Mẹ bị thủy đậu có cho con bú được không?
Mẹ bị thủy đậu trong quá trình mang thai, chăm sóc con có thể để lại một số ảnh hưởng nhất định lên sức khỏe của trẻ.
Thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra với biểu hiện thường gặp là sốt, nổi ban đỏ ngứa, sau đó chuyển sang bóng nước và vỡ.
Bệnh thủy đậu lây qua không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc do tiếp xúc với dịch từ các bóng nước trên da khi vỡ ra. Người bệnh thủy đậu có thể lây cho người khác 1-2 ngày trước khi ban xuất hiện, kéo dài cho đến khi ban hết lan và khô lại (thường là sau 5 ngày).
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Anh Tiên, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, trong một số trường hợp, thủy đậu có thể lây truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của bệnh lên trẻ thế nào sẽ tùy thuộc vào tuổi thai mẹ đang mang.
Nếu mẹ mắc bệnh thủy đậu trước tuần 28 của thai kỳ, một tỷ lệ nhỏ trẻ sơ sinh sẽ bị bệnh lý bào thai do virus (tổn thương da, mắt, não, ruột, và bàng quang).
Trong trường hợp mẹ mắc bệnh thủy đậu từ tuần 28 đến tuần 36 của thai kỳ, virus có thể tồn tại trong cơ thể con nhưng không gây triệu chứng. Tuy nhiên, virus có thể hoạt động trở lại vài năm sau đó.
Đối với mẹ bị thủy đậu sau 36 tuần của thai kỳ, trẻ sinh ra có thể bị thủy đậu.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị thủy đậu cao nhất nếu mẹ bị thủy đậu trong vòng 3 tuần cuối của thai kỳ cho đến vài ngày sau sinh. Các biểu hiện của bệnh có thể xuất hiện từ ngay sau khi sinh ra cho đến khi trẻ được 10-12 ngày tuổi.
Giai đoạn nguy hiểm nhất là mẹ mắc thủy đậu từ 5 ngày trước sinh cho đến 2 ngày sau sinh. Có đến 50% trẻ sinh ra bị mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cũng cao (đến 30%). Các tổn thương do thủy đậu nặng bao gồm: viêm phổi, viêm gan, viêm màng não, rối loạn đông máu nặng do suy gan.
Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ bị bệnh thủy đậu nên được cách ly với mẹ, không cho bú mẹ cho đến khi các tổn thương trên da của mẹ khô và lành.
Trẻ sơ sinh bị thủy đậu hoặc có tiếp xúc (phơi nhiễm) với người bệnh thủy đậu nên được cách ly. Trẻ bị thủy đậu bào thai không cần phải cách ly nếu trẻ không có tổn thương đang tiến triển.