MB Điện Biên Phủ - 20 năm xứng đáng 'Anh cả'
Tôi gặp Đại tá Lê Thành Nam, Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) chi nhánh Điện Biên Phủ trong chương trình 'Về nơi khởi nguồn' do Báo Quân đội nhân dân tổ chức tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Nguyên Bình, Cao Bằng. Giữa linh thiêng, hào hùng khí thế chào mừng 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024) và 30 năm thành lập MB (4-11-1994 / 4-11-2024), anh và tôi nói chuyện về MB Điện Biên Phủ và hành trình 20 năm (5-12-2004 / 5-12-2024) trở thành 'Anh cả' của hệ thống.
Từ nơi khởi đầu, vươn lên dẫn đầu
Là người có nhiều năm gắn bó với hoạt động của MB nói chung, hay chi nhánh Điện Biên Phủ nói riêng, tôi cảm nhận được phần nào sự đặc biệt trong văn hóa doanh nghiệp, cũng như tinh thần, ý chí của người lính ở mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng. Mỗi lần có dịp sang làm việc ở MB Điện Biên Phủ, tôi như được hòa vào không khí làm việc chuyên nghiệp, tận tâm và đầy cảm hứng của từ Đại tá Lê Thành Nam đến từng chuyên viên trong chi nhánh. Có lẽ cái chất riêng MB ấy được hun đúc bằng truyền thống suốt 30 năm qua, và hơn cả là từ chính MB Điện Biên Phủ qua các thế hệ.
Chẳng phải tự nhiên mà mỗi khi nhắc đến MB Điện Biên Phủ, anh chị em cán bộ trong hệ thống MB vẫn hay gọi bằng một cái tên thân thương mà đầy tự hào: “Anh cả”.
Những con số kinh doanh đến đầu quý IV-2024 đã nói lên cơ sở danh xưng ấy khi MB Điện Biên Phủ đạt tổng tài sản 62.555 tỷ đồng; 171.000 khách hàng cá nhân; 4,8 nghìn khách hàng SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ); 256 khách hàng CIB (doanh nghiệp lớn); huy động vốn thời điểm 60.832 tỷ đồng (top 1 hệ thống); huy động vốn bình quân 56.411 tỷ đồng (top 1 hệ thống); thu thuần kinh doanh 1.121 tỷ đồng (top 3 hệ thống); tỷ lệ nợ xấu 0,07% (kế hoạch được giao là 0,36%)… Với số lượng cán bộ nhân viên hiện tại 72 người và doanh thu 1.400 tỷ đồng (top 1 hệ thống), có lẽ tính vui thì mỗi người lao động ở MB Điện Biên Phủ phải “kiếm” được 20 tỷ đồng doanh thu trong năm.
20 năm, nhìn lại ngày mới thành lập MB Điện Biên Phủ có những chỉ tiêu đã tăng 10 lần, 20 lần. Khi ấy chi nhánh có doanh thu 130 tỷ đồng, huy động vốn 3.833 tỷ đồng, dư nợ 2.778 tỷ đồng, lợi nhuận 81 tỷ đồng, tổng tài sản 5.516 tỷ đồng với 1 trụ sở chính nhánh và 7 phòng giao dịch. Thiếu tướng Lê Công (nguyên Phó chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc MB) nhớ lại: “Thời điểm cuối năm 2004 tôi đang là Phó tổng giám đốc MB, ngân hàng chủ trương thực hiện thành lập chi nhánh Điện Biên Phủ để tách hệ thống ra thành 2 cấp. MB Điện Biên Phủ khởi đầu là một chi nhánh nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của MB và áp dụng những thông lệ quốc tế vào mô hình tổ chức và chiến lược kinh doanh ngân hàng”. Từ 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội, nơi MB ra đời, chi nhánh Điện Biên Phủ được thành lập và phát triển không ngừng suốt 2 thập kỷ qua, đồng thời luôn giữ vững được vị trí dẫn đầu, số 1 trên toàn hệ thống.
