Microsoft là rào cản trong kế hoạch tái cấu trúc của OpenAI
OpenAI đã rút lại một phần kế hoạch tái cấu trúc quy mô lớn, giữ nguyên quyền kiểm soát của tổ chức phi lợi nhuận. Đây là động thái được cho là sẽ hạn chế quyền lực của Giám đốc điều hành Sam Altman với OpenAI, công ty phát triển ChatGPT.
Thông báo này được đưa ra sau làn sóng chỉ trích và các thách thức pháp lý, gồm cả một vụ kiện nổi bật do Elon Musk đệ trình. Elon Musk cáo buộc OpenAI đã đi chệch khỏi sứ mệnh ban đầu là phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) vì lợi ích của nhân loại.
“OpenAI được thành lập như một tổ chức phi lợi nhuận, hiện nay vẫn là tổ chức phi lợi nhuận giám sát và kiểm soát công ty vì lợi nhuận. Trong tương lai, OpenAI sẽ tiếp tục là tổ chức phi lợi nhuận giám sát và kiểm soát công ty vì lợi nhuận. Điều đó sẽ không thay đổi”, Sam Altman cho biết trong một bài đăng blog hôm 5.5.
Tháng 12.2024, OpenAI đã phác thảo kế hoạch chuyển đổi nhánh vì lợi nhuận của mình thành công ty vì lợi ích công cộng, một cấu trúc nhằm cân bằng giữa lợi nhuận cổ đông và mục tiêu xã hội, khác với các tổ chức phi lợi nhuận vốn chỉ tập trung vào lợi ích công cộng. Theo đề xuất đó, tổ chức mẹ phi lợi nhuận sẽ trở thành cổ đông lớn trong công ty vì lợi ích công cộng nhưng sẽ từ bỏ quyền kiểm soát OpenAI.
Hôm 5.5, OpenAI tuyên bố tổ chức mẹ phi lợi nhuận sẽ tiếp tục kiểm soát công ty vì lợi ích công cộng và trở thành cổ đông lớn trong đó. OpenAI sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch thay đổi cấu trúc nhánh vì lợi nhuận nhằm huy động thêm vốn để bắt kịp trong cuộc đua AI.
Kế hoạch chuyển đổi sang mô hình vì lợi nhuận hoàn toàn ban đầu nhằm giúp OpenAI huy động vốn dễ dàng hơn và giảm bớt các ràng buộc từ cấu trúc phi lợi nhuận. Tuy nhiên, điều này đã làm dấy lên lo ngại về việc liệu công ty có phân bổ tài sản công bằng cho tổ chức phi lợi nhuận không, và cách thức cân bằng giữa việc tạo ra lợi nhuận với sứ mệnh phát triển AI vì lợi ích cộng đồng.
“Chúng tôi đưa ra quyết định để tổ chức phi lợi nhuận tiếp tục kiểm soát OpenAI sau khi lắng nghe ý kiến từ các nhà lãnh đạo dân sự và thảo luận với văn phòng Tổng chưởng lý bang California lẫn Delaware”, Bret Taylor, Chủ tịch hội đồng quản trị OpenAI, cho biết trong một bài đăng blog. Ông nói thêm rằng thông báo mới đồng nghĩa với việc cấu trúc của công ty khởi nghiệp AI này sẽ “gần như giống hệt với cấu trúc hiện tại”.
Sam Altman gọi động thái đó là một sự thỏa hiệp “đủ tốt để các nhà đầu tư cảm thấy hài lòng và tiếp tục tài trợ cho OpenAI ở mức mà chúng tôi cho là cần thiết”.
“Chúng tôi tin rằng điều này vượt xa mức tối thiểu cần thiết để có thể huy động vốn”, Giám đốc điều hành OpenAI nói thêm, đồng thời khẳng định “không có thay đổi nào với các mối quan hệ đầu tư hiện có” và công ty sẽ gỡ bỏ giới hạn lợi nhuận mà nhà đầu tư có thể kiếm được.
Ông cũng lưu ý rằng mô hình công ty vì lợi ích công cộng đang trở nên phổ biến ở các hãng AI, gồm cả Anthropic (được Amazon hậu thuẫn), Google và xAI của Elon Musk.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về việc chính xác điều gì đang thay đổi và liệu động thái này có khiến OpenAI gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn so với khi hoạt động dưới một cấu trúc doanh nghiệp truyền thống hay không.
“Chúng tôi vui mừng khi thấy OpenAI lắng nghe các mối quan tâm từ giới lãnh đạo xã hội dân sự, nhưng vẫn còn những câu hỏi cốt lõi”, theo Page Hedley, cựu cố vấn chính sách và vấn đề đạo đức của OpenAI, đồng thời là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Not For Private Gain.
“Liệu các mục tiêu thương mại của OpenAI có tiếp tục bị ràng buộc về mặt pháp lý bởi sứ mệnh từ thiện của công ty không? Ai sẽ sở hữu công nghệ mà OpenAI phát triển? Thông báo tái cấu trúc năm 2019 đã nêu rõ tính ưu việt của sứ mệnh, nhưng đến nay, những tuyên bố này vẫn chưa được nêu rõ”, ông nói thêm.
Page Hedley cũng lo ngại rằng trong cấu trúc công ty vì lợi ích công cộng hiện tại, hội đồng quản trị sẽ có nghĩa vụ tối đa hóa giá trị cho cổ đông.

