Metro số 1 - TPHCM: Chạy nước rút để về đích

Sau nhiều lần điệp khúc 'lùi lịch - trễ hẹn', Dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM (Metro số 1, lộ trình Bến Thành - Suối Tiên) đang trong giai đoạn tăng tốc để kịp tiến độ vận hành chính thức vào cuối năm nay.

Công trường thi công cầu bộ hành kết nối đoạn đi qua ga Thủ Đức của tuyến metro số 1. Ảnh: LÊ ANH.

Công trường thi công cầu bộ hành kết nối đoạn đi qua ga Thủ Đức của tuyến metro số 1. Ảnh: LÊ ANH.

Tăng tốc thi công

Đến thời điểm đầu tháng 9, các cầu đi bộ kết nối ga Metro số 1 đã dần lộ diện hình hài, là tín hiệu tích cực cho tuyến đường sắt đô thị hiện đại đầu tiên của TPHCM đi vào vận hành sau hơn 1 thập kỷ chờ đợi. Ghi nhận của chúng tôi, tại cầu đi bộ kết nối ga Metro số 1 nằm dọc đường Võ Nguyên Giáp và xa lộ Hà Nội (địa phận TP Thủ Đức), các công nhân tất bật làm việc 24/24.

Ngoài lát gạch sàn, kết cấu khung thép, tấm lợp mái, lan can, cầu thang, nhà thầu cũng hoàn tất các khâu cuối cùng, trước khi tổ chức kiểm tra nghiệm thu phòng cháy chữa cháy để kịp hoàn thành dự án đưa vào vận hành vào cuối năm nay. Trong kết cấu dự án, cầu bộ hành là một trong những hạng mục thi công cuối cùng của dự án tuyến Đường sắt Metro số 1, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiếp cận hành khách đến các nhà ga trên cao được an toàn và thuận tiện.

Liên quan đến tiến độ dự án, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết, các nhà thầu đã triển khai lắp đặt các nhịp dầm cầu bộ hành cuối cùng tại nhà ga Thủ Đức (TP Thủ Đức), đánh dấu hoàn thành kết nối toàn bộ các cầu bộ hành nhà ga trên cao thuộc dự án tuyến đường metro số 1.

Cũng theo MAUR, hướng tiếp cận cầu bộ hành cũng là đường thoát hiểm chính của hành khách khi xảy ra sự cố khẩn cấp (cháy, nổ) tại các nhà ga này, là vấn đề được đặc biệt lưu ý trong quá trình kiểm tra nghiệm thu phòng cháy chữa cháy của các cơ quan chức năng. Ngoài hoàn thành bộ khung chính các cầu đi bộ, hiện nay, công tác hoàn thiện kiến trúc cầu bộ hành cũng đang được liên danh Sumitomo - Cienco6 (SCC - nhà thầu chính gói thầu số 2, cùng nhà thầu phụ thi công cầu bộ hành) cũng đang được khẩn trương hoàn thành.

Theo thiết kế toàn tuyến Metro số 1, sẽ có 9 cây cầu đi bộ được đặt kết nối với các ga. Đại diện MAUR cho biết, 9 cây cầu này được đặt kết nối với các ga: Tân Cảng, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Công nghệ cao, Thảo Điền, An Phú, Thủ Đức và Đại học Quốc gia đã thành hình hài. Đến nay, toàn dự án đã hoàn thành 99% khối lượng. Theo kế hoạch, Metro số 1 sẽ vận hành khai thác thử trong tháng 10 và 11, sau đó chính thức vận hành thương mại cuối năm nay.

Động lực của đô thị “đầu tàu”

Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM, được rót tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, với tổng chiều dài toàn tuyến gần 20km, từ depot Long Bình (TP Thủ Đức) đến Bến Thành (quận 1). Ngoài 11 ga trên cao, tuyến Metro số 1 còn thiết kế 3 ga ngầm ở trung tâm TPHCM, bao gồm: Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son.

“Siêu dự án” đường sắt đô thị của TPHCM được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2007, khởi công vào năm 2008. Trải qua hơn thập kỷ, đến hết quý II/2024, chủ đầu tư cho biết dự án đã hoàn thành đạt khoảng 98% tiến độ, nhưng một số gói thầu lại liên tục gặp sóng gió về thủ tục giải ngân, nhân sự điều hành, chậm bàn giao mặt bằng... khiến liên tục lỗi hẹn khánh thành. Các bất cập đã khiến dự án hạ tầng giao thông đô thị được đầu tư lớn và kỳ vọng nhiều nhất của TPHCM rơi vào điệp khúc “lùi lịch - trễ hẹn” từ năm này qua năm khác. Điển hình, có 4 lần dự án phải trễ hẹn, gồm thời điểm năm 2019 UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó, tổng mức đầu tư tăng lên hơn 43.700 tỷ đồng và lùi tiến độ hoàn thành, khai thác thương mại vào quý IV/2021. Sau đó, dự án lại tiếp tục chậm tiến độ do dịch bệnh Covid-19, rồi trục trặc về ký kết phụ lục hợp đồng tư vấn…

Cuối năm 2023, Ban Quản lý dự án thông báo, thời gian vận hành thương mại dời lại vào tháng 7/2024. Dù vậy, dự án lại phải rời thời gian chạy thương mại vào cuối năm 2024.

Là chuyên gia quan sát các dự án đường sắt đô thị của TPHCM, trong đó có các tuyến Metro số 1 và Metro số 2, KTS Nguyễn Văn Biểu - Giám đốc Công ty TNHH Bhomes cho rằng, việc chậm tiến độ dự án đường sắt đô thị đầu tiên có thể dẫn đến nhiều bất lợi cho đô thị đầu tàu cả nước. “Đầu tiên, người dân sống tại các dự án cao tầng, nhà ở liên kế “ăn theo” dọc tuyến metro sẽ tiếp tục phải kỳ vọng và chờ đợi. Thế nhưng, mất điểm lớn nhất vẫn là năng lực cạnh tranh giảm và môi trường đầu tư chắc chắn cũng bị ảnh hưởng trong các thang điểm khảo sát xu hướng đầu tư hàng năm của các đối tác khu vực và quốc tế” - ông Biểu phân tích.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi mới đây cho biết, UBND thành phố đang nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án, tách từng vấn đề ra, đồng thời giải quyết song song. Từ đó, cố gắng hoàn tất các thủ tục bắt buộc để đưa dự án kịp vận hành vào cuối năm nay.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/metro-so-1-tphcm-chay-nuoc-rut-de-ve-dich-10291226.html
Zalo