May gia công tăng thu nhập cho lao động nữ

Nghề may gia công tại nhà hiện nay được nhiều phụ nữ ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước lựa chọn, như hướng đi phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của nhiều lao động nữ. Ðiển hình như chị Phan Thị Mỹ Nương ở Khóm 1, với cơ sở may gia công hiệu quả và bền vững.

Chị Phan Thị Mỹ Nương với công đoạn ráp thảm lau chân.

Chị Phan Thị Mỹ Nương với công đoạn ráp thảm lau chân.

Với tinh thần cầu tiến và nhạy bén, chị Nương mạnh dạn đưa nghề may gia công về quê hương mình, nơi chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính. Ban đầu, chị chỉ nhận những đơn hàng nhỏ lẻ, nhưng nhờ chăm chỉ, uy tín và chất lượng sản phẩm ổn định, cơ sở may của chị dần nhận được nhiều đơn hàng đa dạng từ các đối tác.

Hiện nay, cơ sở may của chị Nương chuyên nhận may các mặt hàng như: áo kiểu, quần tây, đồ bộ, thảm lau chân... Mỗi tháng cơ sở xuất xưởng khoảng 3.200 đơn hàng, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Không chỉ phát triển kinh tế cá nhân, chị Nương còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động nữ, mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Nương cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư thêm máy móc hiện đại và tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ, đặc biệt là qua các kênh bán Online để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”.

Sản phẩm thảm lau chân từ cơ sở may gia công của chị Phan Thị Mỹ Nương (bên phải) được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sản phẩm thảm lau chân từ cơ sở may gia công của chị Phan Thị Mỹ Nương (bên phải) được người tiêu dùng ưa chuộng.

Linh hoạt về thời gian, nghề may không chỉ giúp chị em có thể sắp xếp công việc một cách chủ động để có thời gian chăm sóc con cái, lo toan việc nhà, mà còn tạo điều kiện để họ có thêm thu nhập cải thiện kinh tế. Chị Nguyễn Thị Sai, ấp Trần Mót, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, chia sẻ: “Từ khi cơ sở gia công của chị Nương bắt đầu đi vào hoạt động, tôi đã đến nhận hàng về nhà may gia công. Nhờ đó, tôi có thu nhập trang trải chi tiêu hằng ngày”.

May gia công chủ yếu làm theo công đoạn để hoàn thiện một sản phẩm may mặc, mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và cẩn thận. Tuy vậy, nếu chịu khó học hỏi và có tinh thần làm việc nghiêm túc, ai cũng có thể làm được.

Chị Trần Thị Cẩm, ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước, bộc bạch: “Trước đây tôi phải đi làm xa nhà, chi phí sinh hoạt cao nên cuộc sống gặp khó khăn. Từ khi có công việc may mặc tại địa phương, đúng nghề, tôi rất phấn khởi, vì vừa được làm gần nhà lại có thu nhập ổn định hằng tháng”.

Bà Bùi Kim Út, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Cái Nước, cho biết: “Chị Phan Thị Mỹ Nương là tấm gương tiêu biểu về tinh thần cần cù, chịu khó lao động và không ngại vượt qua khó khăn, thử thách. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, chị đã vươn lên xây dựng cuộc sống ổn định. Không chỉ nỗ lực làm kinh tế, chị Nương còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, quan tâm hỗ trợ phụ nữ hoàn cảnh khó khăn. Cơ sở may của chị ngày càng phát huy hiệu quả, mang lại ý nghĩa thiết thực trong tạo sinh kế cho phụ nữ nông thôn. Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để chị mở rộng cơ sở may, góp phần xây dựng mô hình kinh tế bền vững, nâng cao đời sống cho phụ nữ địa phương”./.

Tiểu Ái

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/may-gia-cong-tang-thu-nhap-cho-lao-dong-nu-a39084.html
Zalo