Kế hoạch tái cấu trúc của OpenAI vẫn chờ cái gật đầu từ Microsoft - Ảnh: Internet
Microsoft chưa chấp thuận kế hoạch tái cấu trúc của OpenAI
Sau nhiều tháng chịu áp lực từ công chúng, OpenAI đã rút lại một phần nỗ lực nhằm chuyển đổi thành công ty vì lợi nhuận theo mô hình truyền thống. Tuy nhiên, kế hoạch tái cấu trúc của “cha đẻ” ChatGPT vẫn chưa nhận được sự chấp thuận từ một cổ đông lớn là Microsoft.
Đầu tư 13,75 tỉ USD vào OpenAI, Microsoft hiện là nhà đầu tư lớn nhất chưa đồng ý với kế hoạch tái cấu trúc của công ty khởi nghiệp AI này, theo một số nguồn tin của hãng tin Bloomberg am hiểu vấn đề.
Gã khổng lồ phần mềm Mỹ muốn đảm bảo rằng bất kỳ thay đổi nào trong cấu trúc OpenAI cũng phải bảo vệ đầy đủ cho khoản đầu tư của mình. Microsoft vẫn đang tích cực đàm phán các chi tiết trong đề xuất của OpenAI, theo Bloomberg.
Microsoft từ chối bình luận câu hỏi của Bloomberg. Trong một tuyên bố, OpenAI nói: “Chúng tôi tiếp tục làm việc chặt chẽ với Microsoft và mong sớm hoàn tất các chi tiết của kế hoạch tái cấp vốn này trong thời gian tới”.
Hôm 5.5, OpenAI cho biết đang tiến hành tái cấu trúc bộ phận vì lợi nhuận của mình thành một công ty phục vụ lợi ích cộng đồng, nhưng đã điều chỉnh kế hoạch để toàn bộ hoạt động kinh doanh vẫn nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức phi lợi nhuận - về cơ bản là giữ nguyên mô hình tổ chức hiện tại.
Microsoft không phải là bên duy nhất mà OpenAI cần nhận được sự đồng thuận. Tổng chưởng lý bang California và Delaware (Mỹ) có trách nhiệm giám sát quá trình chuyển đổi này. OpenAI cần thực hiện định giá thị trường hợp lý với cổ phần của tổ chức phi lợi nhuận trong thực thể vì lợi nhuận tương lai và đang xin ý kiến từ các tổng chưởng lý bang.
Hai năm trước, ChatGPT của OpenAI đã trở thành sản phẩm gây tiếng vang nhất ngành công nghệ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà phát triển AI nhận thấy mô hình của họ không còn cải tiến nhanh như trước và khả năng sinh lời vẫn là điều xa vời.
Trong một lá thư gửi nhân viên, Sam Altman cho biết quyết định duy trì quyền kiểm soát của tổ chức phi lợi nhuận được đưa ra sau cuộc thảo luận với các lãnh đạo dân sự và văn phòng tổng chưởng lý bang. “Chúng tôi mong tiếp tục trao đổi với họ, Microsoft và các ủy viên phi lợi nhuận mới được bổ nhiệm của chúng tôi để thúc đẩy chi tiết kế hoạch này”, doanh nhân 40 tuổi người Mỹ nói.
Một cấu trúc vì lợi nhuận đơn giản hóa được xem là hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, nhưng trong cuộc họp với báo giới, Sam Altman cho biết cách tiếp cận đã được điều chỉnh vẫn đạt mục tiêu tương tự, ngay cả khi tổ chức phi lợi nhuận vẫn giữ quyền kiểm soát OpenAI. Với cấu trúc được đề xuất, Sam Altman cho biết tập đoàn SoftBank đã sẵn sàng triển khai toàn bộ khoản đầu tư 30 tỉ USD như một phần của vòng gọi vốn mới được công bố gần đây.
Tuy nhiên, sự chấp thuận của Microsoft sẽ mang tính then chốt. Theo hai nguồn tin, chỉ những người trong nội bộ của OpenAI, Microsoft và một số nhà đầu tư ban đầu mới có quyền trực tiếp phê duyệt kế hoạch tái cấu trúc. Do đó, chỉ nhóm này mới có thể đưa ra ý kiến về kế hoạch, các nguồn tin cho biết. Song trong số các nhà đầu tư, OpenAI chỉ đang đàm phán với Microsoft, theo Bloomberg.
Microsoft cũng có mối quan hệ đặc biệt với OpenAI so với các nhà đầu tư khác, do các thỏa thuận cấp phép và chia sẻ doanh thu giữa hai bên. Microsoft hiện đàm phán về những khía cạnh này trong hợp đồng, cùng với cổ phần và các vấn đề khác, theo một người am hiểu cuộc thảo luận.
Ngoài việc phải thuyết phục được Microsoft và các cơ quan chức năng tiểu bang, OpenAI còn đang đối mặt với một vụ kiện liên quan đến việc tái cấu trúc do tỷ phú Elon Musk khởi xướng.
Elon Musk, nhà đồng sáng lập OpenAI, trước đó yêu cầu tòa án chặn OpenAI trở thành doanh nghiệp vì lợi nhuận. Yêu cầu của Elon Musk đã bị từ chối, nhưng một phần vụ kiện vẫn được phép tiếp tục.
Tỷ phú giàu nhất thế giới từng đưa ra đề nghị trị giá 97,4 tỉ USD nhằm mua lại tài sản của tổ chức phi lợi nhuận đang kiểm soát OpenAI nhưng bị từ chối.
OpenAI cho rằng Elon Musk đang cố gắng làm chậm tiến độ của họ để giúp xAI. Marc Toberoff, luật sư đại diện cho Elon Musk, không phản hồi câu hỏi về kế hoạch tái cấu trúc cập nhật của OpenAI.