

“Miền Đông ơi, vang khúc hát tự hào” - câu hát như một lời hiệu triệu, vừa hào sảng, vừa xúc động. Đó là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ oanh liệt và tương lai rực sáng. Trong dòng chảy thời đại hôm nay, khi Việt Nam đang vươn mình hội nhập sâu rộng và đổi mới toàn diện, “Miền Đông khúc ca tự hào” không chỉ là bản nhạc của một vùng đất, mà còn là tiếng lòng của cả dân tộc.

Sáng ngày 28/4, Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác ca khúc miền Đông Nam Bộ lần thứ II, năm 2025 đã tổ chức tổng kết và trao giải tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trải qua thời gian 2 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 47 tác giả đến từ 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ, với 142 ca khúc dự thi.

Kết quả, Ban Giám khảo đã chọn ra 13 ca khúc trao giải. Trong đó, ca khúc “Miền Đông khúc ca tự hào” (Nhạc sĩ Vũ Hường, Lời thơ Châu Khiếu Minh) và ca khúc “Hát cùng Chinh’Cla” của tác giả Trần Tâm (Đồng Nai) cùng đạt giải Nhì.

Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm với các tác giả đạt giải.

Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm với các tác giả đạt giải.

Lắng nghe giai điệu của ca khúc “Miền Đông khúc ca tự hào”: Tại đây

Bài: An Nhiên

Ảnh: Vũ Long

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/mien-dong-khuc-ca-tu-hao-tu-ban-hung-ca-lich-su-den-khat-vong-phat-trien-tuong-lai-726930.html
Zalo