Miền biên cương giàu mạnh, bình yên
Tăng cường xây dựng biên giới vững mạnh, giàu đẹp là một mục tiêu quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và phát triển bền vững. Bình Phước đang tập trung thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới, tạo ra cơ hội việc làm, cải thiện đời sống người dân; xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, kết hợp với việc nâng cao nhận thức của người dân về vai trò bảo vệ biên giới...

Xây nhà mới cho người dân nghèo tại xã biên giới Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: NHẤT SƠN)
Bình Phước có đường biên giới với Campuchia dài khoảng 259km nằm trên địa bàn ba huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập. Trong thời gian qua, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng giao thông nhằm tăng cường kết nối qua biên giới, thúc đẩy thương mại và giao lưu kinh tế thông qua các Quốc lộ 13, 14, 14C; đường ĐT.741, ĐT.759 và các tuyến đường tuần tra biên giới.
Hiện các trục giao thông này được đầu tư hoàn thiện, đưa vào khai thác sử dụng sẽ góp phần rút ngắn thời gian, rút ngắn quãng đường di chuyển, đa dạng hóa cung đường vận chuyển hàng hóa, từ đó góp phần giảm chi phí vận chuyển.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước Dương Văn Hiếu cho biết, các tuyến kết nối chính với hệ thống đường tuần tra biên giới có bề rộng mặt đường từ 6 đến 25m, mặt đường bê-tông nhựa, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và phát triển kinh tế-xã hội các xã khu vực biên giới trên địa bàn các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập.
Ngoài việc ưu tiên thực hiện dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành và cao tốc Gia Nghĩa- Chơn Thành, đường kết nối với Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường kết nối trực tiếp đến các cửa khẩu và mở rộng bề rộng mặt đường để đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng.
Cùng với cải thiện hạ tầng giao thông, tại các cửa khẩu, Bình Phước tập trung xây dựng các khu vực kho bãi, trung tâm logistics hiện đại để tăng cường hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu và hỗ trợ các hoạt động kinh tế biên giới.
Tỉnh đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh biên giới nước bạn Campuchia để mở rộng các tuyến đường biên giới, đặc biệt là các tuyến kết nối với các cửa khẩu quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới, cải thiện việc vận chuyển hàng hóa và đi lại qua biên giới, góp phần giữ gìn an ninh khu vực biên giới.
Tỉnh tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Dĩ An-Lộc Ninh góp phần đa dạng hóa phương thức vận tải, nâng cao năng lực vận tải. Song song với đó, Bình Phước cũng nỗ lực hoàn thiện hạ tầng viễn thông để phục vụ quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, qua đó giúp nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính số và phát triển kinh tế số.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước Nguyễn Minh Quang cho biết: “Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, miền núi và khu vực trung tâm, Bình Phước mở rộng mạng lưới viễn thông, cung cấp dịch vụ liên lạc ổn định cho người dân khu vực biên giới, đồng thời góp phần hỗ trợ giám sát, bảo vệ biên giới và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp”.
Nhờ hạ tầng viễn thông đầu tư đồng bộ đến tận vùng biên, Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trại Thiên Nông (huyện Bù Gia Mập) đã tiên phong đưa một số ứng dụng IoT, blockchain (chuỗi khối) vào nông trại tạo bước đột phá tư duy sản xuất.
Hiện anh Hoàng đang quản lý 50ha trồng ba loại cây chủ lực là bơ, hồ tiêu, cao su. Các loại cây trồng được áp dụng công nghệ hiện đại nhất trong quản lý, chăm sóc và thu hoạch, như: ứng dụng hệ thống tưới tự động; năng lượng mặt trời; camera giám sát; máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ cây trồng; giới thiệu sản phẩm/nhật ký số; thương mại điện tử…
Anh Hoàng cho biết, áp dụng công nghệ hiện đại nhất vào sản xuất, kinh doanh ngoài giảm công lao động, nâng cao năng suất cây trồng, chúng ta còn kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Nhờ đó, quả bơ với thương hiệu Bơ Ông Hoàng đã được xuất khẩu đi Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia và xuất hiện trên kệ của các siêu thị nổi tiếng, được nhiều khách hàng biết đến.
“Tôi chủ động đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử và tham gia số hóa sản phẩm, từ đó sẽ tự định giá được trái bơ mình làm ra với mức 50-60 nghìn đồng/kg tại chuỗi cửa hàng trái cây sạch ở Thành phố Hồ Chí Minh và bán trên các trang thương mại điện tử 80-90 nghìn đồng/kg”, anh Hoàng chia sẻ.
Tại huyện biên giới Bù Đốp, những cánh đồng lúa rộng khoảng 100ha ở ấp Bù Tam và ấp Phước Tiến thuộc xã Hưng Phước, đang hứa hẹn mùa bội thu. Theo các hộ dân nơi đây, trước đây do phụ thuộc vào nước mưa nên chỉ sản xuất được một đến hai vụ, sản lượng cũng không ổn định. Nhờ có hệ thống thủy lợi Bù Tam tưới trong mùa khô, nhân dân đã sản xuất ba vụ/năm; năng suất, chất lượng cao hơn từ 20-30% so với trước.
Trưởng phòng Nông nghiệp-Môi trường huyện Bù Đốp Trần Văn Thành cho biết, huyện có sáu hồ, đập và khoảng 50km kênh mương thủy lợi, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất hơn 3.000ha cây trồng các loại và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, Bình Phước đã chủ động lồng ghép nhiều chương trình, ưu tiên nhiều nguồn vốn hỗ trợ nhân dân trên tuyến biên giới, vùng khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng chí Nguyễn Đại Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước cho biết, với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, các hộ gia đình thụ hưởng đóng góp thêm”, chỉ trong giai đoạn 2019-2023, Quỹ Vì người nghèo tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 5.071 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá gần 313 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở. Cũng trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã giảm được 6.598 hộ nghèo dân tộc thiểu số.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Bình Phước đã triển khai quyết liệt và phấn đấu đến trước ngày 30/4/2025 sẽ hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đến tháng 4 này, nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước người góp của, người góp sức đang nỗ lực giúp 765 hộ dân có nhà mới để ở.
Tại khu vực biên giới huyện Bù Đốp, trên khu đất 5.000m2 được các mạnh thường quân mua tặng, cùng với nguồn vốn Trung ương và tỉnh hỗ trợ, 17 hộ dân đang khẩn trương xây dựng nhà mới. Điện lực đã hỗ trợ kéo điện; huyện, xã hỗ trợ xây dựng giếng nước tập trung; các hạ tầng thiết yếu khác cũng đã hoàn thành, sẵn sàng đón các hộ dân về ở.
Bà Phạm Thị Bốn ở Thôn 4, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp vui mừng nói: “Ít hôm nữa gia đình tôi được ở trong ngôi nhà mới khang trang. Chúng tôi đang phụ thợ đẩy nhanh tiến độ xây nhà. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã ban hành chính sách để cuộc sống của những người khó khăn về nhà ở như gia đình tôi được cải thiện tốt hơn”.