Mẹo trị nấc cụt ở trẻ nhỏ
Phụ huynh hãy thử áp dụng những mẹo trị nấc cụt ở trẻ nhỏ đơn giản và an toàn dưới đây để giúp trẻ nhanh chóng cảm thấy thoải mái hơn.
Nấc cụt là một hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là ở trẻ dưới 1 tuổi. Đây là một phản xạ của cơ thể khi cơ hoành bị kích thích và co thắt không liên tục, đồng thời nắp thanh âm bị đóng lại đột ngột, tạo ra âm thanh "nấc" quen thuộc. Tình trạng này thường không gây nguy hiểm nhưng có thể làm khó chịu.
Vì sao trẻ nấc cụt?
Theo bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec, có nhiều nguyên nhân phổ biến gây ra chứng nấc cụt ở trẻ nhỏ, bao gồm:
- Em bé bú quá no và nuốt nhiều không khí: Trẻ bú bình thường khi bú sữa mẹ có thể nuốt phải một lượng không khí lớn. Khi dạ dày của trẻ chứa quá nhiều khí, cơ hoành bị kích thích và co thắt, dẫn đến hiện tượng nấc cụt.
- Trào ngược dạ dày: Khi axit trong dạ dày trào ngược vào thực quản có thể gây kích thích và tạo ra cơn nấc. Đây là một nguyên nhân phổ biến ở trẻ nhỏ vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện.
- Thay đổi nhiệt độ đột ngột: Khi không khí lạnh hoặc sự thay đổi nhiệt độ quá nhanh xâm nhập phổi của trẻ, cơ hoành có thể co thắt và gây ra nấc.
Mẹo trị nấc cụt ở trẻ nhỏ
Dưới đây là những mẹo trị nấc cụt đơn giản và an toàn mà các mẹ có thể áp dụng cho trẻ nhỏ.
Cho trẻ bú sữa

Cho trẻ bú sữa là cách trị nấc cụt dễ dàng và hiệu quả nhất. (Ảnh: Mom cuddle)
Trong các cách trị nấc cụt, uống nước là giải pháp dễ dàng và hiệu quả nhất. Đối với trẻ sơ sinh, việc bú sữa là cách chữa nấc hiệu quả. Sữa không chỉ giúp trẻ giảm cơn đói mà còn giúp ổn định dạ dày và làm dịu cơ hoành. Đối với trẻ ăn dặm, mẹ có thể cho uống một chút nước kèm theo động tác thở sâu và ngồi ở tư thế gập đầu gối để làm dịu cơ thể.
Dùng tay bịt lỗ tai hoặc hai cánh mũi của trẻ
Một mẹo đơn giản và hiệu quả là mẹ dùng hai ngón tay bịt nhẹ hai lỗ tai của trẻ trong khoảng 30 giây, sau đó thả tay ra và khép cánh mũi của trẻ lại. Động tác này giúp cơ hoành căng ra và ngừng co thắt, từ đó làm giảm cơn nấc.
Cho trẻ khóc
Mặc dù có vẻ không hợp lý, nhưng việc cho trẻ khóc có thể giúp giãn thần kinh thực quản và giảm các kích thích lên cơ hoành, giúp trẻ thoát khỏi cơn nấc.
Vỗ nhẹ lưng trẻ
Nếu trẻ nằm hoặc bế, mẹ có thể vỗ nhẹ vào lưng của trẻ để giúp trẻ ợ hơi. Điều này giúp giải quyết tình trạng trào ngược dạ dày và làm dịu cơ hoành của trẻ.

Vỗ nhẹ vào lưng bé là mẹo để chữa nấc cụt. (Ảnh: Pampers.com)
Thay đổi tư thế bú của trẻ
Nếu trẻ bị nấc sau khi bú bình, mẹ có thể thử thay đổi tư thế bú của trẻ để hạn chế việc nuốt không khí vào dạ dày.
Sử dụng núm vú giả
Một cách nữa để trị nấc cụt ở trẻ nhỏ là sử dụng núm vú giả. Mẹ có thể thoa một ít siro lên núm vú giả và cho trẻ bú. Điều này sẽ giúp thư giãn cơ hoành của trẻ và làm giảm cơn nấc. Đối với trẻ bú sữa công thức, mẹ nên lưu ý chọn bình sữa và núm vú phù hợp, tránh cho trẻ nuốt quá nhiều không khí.
Cho trẻ ăn đường (chỉ áp dụng với trẻ lớn)
Đối với trẻ lớn hơn, có một mẹo trị nấc cụt đơn giản là cho trẻ ăn một chút đường. Hạt đường kích thích niêm mạc dạ dày và có thể giúp ngừng cơn nấc.
Mặc dù nấc cụt ở trẻ nhỏ thường không đáng lo ngại và sẽ tự hết sau vài phút nhưng nếu tình trạng này kéo dài và đi kèm với các triệu chứng bất thường như nôn trớ nhiều, mệt mỏi, quấy khóc liên tục, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ để kiểm tra.
Những điều cha mẹ cần lưu ý
Khi trị nấc cụt cho trẻ, mẹ cần tránh một số phương pháp có thể gây hại, như:
- Kéo lưỡi của trẻ: Đây là phương pháp không an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì có thể gây tổn thương cho trẻ.
- Làm cho trẻ giật mình: Cú giật mình có thể khiến trẻ hoảng sợ và làm tình trạng nấc tồi tệ hơn.
- Cho trẻ ăn các loại đồ chua hoặc bánh kẹo: Những món ăn này không phù hợp với trẻ sơ sinh và có thể gây rối loạn tiêu hóa.