Mềm mại đường cong...
Đường cong không chỉ tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển mà còn mang lại tính thẩm mỹ và cảm giác hài hòa cho không gian. Ngày nay, xu hướng sử dụng đường cong ngày càng phổ biến trong các công trình kiến trúc, từ nhà ở, văn phòng đến các công trình công cộng.

Nội thất có đường cong làm dịu những góc cạnh của không gian. Ảnh: Inner Home
Có dịp trải nghiệm tại Inner Homestay (đường Phan Anh, phường An Đông, quận Thuận Hóa), tôi bị thu hút bởi thiết kế phòng khách với những bức tường cong uốn lượn mềm mại. Chị Cổ Thục Trinh, chủ homestay chia sẻ: “Tôi muốn không gian căn nhà không chỉ hiện đại mà còn mang lại cảm giác thư thái cho khách nên đã thiết kế không gian với những đường cong giúp loại bỏ sự cứng nhắc, góc cạnh, tạo nên một không gian ấm cúng hơn”.
Ngoài yếu tố thẩm mỹ, đường cong còn mang đến nhiều lợi ích về công năng như tạo ra sự lưu thông mượt mà, hạn chế các góc chết và tối ưu hóa diện tích trong công trình. Theo kiến trúc sư (KTS) Trương Văn Dương (Công ty HS House), việc sử dụng đường cong trong lối đi hoặc cầu thang có thể cải thiện dòng chảy di chuyển, giúp người sử dụng cảm thấy thoải mái và dễ dàng định hướng hơn. Đường cong không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn có thể tạo nên những kết cấu bền vững. Trong một số trường hợp, các dạng mái vòm cong hay tường uốn lượn có thể chịu lực tốt hơn so với những kết cấu góc cạnh truyền thống. Ngoài ra, đường cong cũng góp phần tạo cảm giác thư giãn và gần gũi với thiên nhiên, được áp dụng trong nhiều khu nghỉ dưỡng, resort. Đường cong thường được sử dụng để mô phỏng các đường nét tự nhiên như sóng biển, dòng sông hay dãy núi, giúp con người có cảm giác hòa mình vào thiên nhiên.
Bên cạnh kiến trúc tổng thể, đường cong trong thiết kế nội thất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự hài hòa cho không gian sống. Trong các căn hộ và nhà phố hiện đại, đồ nội thất với đường nét uốn lượn như ghế, bàn, kệ sách hay giường ngủ không chỉ mang lại sự mềm mại mà còn tạo nên một phong cách trang nhã, tinh tế. KTS. Trương Văn Dương cho rằng, nội thất có đường cong giúp làm dịu đi những đường nét góc cạnh của không gian, đồng thời tạo nên cảm giác dễ chịu và gần gũi hơn. Đặc biệt, trong các không gian nhỏ, việc sử dụng nội thất có đường cong có thể giúp tối ưu hóa diện tích, tạo cảm giác rộng rãi hơn.
“Một ví dụ điển hình về ứng dụng đường cong trong nội thất là việc sử dụng ghế sofa bo tròn thay vì ghế góc vuông truyền thống. Những chiếc sofa có lưng tựa cong nhẹ mang lại sự mềm mại, tạo điểm nhấn và giúp không gian phòng khách trở nên thoáng đãng hơn. Tương tự, bàn ăn hình oval hoặc tròn cũng giúp tối ưu không gian và tạo cảm giác gần gũi giữa các thành viên trong gia đình. Trong phòng ngủ, đầu giường được thiết kế với đường cong mềm mại không chỉ mang đến vẻ đẹp tinh tế mà còn tạo sự thư giãn cho chủ nhân. Những chi tiết nhỏ như kệ treo tường bo góc, cửa sổ vòm hay đèn trần hình dáng uốn lượn đều góp phần tạo nên không gian hài hòa và dễ chịu”, KTS. Trương Văn Dương phân tích. Ngoài ra, các vật liệu như kính uốn cong, kim loại uốn lượn hay gỗ ép cong cũng đang được sử dụng rộng rãi để tạo nên các sản phẩm nội thất độc đáo, giúp tăng tính thẩm mỹ và phù hợp với nhiều phong cách khác nhau, từ cổ điển đến hiện đại.
Tuy nhiên, việc ứng dụng đường cong trong kiến trúc cũng đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng. KTS. Trương Văn Dương lưu ý: “Không phải lúc nào cũng có thể lạm dụng đường cong, bởi nếu không được xử lý hợp lý, nó có thể gây rối mắt hoặc làm giảm tính hiệu quả của không gian. Vì vậy, gia chủ nên cân nhắc tỷ lệ, vị trí và vật liệu phù hợp để đạt được sự hài hòa giữa công năng và thẩm mỹ”.