Microsoft tự tin với 'siêu trí tuệ y tế', chẩn đoán vượt trội hơn bác sĩ
Microsoft vừa công bố nghiên cứu về 'Microsoft AI Diagnostic Orchestrator' (MAI‑DxO), một hệ thống chẩn đoán bệnh bằng trí tuệ nhân tạo (AI), được phát triển bởi đơn vị y tế AI do Mustafa Suleyman, đồng sáng lập DeepMind, thành lập.
Theo Financial Times, công cụ này được đánh giá có khả năng chẩn đoán các ca bệnh phức tạp tốt hơn gấp 4 lần so với bác sĩ chuyên nghiệp, mở ra tiềm năng giảm áp lực cho các hệ thống y tế đang quá tải.
MAI‑DxO vận hành theo mô hình “điều phối viên” AI, kết hợp 5 tác tử AI khác nhau đảm nhận các vai trò mô phỏng bác sĩ thực thụ từ đề xuất giả thuyết đến quyết định xét nghiệm. Các tác tử này “tranh luận” và phối hợp qua chuỗi các bước lý luận, nhằm đưa ra chẩn đoán tối ưu. Nhờ đó, hệ thống có thể cung cấp phân tích cho từng bước quyết định, giúp tăng khả năng giải thích và kiểm soát.

CEO Microsoft AI, ông Mustafa Suleyman - Ảnh: Getty
Trong thử nghiệm, Microsoft cung cấp cho MAI‑DxO 304 nghiên cứu ca đặc biệt từ tạp chí New England Journal of Medicine, hội tụ các trường hợp lâm sàng phức tạp. Hệ thống thử nghiệm sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hàng đầu của OpenAI, Meta, Anthropic, Google, xAI và DeepSeek. Microsoft cho biết hiệu suất chẩn đoán chính xác cao nhất đạt 85,5% khi sử dụng mô hình o3 của OpenAI, so với khoảng 20% khi bác sĩ thực hiện trong điều kiện kiểm soát (giới hạn hỏi sách vở và tham khảo ý kiến đồng nghiệp).
Điều đặc biệt nằm ở cách MAI‑DxO hoạt động hiệu quả không phụ thuộc vào cỗ máy AI nào cụ thể, mà yếu tố tạo ra sự khác biệt là phần "điều phối" và luật nội bộ hệ thống – giúp các mô hình AI phối hợp và tăng hiệu quả chẩn đoán.
Theo kế hoạch, công nghệ này sẽ sớm được tích hợp vào chatbot Copilot và công cụ tìm kiếm Bing, hiện đang xử lý khoảng 50 triệu truy vấn sức khỏe mỗi ngày. Microsoft kỳ vọng rằng MAI‑DxO không chỉ hỗ trợ chẩn đoán mà còn biến đổi cách mọi người tiếp cận thông tin y tế, rút ngắn thời gian chẩn đoán và giảm chi phí xét nghiệm cho người bệnh.
Mustafa Suleyman, CEO Microsoft AI, khẳng định đây là minh chứng rõ ràng cho việc AI không chỉ đạt gần bằng mà còn vượt xa hiệu suất của con người, “nhanh hơn, chính xác hơn và rẻ hơn gấp 4 lần”. Đây là tầm nhìn của ông hướng đến “siêu trí tuệ y tế” có thể giải quyết cuộc khủng hoảng nhân lực y tế, đặt nền móng cho tương lai chẩn đoán chính xác và nhanh chóng.
Suleyman từng là đồng sáng lập DeepMind, nơi nổi tiếng với những đột phá như AlphaFold được trao giải Nobel hóa học. Giờ đây, ông đem tâm huyết vào Microsoft AI Health, liên kết hàng chục cựu thành viên DeepMind để xây dựng mô hình mới, cạnh tranh trực tiếp với Google.
Microsoft đã cam kết tài trợ gần 14 tỉ USD vào OpenAI, đồng thời phát triển hoàn toàn mạng lưới AI song hành với ChatGPT và Copilot. MAI‑DxO là một minh chứng về việc ứng dụng bộ LLM tốt nhất để hỗ trợ ngành y tế.
Ông Dominic King, người từng làm việc tại DeepMind và hiện là giám đốc y tế của Microsoft AI, cho biết hệ thống đã chứng minh khả năng cắt giảm đáng kể số xét nghiệm cần thiết để xác định chẩn đoán chính xác, từ đó giảm hàng trăm nghìn đô la trong một số trường hợp. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao.
Mặc dù kết quả rất hứa hẹn, nhưng các chuyên gia lưu ý rằng MAI‑DxO vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm. Bác sĩ Eric Topol, chuyên gia về y học chuyển dịch, tuyên bố đây là “công trình bước ngoặt” nhưng nhấn mạnh AI chưa được đánh giá toàn diện trong môi trường lâm sàng thực tế.