Miền Bắc sẽ bước vào đợt mưa lớn kéo dài sau nắng nóng

Sau khi đợt nắng nóng lần này kết thúc, mưa có khả năng quay trở lại miền Bắc từ đêm 10/8. Từ nửa cuối tháng 8 và từ tháng 9 trở đi, hiện tượng La Nina có thể bắt đầu tác động đến Việt Nam.

Nắng nóng ở miền Bắc kéo dài thêm 2 ngày nữa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm nay (7/8), ở Hòa Bình, khu vực phía Đông Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng; nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ như: Con Cuông (Nghệ An) 36.4 độ, Đồng Hà (Quảng Trị) 36.7 độ, Tuy Hòa (Phú Yên) 37.4 độ,...; độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 50-60%.

Ngày 8/8, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, Nam Sơn La và Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%. Ngày 09/8, ở Bắc Bộ có nắng nóng, riêng Nam Sơn La, Hòa Bình và đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất 35-38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%.

Miền Bắc sẽ bước vào đợt mưa lớn kéo dài sau nắng nóng.

Miền Bắc sẽ bước vào đợt mưa lớn kéo dài sau nắng nóng.

Ngày 8-9/8, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%.

Nắng nóng ở khu vực Trung Bộ có khả năng còn kéo dài trong những ngày tới; nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 10/8. Từ khoảng đêm 10/8, Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trong thời gian tới, bước vào thời kỳ cao điểm của mưa lũ của khu vực miền núi phía Bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao. Do đó, người dân cần thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin dự báo, cảnh báo.

"Thời gian tới là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ nên chúng ta vẫn phải đối mặt với tình trạng xuất hiện các đợt mưa lớn cũng như hiện tượng mưa rào và dông, hệ quả nguy cơ gắn liền là lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi cần phải cảnh giác ở mức cao", ông Khiêm cho hay.

Cuối tháng 8, mưa lũ phức tạp trở lại

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, sau khi đợt nắng nóng lần này kết thúc, mưa có khả năng quay trở lại. Từ nửa cuối tháng 8 và từ tháng 9 trở đi, hiện tượng La Nina có thể bắt đầu tác động đến Việt Nam. Biểu hiện là lượng mưa ở Bắc Bộ trong tháng 9 có thể cao hơn trung bình nhiều năm.

Ông Hưởng lưu ý, giai đoạn La Nina tác động từ tháng 9 trở đi trùng với mùa mưa, bão, lũ ở miền Trung. Nhiều khả năng các hiện tượng mưa, bão, lũ sẽ xảy ra dồn dập tại đây trong nửa cuối tháng 9 và tháng 10, tháng 11 năm nay. Theo thống kê, trong những năm La Nina, tác động của mưa, lũ, bão bao giờ cũng khốc liệt hơn các năm bình thường. Ví dụ gần đây nhất là năm 2020. Số lượng bão, áp thấp nhiều hơn bình thường và tổng lượng mưa ở Trung Bộ có những điểm cao vượt lịch sử. Có nơi lượng mưa cao gấp 3 – 4 lần so với trung bình nhiều năm.

"Từ những bài học của các năm La Nina như vậy, chúng tôi lưu ý bà con cần phải theo dõi những bản tin dự báo xa từ sớm, và sau đó tiếp tục theo dõi những thông tin cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia. Trung tâm cập nhật thường xuyên thông tin trên website và truyền thông đại chúng, qua mạng xã hội Facebook, Zalo để bà con nắm được một cách sớm nhất", ông Hưởng chia sẻ.

Hiện nay, bản tin dự báo khí tượng thủy văn đã thông tin dự báo chi tiết hơn, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai vào bản tin qua đó nâng cao hiệu quả phục vụ và từng bước tiến tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro.

Riêng đối với công tác dự báo, cảnh báo thì sự thay đổi đáng kể nhất là dự báo sớm hơn, dài hạn hơn, chi tiết hơn và tin cậy hơn. Dự báo khí tượng đã mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày; nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn. Đối với bão/áp thấp nhiệt đới, thời gian dự báo trước 3 ngày, cảnh báo sớm trước 5 ngày.

Các bản tin dự báo dài hạn đều được tăng tần suất và mức chi tiết như 1 bản tin mùa/tháng; 3 bản tin tuần/tháng và đều phân tích, đánh giá đến từng khu vực có khả năng xảy ra thiên tai, khí tượng thủy văn nguy hiểm.

Đối với khí tượng thủy văn nguy hiểm, hầu hết các bản tin được phát hành sớm hơn trước đây từ 30 phút đến 1h. Đây là những nỗ lực rất lớn của ngành khí tượng thủy văn trong thời gian qua nhằm đưa thông tin dự báo được ban hành sớm hơn, giúp người dân địa phương và các cấp chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan có thêm những khoảng thời gian quý báu rất quan trọng cho ứng phó với thiên tai nguy hiểm.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mien-bac-se-buoc-vao-dot-mua-lon-keo-dai-sau-nang-nong-169240807155457143.htm
Zalo