Metro Bến Thành - Suối Tiên: Cú hích cho vận tải hành khách công cộng

Sự quan tâm rất lớn của người dân tới tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là một cú hích, là 'mệnh lệnh' từ thực tế để các cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa, tích cực đầu tư hoàn thiện hệ thống phương tiện vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là đầu tư xây dựng các tuyến metro.

Lâu nay, việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân chưa mang lại hiệu quả rõ nét. Nhìn nhiều tuyến xe buýt vắng khách, trong khi ô tô, xe máy cá nhân chen chúc trên đường, không ít người cho rằng loại hình vận tải hành khách công cộng đang bị “thờ ơ”. Thế nhưng, từ “hiện tượng” metro Bến Thành - Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) mới đây cho thấy, người dân luôn sẵn lòng và mong muốn được sử dụng các loại phương tiện công cộng tiện lợi, hiện đại.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên-tuyến metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành vào ngày 22-12-2024 sau 12 năm triển khai xây dựng. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, trong 8 ngày đầu vận hành, tuyến metro này đã phục vụ hơn 900.000 lượt hành khách. Tính bình quân, mỗi ngày tuyến phục vụ hơn 112.500 lượt người.

 Đông đảo người dân đi metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn

Đông đảo người dân đi metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn

So với kế hoạch vận chuyển được đơn vị vận hành tính toán ban đầu (bình quân mỗi ngày khoảng 39.000 lượt khách) thì số lượng hành khách thực tế đã vượt gấp 2,9 lần. Tất nhiên, do đây là loại phương tiện vận tải hành khách hiện đại lần đầu xuất hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lại đang trong giai đoạn miễn phí nên một lượng không nhỏ hành khách đi để khám phá, trải nghiệm. Thế nhưng, trừ đi số này, không thể phủ nhận tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang thu hút một lượng lớn hành khách sử dụng để đi học, đi làm hằng ngày.

Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… đăng tải, lan tỏa nhiều chia sẻ của cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên… khi quyết định “chia tay” xe máy, ô tô cá nhân để gắn bó với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, tạo ra một hiệu ứng rất tích cực.

Theo đó, thay vì sử dụng xe máy, ô tô cá nhân với quãng đường hàng chục ki-lô-mét vừa tốn chi phí xăng dầu, tiền gửi xe, lại chịu cảnh tắc đường, bụi bặm, nguy cơ mất an toàn giao thông, nhiều người đã chọn giải pháp đi metro vừa văn minh, nhanh chóng, an toàn, đồng thời tiết kiệm được chi phí. Với những người ở gần ga metro, còn có cơ hội đi bộ hằng ngày để rèn luyện thể chất…

Từ thực tế các tuyến metro đang vận hành như Bến Thành - Suối Tiên ở TP Hồ Chí Minh hay tuyến Cát Linh-Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội ở Hà Nội cho thấy, người dân luôn mong muốn được sử dụng những loại hình phương tiện vận tải hành khách công cộng tiện lợi, hiện đại; sẵn sàng từ bỏ phương tiện cá nhân mà không cần vận động, tuyên truyền nhiều, miễn là các phương tiện vận tải công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân. Nói cách khác, đại đa số người dân không hề “thờ ơ” với phương tiện vận tải công cộng. Thời gian qua, loại hình này chưa thu hút được đông đảo người dân là do chưa thực sự tiện lợi, phù hợp mà thôi.

Sự quan tâm rất lớn của người dân tới tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là một cú hích, là “mệnh lệnh” từ thực tế để các cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa, tích cực đầu tư hoàn thiện hệ thống phương tiện vận tải hành khách công cộng, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đặc biệt là đầu tư xây dựng các tuyến metro.

Từ nay đến năm 2035, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hoàn chỉnh 7 tuyến metro với tổng số 355km đường sắt đô thị. Tại Hà Nội, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đường sắt đô thị sẽ có 10 tuyến với hơn 410km. Trước sự ưu việt của loại hình metro, Hà Nội đang điều chỉnh quy hoạch chung, bổ sung thêm 5 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 200km…

Từ cú hích tạo ra bởi tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, mong rằng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rút ra những bài học quý để quyết tâm, quyết liệt thực hiện các dự án metro đúng tiến độ, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân và góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Xa hơn nữa, người dân cũng rất mong có thêm những tuyến tàu điện, tàu điện ngầm nối liền các đô thị vệ tinh với các đô thị lớn, đô thị trung tâm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng..., đáp ứng mong mỏi “có thể đi làm bằng tàu điện trong ngày”, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc như hạ tầng quá tải, thiếu nhà ở tại các đô thị lớn, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông…

TRUNG HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/metro-ben-thanh-suoi-tien-cu-hich-cho-van-tai-hanh-khach-cong-cong-809774
Zalo