Viết tiếp những trang rực rỡ
Thật tình cờ, không ít lần tôi có dịp gặp ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kết cấu thép và thiết bị nâng Việt Nam (Vinalift), hay ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Thành An, hai khách hàng lớn quen thuộc của MB Điện Biên Phủ. Trong câu chuyện của họ đầy những cảm thán trân trọng, yêu mến và gắn bó thủy chung cùng chi nhánh suốt hàng chục năm qua. Thậm chí như với Vinalift của ông Trần Văn Tuấn, từ khi thành lập, trở thành khách hàng của MB Điện Biên Phủ suốt 2 thập kỷ, công ty gần như không giao dịch thêm với bất cứ ngân hàng nào. Rồi với Công ty CP Sản xuất, kinh doanh khoáng sản, dịch vụ cảng TNV Hải Dương; Công ty Cổ phần Xây dựng CDC… cùng nhiều doanh nghiệp khác là đối tác của MB Điện Biên Phủ, họ đều chung một ân tình, một gắn kết và tâm huyết đồng hành dài lâu.
Đại tá Lê Thành Nam khẳng định rằng, thời gian tới MB Điện Biên Phủ sẽ tiếp tục phát triển đồng đều 3 trục kinh doanh trên tất cả các chỉ tiêu (dư nợ - huy động - dịch vụ - khách hàng). Trong đó, sẽ tập trung tìm kiếm và mở rộng công tác huy động vốn, phát triển các khách hàng có nguồn vốn dồi dào và cạnh tranh về lãi suất, chăm sóc để tạo sự đột phá tăng trưởng. Cùng với đó, phát triển các đối tác chủ đầu tư, phát triển quy mô tín dụng an toàn, đa dạng (cụm công nghiệp, dự án bất động sản nhà ở, sản xuất kinh doanh); thúc đẩy các hoạt động thu ngoài lãi, nâng cao năng lực tài trợ thương mại, bảo lãnh vốn vay; đầu tư và tăng cường đào tạo nhân sự tinh thông nghiệp vụ, kỹ năng…
Đặc biệt là năm 2025 tiếp tục phát huy thế mạnh với mục tiêu huy động vốn và dư nợ tăng trưởng 40%, tăng net 8.000 tỷ đồng; tăng thu dịch vụ từ FX, bảo lãnh, ngân hàng đầu tư lên 500 tỷ đồng. Đồng thời mở rộng đa dạng hóa khách hàng mới FDI, dịch vụ công, ban quản lý dự án trọng điểm quốc gia, chủ đầu tư khu công nghiệp,... MB Điện Biên Phủ sẽ phát triển thêm các khách hàng cá nhân cao cấp, triển khai Hub Private, tài trợ dự án bất động động sản nhà ở cá nhân gắn với cho vay chủ đầu tư uy tín và có thương hiệu. Trong đó mục tiêu quan trọng là phấn đấu trở thành chi nhánh hàng đầu về phục vụ khách hàng quân đội, phục vụ cho vay tiêu dùng của sĩ quan, quân nhân.
Câu chuyện hơn 7.000 ngày qua của MB Điện Biên Phủ ở tuổi 20 là những trang rực rỡ được thế hệ sau kế tiếp và sẽ còn rất dài. Từ những ngày đầu của các giám đốc Lê Công, Vũ Hải Phượng, Lê Hải, Trần Minh Đạt, Đỗ Kim Loan, Kim Tuấn Anh, Hoàng Minh Tuấn, Nguyễn Thị Mai Sao cho đến bây giờ vẫn luôn là một hành trình tiếp nối truyền thống và phát triển tương lai.
Hiện nay ở MB Điện Biên Phủ thì thế hệ sau 9X chiếm tới gần 80% nhân sự. Những “cây tre” chưa già của thế hệ 7X, 8X như Đại tá Lê Thành Nam, hay các phó giám đốc Đỗ Đình Minh, Nguyễn Thùy Vân, Lê Kim Liên, Nguyễn Thị Trang Nhung… đã có các “cây măng” cứng cáp 9X như Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Duy Học, Chu Tuấn Tùng, Nguyễn Minh Thông, Phùng Thị Hà… bước tiếp sau. Gạch nối giữa các thế hệ đó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, giúp chi nhánh không chỉ kế thừa di sản của lớp cán bộ đi trước mà còn kiến tạo, dựng xây những thành tựu của hiện tại và tương lai. Một tương lai chắc chắn tươi đẹp!