Mèo trong nền văn hóa Ai Cập và hành trình trở thành thú cưng

Mèo là loài vật gần gũi với con người ngày nay, nhưng hành trình trở thành thú cưng phổ biến lại không hề đơn giản.

Trải qua hàng ngàn năm, từ một loài săn mồi đơn độc, mèo dần trở thành người bạn đồng hành quen thuộc trong các mái ấm khắp thế giới. Tuy vậy, câu hỏi liệu mèo có thực sự được “thuần hóa” như chó hay không vẫn còn nhiều tranh cãi.

Mèo được con người thuần hóa khoảng 10.000 năm trước, chủ yếu qua chọn lọc tự nhiên và mối quan hệ hai bên cùng lợi - Ảnh: Getty

Mèo được con người thuần hóa khoảng 10.000 năm trước, chủ yếu qua chọn lọc tự nhiên và mối quan hệ hai bên cùng lợi - Ảnh: Getty

Mèo đến với con người như thế nào?

Theo Live Science, khoảng 10.000 năm trước, tại khu vực ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, những con mèo hoang Felis silvestris lybica - một phân loài ở Trung Đông và Bắc Phi - bắt đầu lui tới các khu con người sinh sống. Chúng bị thu hút bởi nguồn thức ăn dồi dào như chuột và các loài gặm nhấm ăn trộm ngũ cốc.

Theo thời gian, mèo dần quen với môi trường sống của con người. Những cá thể hiền lành, ít sợ hãi hơn có cơ hội sống sót và sinh sản nhiều hơn. Về phía con người, họ cũng nhận ra lợi ích to lớn mà mèo mang lại trong việc kiểm soát các loài gây hại. Mối quan hệ hai bên cùng có lợi này là nền móng cho quá trình thuần hóa tự nhiên.

Bằng chứng khảo cổ cho thấy mèo đã di chuyển rất xa cùng con người. Một ngôi mộ cổ tại đảo Síp có niên đại khoảng 9.500 năm là nơi chôn cất chung người và mèo - dấu hiệu rõ ràng của mối quan hệ thân thiết.

Những bức tượng nhỏ và tượng nhỏ mô tả loài mèo và các vị thần Ai Cập được tìm thấy trong một kho báu tại Ai Cập - Ảnh: Getty

Những bức tượng nhỏ và tượng nhỏ mô tả loài mèo và các vị thần Ai Cập được tìm thấy trong một kho báu tại Ai Cập - Ảnh: Getty

Ngoài ra, xương mèo được tìm thấy trong các hố rác 5.300 năm tuổi ở Trung Quốc, hay thậm chí DNA mèo Ai Cập xuất hiện trong khu định cư của người Viking ở Đức (thế kỷ VIII–X), cho thấy mèo đã theo chân các thủy thủ và thương nhân đi khắp thế giới.

Tại Ai Cập, mèo không chỉ là vật nuôi mà còn được tôn kính như sinh vật linh thiêng. Người Ai Cập cổ đại ngưỡng mộ khả năng bảo vệ và sự độc lập của mèo, liên hệ chúng với các vị thần như nữ thần Bastet - vị thần của sinh nở và bảo hộ. Một số mèo được ướp xác cùng chủ, trong khi hàng nghìn con bị hiến tế trong các nghi lễ tôn giáo.

Giới khoa học vẫn chưa rõ liệu Ai Cập có thuần hóa mèo độc lập hay thừa hưởng từ dòng mèo Trung Đông, nhưng ảnh hưởng của mèo trong văn hóa Ai Cập là không thể phủ nhận.

Mèo có thật sự được “thuần hóa”?

Không giống như chó - được con người chủ động thuần hóa và lai tạo theo nhu cầu - mèo dường như đã tự “thuần hóa” chính mình. Chúng tiếp cận các khu định cư vì lý do sinh tồn và dần trở nên quen thuộc với con người mà không cần nhiều can thiệp từ con người.

Mãi đến vài thế kỷ gần đây, con người mới bắt đầu lai tạo mèo có chủ đích, chủ yếu theo tiêu chí ngoại hình như lông dài, không lông hay màu mắt đặc biệt. Trái lại, chó đã được lai tạo từ hàng ngàn năm trước dựa trên kỹ năng như chăn cừu, bảo vệ, săn mồi hoặc đồng hành.

Ngay cả hiện nay, mèo nhà vẫn giữ nhiều bản năng hoang dã. Nhiều con sống độc lập ngoài tự nhiên, tự săn mồi và không phụ thuộc hoàn toàn vào con người. Mèo hoang và mèo nhà cũng có thể giao phối, khiến ranh giới giữa “thuần hóa” và “hoang dã” trở nên mờ nhạt.

Chó được thuần hóa từ 14.000 - 30.000 năm trước, sớm hơn nhiều so với mèo (khoảng 10.000 năm). Chó được con người chủ động chọn lọc và lai tạo theo đặc điểm mong muốn. Mèo chủ yếu tiến hóa thông qua chọn lọc tự nhiên. Chó thường dễ đoán, trung thành và “phục tùng” con người hơn vì đã được định hình gien theo thời gian. Mèo giữ bản năng độc lập và đôi khi có phần “khó hiểu” hơn.

Dù không thuần phục hoàn toàn, mèo vẫn chiếm trọn tình cảm của hàng triệu người nhờ sự quyến rũ kỳ lạ, chẳng hạn như độc lập nhưng dễ thương, đôi khi xa cách nhưng cũng biết quấn quýt. Ngày nay, mèo không chỉ thú cưng, “người giữ nhà” giỏi săn chuột, mà còn là biểu tượng văn hóa, xuất hiện trong sách, phim, tranh vẽ và mạng xã hội.

Cuộc tranh luận về mức độ thuần hóa của mèo có thể còn kéo dài, nhưng không thể phủ nhận rằng loài vật bí ẩn này đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong trái tim con người.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/meo-trong-nen-van-hoa-ai-cap-va-hanh-trinh-tro-thanh-thu-cung-231033.html
Zalo