Mệnh lệnh từ tương lai
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: 'Những đổi mới, cải cách mà chúng ta đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc'. Câu nói này như một lời vừa nhắc nhở, vừa hiệu triệu mỗi người về trách nhiệm với vận mệnh dân tộc.
Những đổi mới, cải cách nói trên chính là việc Bộ Chính trị ban hành một chỉnh thể “bộ tứ trụ cột” - bốn đột phá then chốt, tựa như bốn động cơ mạnh mẽ sẵn sàng đưa con tàu Việt Nam cất cánh bay cao. Đó là Nghị quyết số 57-NQ/TW: Thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết số 59-NQ/TW: Chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết số 68-NQ/TW: Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 66-NQ/TW: Đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Việc Bộ Chính trị đồng thời ban hành “bộ tứ trụ cột” này cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện cho hành trình phát triển sắp tới; minh chứng hùng hồn cho trách nhiệm chính trị cao cả trước tương lai dân tộc. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, với những cơ hội và thách thức đan xen, sự chủ động và quyết đoán này càng trở nên vô cùng giá trị.
Chưa dừng lại ở đó, Trung ương và Bộ Chính trị còn đang kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tổ chức lại đơn vị hành chính và chính quyền địa phương 2 cấp. Những thay đổi sâu rộng này đang từng ngày định hình một bộ máy nhà nước hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, để những chủ trương, nghị quyết mang tầm chiến lược này thực sự đi vào cuộc sống, để “bộ tứ trụ cột” phát huy hết sức mạnh, và để cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy đạt được thành công, một yếu tố then chốt không thể thiếu chính là sự thay đổi sâu sắc về trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi tập thể và mỗi cá nhân trong xã hội. “Mệnh lệnh từ tương lai dân tộc” không chỉ là trách nhiệm của riêng Trung ương, Bộ Chính trị, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.
Chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, sự cất cánh của đất nước không thể chỉ dựa vào những quyết sách vĩ mô từ trên xuống. Nó đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của hàng triệu người dân Việt Nam, từ người lãnh đạo cao nhất đến người công dân bình thường nhất.
Trách nhiệm trong kỷ nguyên mới không thể là những khẩu hiệu suông, mà phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Đó là trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trong việc gương mẫu đi đầu, tận tâm phục vụ nhân dân, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc. Đó là trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chủ động, sáng tạo triển khai các nghị quyết của Đảng và Nhà nước một cách hiệu quả, không đùn đẩy, né tránh. Đó là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước. Đó là trách nhiệm của người giáo viên, trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ trong việc bồi dưỡng thế hệ tương lai, trao cho trẻ cơ hội phát triển toàn diện. Và đó là trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chấp hành pháp luật, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh, giàu mạnh.
Tinh thần “chung sức, đồng lòng” không đơn thuần là sự tập hợp về số lượng, mà phải là sự thống nhất về ý chí và hành động. Chúng ta cần gạt bỏ những lợi ích cá nhân, cục bộ, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng một môi trường làm việc cởi mở, hợp tác, nơi mọi ý kiến đóng góp đều được lắng nghe và trân trọng; từ đó khơi dậy khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới sáng tạo trong mỗi người, tạo ra một sức mạnh tổng hợp để vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Tất cả phải cùng hướng tới mục tiêu như gợi ý của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước”.