'Mây đen' bao phủ kinh tế toàn cầu
Dịch Covid-19 đang lan nhanh ở châu Âu, đe dọa các nền kinh tế trong khu vực. Nguy cơ dự luật 1.750 tỷ USD của Tổng thống Biden đổ vỡ cũng khiến triển vọng kinh tế trở nên mờ mịt.
Trong phiên giao dịch hôm 20/12, Dow Jones Futures mất 575 điểm, tương đương 1,6%. Còn giá dầu thô Brent lao dốc khoảng 3% xuống 71 USD/thùng. Các thị trường chứng khoán chính của châu Âu và châu Á giảm 2%.
Theo CNN, số lượng ca mắc mới của biến thể Omicron tăng vọt ở châu Âu và Mỹ khiến các doanh nghiệp lao đao, buộc chính quyền phải thắt chặt hạn chế vào thời điểm quan trọng của ngành giải trí và bán lẻ.
Triển vọng của nền kinh tế Mỹ cũng u ám hơn sau khi Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin cho biết ông sẽ phản đối dự luật trị giá 1.750 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
"Tôi đã cố gắng làm mọi thứ nhân văn nhất có thể, nhưng không thể bỏ phiếu cho dự luận này", ông Manchin nhấn mạnh với Fox News.
Triển vọng u ám
Tuyên bố của ông Manchin được coi là đòn chí mạng đối với dự luật "Xây lại Tốt hơn" của ông chủ Nhà Trắng. Dự luật đề xuất các biện pháp để giúp giảm chi phí chăm sóc trẻ em, thuốc kê đơn, thúc đẩy sức mua của hộ gia đình, đầu tư vào quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
"Làn sóng dịch bệnh ở Anh và châu Âu, cộng hưởng với kế hoạch chi tiêu thất bại của Tổng thống Biden, đã khiến chứng khoán châu Á lao dốc mạnh", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda - bình luận.
Sau tuyên bố của ông Manchin, Goldman Sachs đã nhanh chóng cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Ngân hàng Phố Wall cho rằng GDP quý I/2022 của Mỹ sẽ là 2%, thay vì 3% như dự báo trước đó.
Ngay cả khi những mũi tiêm tăng cường có thể giảm rủi ro về sức khỏe, khả năng lây lan nhanh chóng của Omicron vẫn có thể gây quá tải hệ thống y tế, buộc các quốc gia phải áp dụng những biện pháp gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế
Nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg
Triển vọng kinh tế của Mỹ cũng xấu đi do mối đe dọa của biến thể virus mới đối với các hoạt động kinh doanh. Tính đến ngày 19/12, những trường hợp nhiễm Omircon đã được ghi nhận ở 45 bang của Mỹ.
Omicron cũng đang lan nhanh ở châu Âu. Các chính phủ buộc phải đưa ra những hạn chế mới đối với việc đi lại và các hoạt động khác.
Hà Lan đã ban hành lệnh phong tỏa hôm 19/12. Pháp cũng cấm các sự kiện lớn ngoài trời và những cuộc tụ tập vào đêm giao thừa.
Đan Mạch đã đóng cửa rạp chiếu phim và nhà hát, đồng thời hạn chế số lượng người tụ tập tại các cửa hàng. Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - cũng đang đứng trước bờ vực suy thoái.
"Ngay cả khi những mũi tiêm tăng cường có thể giảm rủi ro về sức khỏe, khả năng lây lan nhanh chóng của Omicron vẫn có thể gây quá tải hệ thống y tế, buộc các quốc gia phải áp dụng những biện pháp gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế", nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg cảnh báo.
Theo ông, ảnh hưởng từ biến thể mới có thể khiến khu vực đồng euro và Anh chứng kiến nền kinh tế sụt giảm 1% trong quý I/2022.
Ở London, một số quán bar và nhà hàng buộc phải đóng cửa vì nhân viên nhiễm virus và số lượng hành khách giảm sút. Cuối tuần qua, 6 trận đấu ở giải Ngoại hạng Anh đã bị hoãn lại do cầu thủ vắng mặt bởi Covid-19.
"Vết sẹo vĩnh viễn"
Việc siết chặt những hạn chế đi lại của các quốc gia và nỗi lo ngại của du khách đã tác động mạnh mẽ đến ngành công nghiệp du lịch.
Với sự xuất hiện của Omicron, người tiêu dùng có thể ngần ngại ghé các cửa hàng bách hóa, thăm gia đình và bạn bè trong kỳ nghỉ cuối năm.
Trong một bức thư gửi tới Thủ tướng Anh Boris Johnson, các giám đốc điều hành của British Airways, Virgin Atlantic, Ryanair và easyJet nhấn mạnh rằng những hạn chế đi lại "bừa bãi, không thích hợp" có nguy cơ "để lại vết sẹo vĩnh viễn" cho ngành công nghiệp.
Các giám đốc hãng bay thúc giục Chính phủ Anh hủy bỏ tất cả xét nghiệm khẩn cấp đối với những hành khách đã được tiêm phòng đầy đủ.
Tại một cuộc họp báo hồi tuần trước, ông Willie Walsh - người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế - cảnh báo rằng các hãng hàng không sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề vì biến thể virus mới.
Thêm vào đó, Trung Quốc đang trải qua một đợt suy thoái kinh tế lớn do cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, tình trạng thiếu điện, gián đoạn sản xuất và vận chuyển bởi những đợt bùng phát Covid-19 mới. Cùng với đó là việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với các tập đoàn tư nhân lớn của nước này.
Các nhà phân tích cho rằng vào năm sau, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990.
Hôm 20/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lần đầu cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn trong vòng 20 tháng. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn nhanh chóng bay hơi.