Meta, Microsoft khởi đầu năm 2025 bằng đợt sa thải mới
Tập đoàn mẹ Facebook tuyên bố chỉ những nhân tài giỏi nhất được giữ lại, loại bỏ những nhân viên làm việc hiệu suất thấp.
Theo các thông tin nội bộ được tiết lộ, Meta - công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp - dự kiến sa thải khoảng 5% lực lượng lao động, tương đương hơn 3.600 nhân viên trong số 72.000 người. Đây là lần cắt giảm lớn nhất kể từ năm 2022. Khi đó, Meta đã sa thải 21.000 nhân sự, chiếm gần 1/4 tổng lực lượng lao động.
Trong một bản ghi nhớ gửi đến các quản lý, Giám đốc phát triển nhân sự Hillary Champion của Meta cho biết chiến lược này nhằm đạt được mục tiêu "tỷ lệ nghỉ việc không đáng tiếc" (non-regrettable attrition) đạt 10% vào cuối chu kỳ đánh giá hiệu suất hiện tại. Trong đó, 5% đã đạt được trong năm 2024 và thêm 5% trong năm nay.
Champion nhấn mạnh rằng công ty đang tập trung loại bỏ nhanh những nhân viên có hiệu suất thấp để thay thế bằng các nhân sự mới, phù hợp hơn với mục tiêu tăng trưởng tham vọng của Meta.
Trong các tài liệu nội bộ do Business Insider tiết lộ, quy trình đánh giá hiệu suất tại Meta phân loại nhân viên thành các nhóm dựa trên mức độ hoàn thành kỳ vọng. Các nhân viên được xếp hạng "chỉ đạt một phần kỳ vọng" (Met Some) hoặc "không đạt kỳ vọng" (Did Not Meet) sẽ tự động nằm trong danh sách sa thải. Với nhóm "đạt phần lớn kỳ vọng" (Met Most), quyết định sa thải sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ nhân sự cần cắt giảm trong từng phòng ban cụ thể.
“Chúng tôi cần quản lý lực lượng lao động sao cho đảm bảo chỉ những nhân tài giỏi nhất được giữ lại, đồng thời đẩy nhanh quá trình loại bỏ các nhân viên có hiệu suất thấp để có thể tuyển dụng thêm người mới”, Champion nhấn mạnh.
Đây là một phần trong chiến lược Meta đầu tư mạnh vào AI, kính thực tế ảo, và các nền tảng truyền thông xã hội tương lai. Nói với nội bộ, CEO Mark Zuckerberg cho biết năm 2025 sẽ là "một năm cực kỳ căng thẳng”.
“Chúng tôi sẽ nâng cao tiêu chuẩn quản lý hiệu suất và xử lý nhanh hơn đối với các nhân viên có hiệu suất thấp. Những ai bị ảnh hưởng sẽ nhận được khoản trợ cấp thôi việc hào phóng, tương tự như những đợt cắt giảm trước đây”, trích thư của CEO gửi đến nhân viên.
Song song với động thái này, Meta cũng đang thu hẹp các chương trình về đa dạng và hòa nhập, cũng như chấm dứt các sáng kiến kiểm chứng thông tin từ bên thứ ba. Thay vào đó, công ty chuyển sang mô hình "Ghi chú cộng đồng" (Community Notes) tương tự như nền tảng X (trước đây là Twitter).
Không chỉ Meta, Microsoft cũng đang thực hiện cắt giảm nhân sự tại một số bộ phận, bao gồm an ninh mạng, thiết bị, kinh doanh và gaming. Theo các nguồn tin nội bộ, số lượng nhân viên bị ảnh hưởng không lớn. Động thái này không liên quan đến các đợt sa thải trước đó nhằm vào những nhân viên có hiệu suất kém, mà tập trung vào việc tái cơ cấu hoạt động để tăng hiệu quả, theo Business Insider.
Một người trong nội bộ Microsoft tiết lộ rằng nhân viên trong bộ phận bảo mật đã bắt đầu nhận được thông báo sa thải vào 14/1. Bộ phận này do Charlie Bell, cựu giám đốc hàng đầu mảng điện toán đám mây của Amazon, lãnh đạo. Bell gia nhập Microsoft vào năm 2021 để dẫn dắt các nỗ lực bảo mật được cải tổ toàn diện.
Microsoft đã đặt bảo mật làm ưu tiên hàng đầu trong năm 2024, sau nhiều sự cố an ninh nghiêm trọng. CEO Satya Nadella từng gửi email, nhấn mạnh: “Nếu phải đối mặt với sự lựa chọn giữa bảo mật và các ưu tiên khác, câu trả lời rất rõ ràng: Chọn bảo mật”.
Ngoài sa thải, Microsoft cũng đang áp dụng các biện pháp kiểm soát chi phí chặt chẽ hơn trong bộ phận tư vấn tại Mỹ như tạm dừng tuyển dụng, hạn chế các chuyến đi nội bộ không cần thiết và cắt giảm 35% ngân sách marketing và chi phí nhân sự không mang lại doanh thu.
Theo Layoffs.fyi, một trang web theo dõi tình hình sa thải trong ngành công nghệ, năm 2024 có 545 công ty công nghệ sa thải 152.664 nhân viên. Con số này giảm đáng kể so với 264.220 nhân viên bị sa thải trong năm 2023.